MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lập lại trật tự cho vay tiêu dùng

06-11-2016 - 10:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Minh bạch trong cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cần được quy định chặt chẽ để tránh thiệt hại không đáng có cho người vay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo lần 2 thông tư quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với nhiều nội dung có thể đem lại những tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính.

Theo dự thảo, tổng số tiền cho vay tiêu dùng (bao gồm dư nợ cho vay và số tiền dự kiến cho vay) bằng tiền mặt đối với 1 khách hàng không vượt quá 10 triệu đồng (hoặc một mức khác theo quyết định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ).

Lý giải về hạn mức này, cơ quan soạn thảo cho biết việc công ty tài chính giải ngân vốn vay cho khách hàng để thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi năng lực tài chính, nguồn vốn hoạt động của công ty tài chính còn nhiều hạn chế (vốn điều lệ thấp, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là đi vay tổ chức tín dụng khác hoặc vay ngân hàng mẹ...). Phân khúc khách hàng vay tiêu dùng của công ty tài chính chủ yếu là khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, hiểu biết về tài chính hạn chế, có nhu cầu các khoản vay giá trị nhỏ, thời gian ngắn, khó hoặc không tiếp cận với các khoản vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại, mức độ rủi ro cao.

Điểm đáng chú ý là thông tư không quy định về mức trần lãi suất cho vay tiêu dùng. Thay vào đó, NHNN cho phép các bên tự thỏa thuận về lãi suất. Mức trần 20% mà Bộ Luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 sẽ không áp dụng với các công ty tài chính cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, trường hợp khách không trả đúng hạn, tiền lãi vay chậm theo mức lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số lãi tiền vay chậm trả trong thời gian chậm trả.

Ngoài ra, để hạn chế những bức xúc của dư luận về lãi suất trong thời gian qua, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, sự phát triển lành mạnh, bền vững hoạt động cho vay tiêu dùng, dự thảo còn đưa ra quy định mức lãi suất cho vay tiêu dùng được tính theo tỉ lệ %/năm để thuận tiện cho khách hàng trong việc so sánh, đối chiếu với lãi suất của các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính khác. Lãi tiền vay phải trả chỉ được tính trên cơ sở dư nợ cho vay thực tế tại thời điểm tính lãi để chấm dứt tình trạng một số công ty tài chính tính lãi tiền vay trên dư nợ gốc ban đầu...

Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cho thấy trong thực tế, những khiếu nại, tranh chấp của hợp đồng cho vay chủ yếu liên quan đến nội dung lãi suất vay nhưng lại có nguyên nhân từ việc thiếu minh bạch trong hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin cho khách hàng trước khi đặt bút ký. Điển hình là có khách hàng vay 10 triệu đồng mua tivi nhưng trả nợ mãi không hết, hỏi ra mới biết tổng số tiền phải trả lên đến 17 triệu đồng…

Ý kiến

TS Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:

Hạn mức cho vay 50 triệu đồng mới hợp lý

Hạn mức cho vay nếu quy định là 10 triệu đồng thì không hợp lý lắm. Người dân có nhu cầu vay tiêu dùng để mua sắm tài sản có giá trị lâu bền như tivi, máy điều hòa hay ô tô mà 10 triệu đồng thì quá thấp trong bối cảnh mặt bằng giá cả hiện nay. Mức đó chỉ tiêu dùng hàng mau hỏng, không đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng hóa theo đúng nghĩa của vay tiêu dùng là dành cho những mục đích cấp thiết như mua sắm vật dụng gia đình, sửa chữa nhà cửa... mà chủ yếu chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn của bà con nông dân mua sắm nông cụ lao động. Nếu chỉ vì cái tivi mà làm hồ sơ vay vốn thì không hợp lý. Để ngăn ngừa rủi ro, cần xác định đúng mục đích cho vay, cơ sở hoàn trả và một số vấn đề khác thay vì quy định bằng hạn mức thấp, không phù hợp. Theo tôi, hạn mức trung bình của một món vay khoảng 50 triệu đồng thì hợp lý hơn.

Đại diện CÔNG TY HD SAISON:

Cần hướng dẫn cụ thể hơn

Dự thảo thông tư quy định công ty tài chính được xem xét quyết định việc giải ngân vốn cho khách hàng để thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo quy định của NHNN. Tổng số tiền cho vay tiêu dùng được giải ngân theo quy định tại khoản này đối với một khách hàng không vượt quá 10 triệu đồng. Nội dung này đang gây tranh luận với cách hiểu khác nhau. Cụ thể, mỗi khách hàng chỉ có thể được vay hạn mức 10 triệu đồng hay con số này chỉ là hạn mức của một lần giải ngân và mỗi khách hàng có thể được giải ngân nhiều lần tùy theo nhu cầu vay vốn?

Tại nhiều nước, hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính không bị chi phối bởi Luật các Tổ chức tín dụng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg, ngày 5-9-2016. Trong đó, quy định công ty tài chính là một trong những công cụ để giúp cho mục đích nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân rất tốt vì đây là kênh dẫn vốn vay đối với người dân rộng và thân thiện hơn so với ngân hàng.

Trước đây, người dân cứ phải tiết kiệm, sống khổ sở mới có tivi, tủ lạnh, nay công ty tài chính giúp họ tiếp cận nguồn vay cải thiện đời sống. Do đó, cần có hành lang pháp lý cho hoạt động của các công ty tài chính, nếu áp dụng chung như hoạt động của các tổ chức tín dụng sẽ gây ra nhiều cản trở.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu:

Thỏa thuận lãi suất là một bước ngoặt lớn

Trần lãi suất 20% theo quy định của Bộ Luật Dân sự không thể áp dụng cho các tổ chức tín dụng, nếu áp dụng cho các công ty tài chính cũng không hợp lý vì đó là mức rất thấp cho mặt bằng lãi suất tín dụng tiêu dùng hiện nay.

Ngay cả lãi vay qua thẻ tín dụng của các ngân hàng cũng đã là 28%-30% mà buộc tổ chức phi tín dụng áp trần 20% là rất khó vì hoạt động của các tổ chức này rất rủi ro so với hoạt động ngân hàng. Cho nên dự thảo không quy định trần lãi suất đối với hoạt động cho vay tiêu dùng là một bước ngoặt lớn, có tác động góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong tương lai.

Tín dụng tiêu dùng rất quan trọng cho tăng trưởng GDP của một quốc gia. Đối với nền kinh tế Việt Nam, việc tăng trưởng tín dụng tiêu dùng là thích hợp nhưng lĩnh vực này cũng rất rủi ro, đòi hỏi các tổ chức tín dụng, công ty tài chính phải có hệ thống quản trị rủi ro rất chặt chẽ vì cho vay doanh nghiệp có tài sản thế chấp, có báo cáo tài chính và có sự ổn định còn cho vay cá nhân chỉ có thể dựa vào thu nhập, tín chấp.

Do đó, tín dụng tiêu dùng tạo sự ổn định cho hệ thống tài chính nhưng cũng có thể trở thành nợ xấu ảnh hưởng đến tài chính quốc gia. Việc dự thảo thông tư đã chú trọng đến trách nhiệm tư vấn, cung cấp thông tin cho khách hàng là rất quan trọng bởi trong thực tế, nhiều người dân không hiểu rõ về quy định cho vay, rất lơ là trong xem xét hợp đồng, chỉ cần được vay vốn là mừng rồi, không có kỹ năng xem xét lãi suất điều chỉnh, lãi phạt... là những yếu tố tạo gánh nặng trả nợ về sau.

Bà Vương Thủy Tiên- thành viên Hội đồng Thành viên Home Credit Việt Nam:

Nên đọc kỹ hợp đồng và chủ động thắc mắc

Một trong những yếu tố giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững là người tiêu dùng được trang bị các kiến thức cơ bản về tài chính tiêu dùng. Các kiến thức này không quá phức tạp, chỉ cần họ hiểu được nhu cầu vay vốn nào là hợp pháp và được công ty tài chính chấp thuận cấp khoản vay, mức lãi suất, phí phạt và những hậu quả nếu vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng… Theo đó, người vay nên đọc kỹ hợp đồng hoặc thắc mắc với nhân viên tư vấn khi chưa hiểu các quy định của hợp đồng. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng tự bảo vệ mình mà còn giúp các bên giảm thiểu những tranh chấp phát sinh không đáng có.

Các công ty tài chính cũng phải minh bạch và thực hiện cho vay có trách nhiệm. Dự thảo của NHNN có quy định rõ ràng về nghĩa vụ minh bạch của công ty tài chính và những thông tin mà công ty tài chính cần cung cấp cho người tiêu dùng khi cấp khoản vay, ký kết hợp đồng là một đổi mới quan trọng nhằm giúp lành mạnh hóa thị trường tín dụng tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi của người vay.

P.Anh - L.Anh ghi

Theo Tô Hà

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên