Lật tàu trên sông Hàn, xử lý hình sự ai?
Vụ lật tàu trên sông Hàn đã đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề quản lý tàu du lịch trên sông của các cơ quan chức năng và việc chịu trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
- 07-06-2016Từ vụ lật tàu trên sông Hàn, báo động buông lỏng quản lý giao thông đường thủy
- 06-06-2016Đà Nẵng: Đình chỉ tất cả hoạt động tàu bè du lịch trên sông Hàn
- 06-06-2016Vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn: Đề nghị đình chỉ Giám đốc Cảng vụ Đà Nẵng
Tối 4-6, tàu du lịch Thảo Vân 2 bị lật trên sông Hàn, Đà Nẵng. Có ba hành khách, trong đó có hai trẻ em, không may tử nạn. Tại thời điểm xảy ra sự cố, trên tàu có 56 người bao gồm cả hành khách và nhân viên, trong khi tải trọng tàu chỉ được chở 28 người. 53 người trong số đó may mắn được cứu sống.
Sự việc đau lòng xảy ra làm dư luận dấy lên nỗi bận tâm về an toàn đường thủy cũng như vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý và giám sát.
Hàng ngàn ý kiến bạn đọc đặt câu hỏi cơ quan, đơn vị, cá nhân nào chịu trách nhiệm trước cái chết tức tưởi của ba người.
Trách nhiệm của ai?
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho rằng theo khoản 2, điều 212 Bộ luật hình sự, người lái tàu trong trường hợp này vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy khi thực hiện lái tàu trong trường hợp tàu không đủ điều kiện lưu thông và chở quá số người quy định.
Theo LS Hoàng Thái Long (Đoàn luật sư TP.HCM), để truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ lật tàu này thì cơ quan chức năng cần điều tra xác minh rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đăng kiểm, về cấp phép vận tải hành khách đường thủy, kiểm tra và giám sát các tàu được phép xuất bến có chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy hay không...
Bên cạnh đó, cần truy trách nhiệm của chủ tàu, tài công và nhân viên phục vụ trên tàu về vấn đề hoạt động vận tải hành khách không có giấy phép, chở quá số người quy định, không trang bị áo phao đầy đủ cho hành khách.
"Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa TP Đà Nẵng cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc cho phép phương tiện không đủ điều kiện lưu thông hoạt động. Những cá nhân có liên quan trực tiếp là các cán bộ trực bến đang làm nhiệm vụ xuất bến cho những tàu du lịch này" - LS Nguyễn Văn Hậu nói thêm.
Theo LS Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), trong Luật giao thông đường bộ, nghị định 110/2014 và các văn bản pháp luật liên quan đã có quy định rất rõ ràng và cụ thể về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.
Bên cạnh những quy định về việc đảm bảo an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, trình độ nhân viên điều khiển tàu thì thậm chí còn có cả quy định về lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động…
“Từ những quy định đó có thể thấy là rất khó để cấp phép cho tàu thuyền đánh cá thô sơ cải biến thành tàu thuyền vận chuyển hành khách du lịch, như tàu Thảo Vân 2” - LS Lê Cao bày tỏ sự quan ngại.
LS Nguyễn Văn Hậu cũng bày tỏ nỗi bất bình khi một chiếc tàu đã từng vi phạm lại được bán vé phục vụ du khách khi chưa có giấy phép, không đảm bảo điều kiện an toàn và chỉ đến khi xảy ra sự cố thì trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền mới được đề cập đến.
“Đây là một bài học cực kỳ lớn mà sau bao nhiêu sự cố rồi các cơ quan quản lý, giám sát vẫn chưa thuộc” - LS Lê Cao đặt ra câu hỏi.
Thêm một hồi chuông cảnh báo
LS Hoàng Thái Long cho rằng sự cố lần này một lần nữa đánh động đến các cơ quan có thẩm quyền trong vấn đề quản lý tàu du lịch trên sông, trên biển hiện nay.
LS Nguyễn Văn Hậu cũng dẫn lại hàng loạt vụ tai nạn tàu thuyền trong những năm gần đây như vụ chìm tàu Dìn Ký, vụ cháy tàu ở cảng du lịch quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh)...
Theo LS Nguyễn Văn Hậu, hàng loạt vụ tai nạn đường thủy là lời cảnh tỉnh về tình trạng an toàn trong hoạt động du lịch đường thủy, nhất là khi du lịch biển đảo, sông nước vốn được xem là thế mạnh du lịch ở nước ta.
“Sự việc xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch an toàn và thân thiện VN nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng, đặc biệt khi thành phố này là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách nhất” - LS Nguyễn Văn Hậu nói.
LS Lê Cao nói việc khắc phục hậu quả không thể bù đắp được nỗi đau của gia đình những người đã mất, việc quan trọng là phải đảm bảo an toàn cho du khách, hạn chế tối đa rủi ro.
Thoát hiểm thế nào dưới nước?
Ông Trương Đức Ngọc - trưởng phòng nghiệp vụ trung tâm thể thao dưới nước, giảng viên lớp cứu hộ Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM - chia sẻ với Tuổi Trẻ về cách thoát hiểm trong những tình huống khẩn cấp khi đi tàu, thuyền.
Khi thuyền có dấu hiệu nghiêng và chuẩn bị lật thì những người trên thuyền phải ngay lập tức tìm cách nhảy xuống nước, thoát ra khỏi thuyền.
Phải nhảy theo hướng tàu nghiêng và đang lật. Ví dụ tàu đang nghiêng về bên phải thì phải nhảy ở mạn phải con tàu. Bởi vì nếu nhảy theo hướng ngược lại hướng tàu chìm thì rất có thể bị tàu kéo xuống theo.
Phải tìm vùng nước trống trải và nhảy xuống một cách nhanh chóng. Xác định vị trí nhảy gần bờ nhất và không nằm trong tầm lật của thuyền để tránh bị thuyền đè lên người.
Tuyệt đối không đợi lúc tàu đã lật hoặc chìm rồi mới tìm cách thoát thân mà phải thoát trước lúc tàu lật.
“Khi tàu bắt đầu nghiêng thì không bao giờ lật ngay mà sẽ lật từ từ, người có mặt trên tàu phải lợi dụng lúc tàu chưa lật mà thoát hiểm. Sau đó tìm cách bơi càng xa tàu càng tốt. Nếu thuyền đang lật hoặc đang chìm mới thoát ra thì rất dễ bị lực kéo của tàu dìm chết” - ông Ngọc nói.
Đối với những người không biết bơi và không mặc áo phao, khi gặp sự cố phải tìm và ôm lấy một vật nổi, sau đó nhảy xuống nước.
Về việc cứu nạn trong những tình huống khẩn cấp, ông Trương Đức Ngọc cho rằng muốn cứu người khác thì bản thân phải biết bơi trước, và muốn cứu nạn nhân thì phải luôn luôn cứu từ sau lưng.
"Nhiều người có quán tính nhào xuống nước ôm ngay lấy người bị nạn rồi bơi vào, cách này rất dễ bị kéo chìm theo” - ông Ngọc phân tích.
Tuổi trẻ