Lật tẩy 3 chiêu marketing cơ bản của các khoá học làm giàu: Vì sao giá vài chục triệu nhưng vẫn đông học viên?
Chưa cần bàn đến tác dụng thực sự, với nhiều chiêu marketing hiệu quả, các khóa học làm giàu đang là lựa chọn của một bộ phận mong muốn tìm công thức giàu sang, đổi đời.
- 11-03-2020Kỷ luật là một kỹ năng để HỌC, chứ không phải để SAO CHÉP y chang: Đừng dậy sớm chỉ vì người giàu làm vậy!
- 04-03-2020Làm ăn buôn bán sinh nhiều lời là một môn học: Người giàu thường đạt điểm tuyệt đối ở môn học này!
- 25-02-2020Từng bước làm giàu không hề khó: Triệu phú tự thân trẻ tuổi chia sẻ cách kiếm được 1 triệu đô trong 5 năm, ai cũng nên học hỏi
Các khóa học làm giàu, khóa học tư duy triệu phú, tự do tài chính,... đã và đang được quảng cáo rầm rộ trên Internet. Bất chấp mức giá, thấp thì vài triệu, cao thì vài chục triệu, các khóa học này thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người tham gia.
Theo ông Lê Minh Tâm, cựu CMO Vinalink Media, hiện đang là CEO thương hiệu kính mắt Bích Ngọc, một phần nguyên nhân xuất phát từ 3 chiêu marketing cơ bản mà các khóa học này sử dụng.
1. Kỹ thuật "sản phẩm mồi" trong marketing
"Sản phẩm mồi" là kỹ thuật được dùng trong nhiều ngành nghề. Ví dụ với các trung tâm tiếng Anh, sản phẩm mồi là một buổi học thử, trải nghiệm dịch vụ trước khi thuyết phục khách hàng đăng ký.
Tương tự, với các khóa học làm giàu giá trị 30, 40 triệu đồng, diễn giả sẽ không bán trực tiếp cả khóa mà nghĩ ra một sản phẩm thời lượng ngắn hơn, giá trị thấp hơn, chẳng hạn như chương trình "Chìa khóa thành công" giá chỉ 1,5 triệu đồng. Nhân một dịp nào đó đặc biệt, diễn giả miễn phí hoàn toàn cho những người đăng ký sớm nhất.
Mục đích của chương trình là thu hút người tham gia đăng ký vào khóa học chính, vốn có giá cao gấp nhiều lần. Nếu 1 chương trình "mồi" thu hút được khoảng 30 người thì chỉ cần khoảng 10 khóa mồi như vậy, các diễn giả đã thu hút được 300 người.
"Đã có chìa khóa thì phải có cánh cửa, chứ không mở kiểu gì? Đây chính là lý do vì sao có nhiều khóa học đắt tiền nhưng số lượng người tham dự vẫn rất đông", ông Tâm nhận định.
2. Kỹ thuật "bán hàng sân khấu"
Đặc điểm chung của các khóa học làm giàu là biết cách xây dựng chương trình, sử dụng hiệu ứng âm thanh, hiệu ứng đám đông,...để nâng cảm xúc người tham gia và dễ dàng chốt sale.
Trong các khóa học mẫu, chuyên gia sẽ nói về câu chuyện thành công của những người có xuất phát điểm thấp hơn, từ đó đánh vào tâm lý không muốn thua kém của học viên. Tại một số chương trình khác, diễn giả có thể mời học viên lên sân khấu, cùng tham gia vào các hoạt động hò hét, hô khẩu hiệu.
Đến bước cuối cùng là chốt sales, những học viên phía trên sân khấu sẽ khó lòng từ chối, trừ khi họ thật sự "mặt dày". Trong khi đó, đám đông phía dưới, chịu tác động của "chim mồi" do ban tổ chức cài vào, cũng nhanh chóng đăng ký tham gia.
3. Tận dụng bán sản phẩm đi kèm trong các sự kiện
Trong các khóa học làm giàu, phía ban tổ chức thường xuyên có sản phẩm bán kèm như sách làm giàu, sổ ghi chép bí quyết thành công,...Với một số đơn vị tổ chức khóa học, nếu nội dung tập trung nói về các phương pháp kiếm lời từ bất động sản cho thuê, đầu tư bất động sản sao cho hiệu quả,...thì ngay sau khi kết thúc, sẽ có những cá nhân thành công, ông chủ các sàn phân phối bất động sản lên giới thiệu về sản phẩm.
Nghĩa là một mặt các khóa học cung cấp cho học viên kiến thức làm giàu, mặt khác bố trí "sân sau" lên bán hàng để học viên có thể ứng dụng ngay các kiến thức đó.
"Ý tôi là ngoài việc tạo phễu chốt sale, tạo hiệu ứng sân khấu, họ còn bán kèm các sản phẩm khác để giúp học viên nhanh chóng bước tới con đường làm giàu".
Vậy khóa học làm giàu có xấu không?
Ông Lê Minh Tâm cho rằng các khóa học làm giàu không phải sản phẩm xấu, chỉ là nhiều khóa học đang bị truyền thông sai sự thật và sai đối tượng.
Truyền thông sai sự thật: Người tổ chức dùng các mỹ từ như khóa học giúp bạn nắm vững bí quyết giàu có, bạn sẽ kiếm tiền dễ dàng, thành tỷ phú, triệu phú,... nhưng thực tế, các khóa học này chỉ cung cấp kiến thức, cho người tham gia cảm xúc, năng lượng để họ lý trí hơn, quyết tâm hơn.
Truyền thông sai đối tượng: Các khóa học hướng đến học sinh, sinh viên, những người không có kiến thức về tư duy kinh doanh, làm giàu sẽ rất nguy hiểm. Có khả năng người tham gia, sau khi học xong, sẽ ảo tưởng về thành công, bỏ ngang việc học, việc làm hiện tại để đi vay vốn và khởi nghiệp, kinh doanh, dẫn tới nhiều hậu quả khó lường. Tuy nhiên, với những người là chủ doanh nghiệp, đang thiếu động lực, ý chí làm việc, đến những khóa học này có thể là giải pháp hữu hiệu giúp họ sốc lại tinh thần, được truyền cảm hứng, năng lượng để làm việc tốt hơn.
"Quan điểm của tôi là khóa học làm giàu không phải sản phẩm hoàn toàn xấu. Quan trọng là bạn phải truyền thông đúng sự thật, đúng giá trị của nó và phải biết sản phẩm này phù hợp với ai. Đừng làm sai là được", ông Lê Minh Tâm nhìn nhận.
Trí thức trẻ