MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lật tẩy "chiêu" kinh doanh kiếm bộn tiền của Mixue: Bán rẻ 10k/ cây kem, 25k/ ly trà sữa chưa là gì!

08-03-2023 - 16:19 PM | Thị trường

Điều đặc biệt của Mixue là phần lớn lợi nhuận không đến từ bán trà sữa pha sẵn.

Mixue là tên thương hiệu đồ uống đang trở nên ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt đối với người trẻ. Với mức giá trà sữa chỉ dao động 25k/ cốc, kem ốc quế 10k, nhiều người trẻ với mức thu nhập trung bình dễ dàng chi trả.

Được biết, Mixue có nguồn gốc từ Trung Quốc và được sáng lập bởi một sinh viên tên Zhang Hongchao. Năm 1997, sau khi vay 4 nghìn nhân dân tệ (khoảng 13,6 triệu đồng) từ bà ngoại, anh đã mở cửa hàng Mixue đầu tiên. Sau 2 năm, anh chính thức mở cửa hàng thứ hai mang tên Mixue Bingcheng.

Khi công việc kinh doanh bắt đầu phát triển, Zhang Hongchao đã mở cửa hàng nhượng quyền vào năm 2007. Sau đó không lâu, hàng chục cửa hàng đã nhanh chóng được mở tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc nơi đặt trụ sở chính. Vào năm 2008, Mixue Bingcheng chính thức được thành lập với tư cách là một công ty và số lượng cửa hàng được nhượng quyền đã vượt quá con số 180. Sau đó, vào năm 2010, Mixue Bingcheng đã chọn hợp tác với Zhengzhou Baodao Trading Co., Ltd. để mở rộng nhượng quyền ra khắp cả nước. Hiện tại, công ty đang dẫn đầu thị trường nội địa rộng lớn. Thị trường đồ uống trà của Trung Quốc trị giá gần 40 tỷ USD vào năm 2021, cao hơn gấp ba lần so với cà phê.

Theo The Low Down Momentum, Mixue là một trong những thương hiệu có nhượng quyền thương mại thành công nhất trên thế giới khi đạt 21.582 cửa hàng nhượng quyền tính đến tháng 10/2022. Ở Việt Nam, con số này đã lên tới hơn 600 cửa hàng.

Lật tẩy chiêu kinh doanh kiếm bộn tiền của Mixue: Bán rẻ 10k/ cây kem, 25k/ ly trà sữa chưa là gì! - Ảnh 1.

Cửa hàng Mixue

Phần lớn doanh thu không đến từ bán đồ uống

Công thức mở rộng nhanh chóng nhờ vào việc Mixue sử dụng mô hình nhượng quyền hiệu quả. Tính đến tháng 3/2022, công ty chủ sở hữu Mixue chỉ nắm chưa đến 50 trong số hơn 20 nghìn cửa hàng. Điều này giúp Mixue chi ít tiền hơn rất nhiều so với mô hình sở hữu trực tiếp được sử dụng bởi nhiều đối thủ của nó như Nayuki và Heytea - những cửa hàng trà sữa có tiếng ở Trung Quốc. Tức là Mixue hướng đến mô hình B2B (Business To Business, kinh doanh hay giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp) thay vì B2C (Business To Consumer, kinh doanh hay giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng).

Mixue không phát sinh các chi phí liên quan đến hoạt động của cửa hàng như tiền thuê, cho phép nó tạo ra tỷ suất lợi nhuận tương đối cao. Trong báo cáo của công ty, lợi nhuận ròng là 1,9 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021, gần gấp 4 lần lợi nhuận 445 triệu nhân dân tệ vào năm 2019. Trong khi đó, thương hiệu cạnh tranh trực tiếp như Nayuki đã báo cáo khoản lỗ ròng 145 triệu nhân dân tệ vào năm 2021, và 254 triệu nhân dân trệ trong nửa đầu năm 2022.

Cụ thể, theo một vài báo cáo, đến 72% thu nhập của Mixue là từ bán nguyên liệu cho các hàng nhượng quyền. Do vậy, Mixue cũng được biết đến như là nhà cung cấp nguyên liệu chứ không phải là nơi cung cấp các cốc trà sữa đã được pha cầu kỳ.

Lật tẩy chiêu kinh doanh kiếm bộn tiền của Mixue: Bán rẻ 10k/ cây kem, 25k/ ly trà sữa chưa là gì! - Ảnh 2.
Lật tẩy chiêu kinh doanh kiếm bộn tiền của Mixue: Bán rẻ 10k/ cây kem, 25k/ ly trà sữa chưa là gì! - Ảnh 3.

Trà sữa và kem của Mixue

Khó để cạnh tranh giá cả với Mixue

Năm 2012, Mixue Bingcheng bắt đầu xây dựng nhà máy trung tâm để kiểm soát chuỗi cung ứng và đạt được khả năng tự cung tự cấp. Sau đó, vào năm 2014, công ty đã thành lập trung tâm hậu cần tại thành phố Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc để giao nguyên liệu miễn phí cho tất cả các chi nhánh.

Với nhà kho và trung tâm hậu cần riêng, chu kỳ vận chuyển của Mixue được rút ngắn, đồng thời giảm chi phí lưu kho và hàng tồn kho. Điều này giúp Mixue trở thành thương hiệu đồ uống đầu tiên ở Trung Quốc có giao hàng hậu cần miễn phí. Mixue có dây chuyền phân phối và nhà máy sản xuất nguyên liệu riêng. Vì lý do này, chi phí nguyên liệu thô mà công ty sử dụng thấp hơn khoảng 20% so với các chuỗi nước giải khát và kem khác, giúp Mixue có tính cạnh tranh cao hơn.

Ví dụ, ở Trung Quốc, đồ uống của Mixue khoảng 7 nhân dân tệ (gần 24k), trong khi đó trà sữa của thương hiệu đối thủ 15 tệ (khoảng 51k), gấp đôi. Không nói đâu xa, trà sữa Mixue ở Việt Nam khoảng 25 nghìn đã có trân châu, mặt khác, phần lớn các thương hiệu còn lại giá 1 cốc trà sữa rơi vào khoảng 50 nghìn đồng.

Lật tẩy chiêu kinh doanh kiếm bộn tiền của Mixue: Bán rẻ 10k/ cây kem, 25k/ ly trà sữa chưa là gì! - Ảnh 4.

Đồng thời, Mixue cũng cung cấp cho bên nhượng quyền khoản vay không lãi suất hàng năm để giải quyết các vấn đề tài chính của họ khi các cửa hàng hoặc quầy hàng Mixue mới khai trương. Điều này giúp loại bỏ rào cản với những người có nguồn vốn thấp nhưng vẫn muốn kinh doanh nhượng quyền.

Tại thời điểm này, Mixue đã hình thành bộ máy quản lý, tự xây dựng vòng tròn kinh doanh khép kín. Từ nguyên liệu thô đến hậu cần và cửa hàng nhượng quyền, mọi thứ đều do công ty kiểm soát, cho phép Mixue mở rộng nhanh chóng và có giá sản phẩm tương đối rẻ.

Có phân khúc khách hàng cụ thể cũng giúp Mixue ngày càng trở nên thành công. Chiếc lược chung của các cửa hàng nhượng quyền trên khắp Châu Á đó là tập khách hàng bình dân, dễ tiếp cận với tất cả mọi người.

Theo World Today News, BFI Finance

Theo TÔ DIỆP

Thể thao & Văn hóa

Trở lên trên