Lấy lý do ngày Tết, người ta dễ công khai cho, nhận quà
Ngày Tết cũng tạo điều kiện về mặt tâm lý, khiến người cho và người nhận dễ công khai tiếp nhận quà hơn
- 06-01-2017Bộ Công thương yêu cầu báo cáo hiện tượng tặng quà Tết trước ngày 04/02
- 06-01-2017Năm 2016, chưa có cán bộ nộp lại quà tặng
- 05-01-2017Tặng quà Tết trăm triệu “vì tình cảm”, ai tin?
- 30-12-2016Bộ trưởng Công Thương yêu cầu không tặng quà Tết cho cấp trên
- 26-12-2016Ông Vũ Mão: Cần xây dựng chế tài xử lý việc tặng quà Tết lãnh đạo
Quà biếu ngày Tết là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam mỗi độ Tết đến xuân về. Nhưng hiện nay, món quà Tết không còn giữ được ý nghĩa đơn thuần mà đã biến tướng, có thể coi là bước đầu tiên chạm cửa của tham nhũng.
Do vậy, việc cấm tặng quà Tết là thông điệp mà Chính phủ muốn thể hiện quyết tâm hướng đến xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, vì dân phục vụ.
Về nội dung này, chúng tôi phỏng vấn Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt.
Ông có bình luận gì về yêu cầu của Ban Bí thư, chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương không chúc Tết trung ương?
Ông Phạm Trong Đạt: Chỉ thị 11 của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng là thông điệp kịp thời có ý nghĩa chính trị và xã hội to lớn, đáp ứng được kỳ vọng mong mỏi của nhân dân, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ từng bước đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính vì dân phục vụ. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng đang tập trung chỉ đạo.
Thực hiện tốt Chỉ thị góp phần cải thiện được tình hình an ninh trật tự và an toàn giao thông, môi trường trong dịp tết Nguyên đán của dân tộc. Đặc biệt là xóa bỏ được tâm lý của cấp dưới không phải đi Tết mà vẫn được cấp trên đánh giá “đúng”, cho nên người dân rất phấn khởi ủng hộ, thậm chí kỳ vọng làm nghiêm hơn nữa.
Ông có thể đánh giá cụ thể về công tác tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về những tiêu cực, tham nhũng, cũng như việc tặng quà, nhận quà trái quy định dịp Tết trong những năm gần đây?
Ông Phạm Trọng Đạt: Qua mấy năm thực hiện đường dây thu thập thông tin về người chống tham nhũng nói chung và nội dung của việc tặng quà, nhận quà trái quy định của pháp luật nói riêng đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Thứ nhất, giúp cho Cục chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ có thêm được tài liệu, căn cứ đánh giá sát hơn với việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong phạm vi toàn quốc trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, chúng tôi đã thu thập và đã chia sẻ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cán bộ, lĩnh vực, địa phương thuộc chức năng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Và cũng đã trực tiếp nắm tình hình, kiểm tra những phản ánh, tố cáo của người dân để xử lý cho quy định có kết quả. Đặc biệt, đã trực tiếp giải thích, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo cho đúng pháp luật, hạn chế những bức xúc.
Thông qua đó, Thanh tra Chính phủ trực tiếp kiểm tra, nắm tình hình những vụ việc có dấu hiệu vi phạm. Trong năm 2016, từ việc nắm tình hình, chúng tôi đã chuyển thành đề xuất với Tổng Thanh tra Chính phủ cho kiểm tra, thanh tra gần 10 vụ việc. Với những phát hiện thẩm định được thì chuyển qua cơ quan chức năng.
Thủ tướng đã cấm các tỉnh về Hà Nội chúc Tết và yêu cầu các địa phương cũng triển khai nghiêm túc quy định. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người dân, việc quà Tết có về Hà Nội hay không là do ý thức chấp hành của lãnh đạo các địa phương, ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
Ông Phạm Trọng Đạt: Đúng thế, tôi nhận được nhiều phản ánh của người dân nói rằng dù trung ương chỉ đạo rất quyết liệt nhưng vẫn chưa tin tưởng cấp dưới, cơ sở có thể làm quyết liệt như cấp trên. Do đó, quan trọng nhất là lãnh đạo các cấp từ trên xuống dưới phải tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, để làm gương cho cấp dưới noi theo. Những người cố tình không tổ chức thực hiện phải bị xử lý nghiêm. Cấp càng
Vậy, theo ông, ngoài ý thức tự giác, Chính phủ cần có chế tài nào để kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiêu cực, tham nhũng, tặng quà, nhận quà trái luật, thưa ông?
Ông Phạm Trọng Đạt: Thực tế việc tặng quà, nhận quà trái quy định của pháp luật là rất khó, bởi nó đã bị biến tướng cho mục đích vụ lợi rõ ràng. Rất khó để phân biệt giữa bản chất – hiện tượng, nội dung và hình thức của việc tặng và nhận quà. Thực tế, nếu đã có ý đồ hối lộ, người ta có thể làm ở bất cứ thời gian, địa điểm hay hình thức nào, chứ không nhất thiết vào ngày Tết. Tuy nhiên, ngày Tết cũng là điều kiện về mặt tâm lý, giữa người cho và người nhận dễ công khai tiếp nhận hơn.
Tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với các cơ quan khác có liên quan tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Phòng, chống tham nhũng và các bộ luật khác có liên quan cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Trước mắt, sẽ tham mưu Chính phủ tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra đôn đốc người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Đi đôi với đó, xử lý nghiêm những người vi phạm, không tổ chức thực hiện và không gương mẫu. Càng cấp cao thì càng phải gương mẫu hơn, xử lý mạnh hơn.
Xin cảm ơn Cục trưởng.
VOV