Lây nhanh hơn corona, virus thù ghét khiến người châu Á trở thành mục tiêu bị công kích ở "trời Tây"
Những người châu Á ở phương Tây bị tấn công một cách vô cớ bởi châu Á là nơi bùng phát virus corona, vốn đang gây đại dịch ở nhiều nước châu Âu và châu Mỹ.
- 21-03-2020Covid-19: Anh đóng cửa toàn quốc, Pháp nơm nớp lo dịch đạt đỉnh
- 21-03-2020Moscow Times: Cả nước chỉ có 1 cơ sở xác nhận COVID-19 và chuyện đằng sau tỉ lệ nhiễm thấp kỷ lục ở Nga
- 21-03-2020Cập nhật Covid-19 ngày 21/3: Số ca tử vong ở Italy lên hơn 4.000, Tây Ban Nha và Đức 'vượt' Iran trở thành ổ dịch lớn thứ 3 và 4 thế giới
- 21-03-2020Covid-19 ở Ý: Bệnh viện hết chỗ kê giường, nghĩa trang không chứa đủ quan tài
- 21-03-2020Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới mắc Covid-19
Những vụ tấn công bất ngờ
Trong một đêm cuối tháng 2, Jonathan Mok bị tấn công khi đang đi bộ trên một con phố nhộn nhịp ở Oxford. Anh bị đá vào mặt, dẫn tới mắt thâm tín và sưng to như quả bóng golf. Mok, một người Singapore 23 tuổi, đang theo học tại trường Đại học London trong 2 năm qua. Vụ tấn công được Mok mô tả là tàn bạo và có động cơ phân biệt chủng tộc.
"Những gã đó liên tục đá tôi và một tên gào lên rằng ‘tao không muốn con virus corona của mày xuất hiện ở nước tao’. Hắn tiếp tục đấm vào mặt tôi, khiến mắt tôi sưng húp", Mok cho biết trong một bài viết trên mạng xã hội.
Cảnh sát Metropolitan được gọi tới hiện trường vụ tấn công ở gần ga tàu điện ngầm Tottenham Court Road lúc 21h15 phút. Hôm 6/3, họ nói rằng vụ tấn công là nghiêm trọng và tuyên bố bắt giữ 2 thiếu niên, một người 16 và 15 tuổi. Vào thời điểm đó, họ tiếp tục truy tìm 2 người đàn ông khác được cho có liên quan tới vụ việc và đề nghị công chúng hỗ trợ xác định 2 nghi can.
Tuy nhiên, hình ảnh được hệ thống máy quay giám sát ghi lại có chất lượng kém, khiến việc nhận dạng rất khó khăn. Chúng mờ và chỉ có 2 màu đen và trắng.
Mắt Jonathan Mok sưng to như quả bóng golf sau vụ tấn công.
"Không có chỗ cho những hành vi bạo lực này trên đường phố của chúng ta và chúng tôi cam kết tìm ra thủ phạm", trung sĩ cảnh sát Emma Kirby khẳng định.
Dẫu vậy khi nỗi sợ hãi virus corona lây lan bao trùm, nhiều vụ tấn công tương tự xuất hiện ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ. Tại thành phố New York, trên tàu điện ngầm, một người đàn ông đã xịt cái gì đó như nước khử trùng vào một hành khách châu Á và luôn mồm chửi mắng anh ta.
Tuần trước, một người Việt Nam có tên An Nguyen đã bị khước từ khỏi một hội chợ ở London. Người ta không muốn Nguyen xuất hiện vì lo sợ virus corona lây lan. "Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 reo rắc nỗi ám ảnh trên toàn thế giới, dù công bằng hay không thì một bộ phận người phương Tây vẫn xem người châu Á là những người mang theo virus. Sự hiện diện của bạn sẽ làm cho nhiều người tham dự sự kiện không thấy an toàn", bức thư điện tử khước từ An Nguyen có đoạn.
Kỳ thị bùng nổ trên không gian mạng
Mike Ainsworth, người đứng đầu một tổ chức chống phân biệt chủng tộc ở Anh, cho biết thời gian gần đây, có sự gia tăng những hành vi tội phạm chống lại các cộng đồng và cá nhân người châu Á ở Vương quốc Anh.
"Đường dây nóng của chúng tôi liên tiếp nhận được các cuộc gọi về những vụ tấn công thù ghét. Chúng bao gồm từ hành vi nhổ nước bọt tới đẩy xuống đường nơi có những chiếc xe đang chạy", Ainsworth cho biết và nhấn mạnh thêm về nỗi sợ hãi với những người châu Á đeo khẩu trang kháng khuẩn trên đường, đặc biệt là với cộng đồng người Hoa ở London.
"Những người đeo khẩu trang cảm thấy rằng bằng cách nào đó họ sẽ trở thành mục tiêu của những vụ tấn công nếu họ tiếp tục đeo khẩu trang để ngăn ngừa virus", Ainsworth nói.
Ở Mỹ, Liên đoàn chống phỉ báng đang theo dõi những khẩu hiệu phân biệt chủng tộc trực tuyến, hướng mục tiêu tới những người châu Á. Họ phát hiện ra những tranh vẽ mô tả người châu Á là virus và những lời giễu cợt về móm súp dơi hay những hình ảnh nhạo báng khác.
Trong nhiều tháng, trên những nhóm chát Telegram, 4chan và Gab với chủ đề corona đầy những lời chỉ trích và phân biệt chủng tộc. Người dùng trên đó thường xuyên chia sẻ những hình ảnh phân biệt chủng tộc hoặc châm biếm người Trung Quốc nói riêng hay người châu Á nói chung, trong đó có sự chế giễu thói quen ăn uống, giọng nói hay vệ sinh của họ.
Thậm chí, một số bài đăng còn cổ vũ virus này lây lan sang một số quốc gia không phải là các nước da trắng, chẳng hạn như châu Phi. Trong khi đó, những kẻ cực đoan coi đây là cơ hội để gây chia rẽ. Sự lan truyền các nội dung phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội có thể lan truyền mạnh mẽ khi người dân ở nhiều quốc gia được khuyến cáo ở nhà để ngăn chặn virus lây lan.
"Thực tế là sự thù hận này tồn tại trong cùng một không gian trực tuyến, nơi mọi người tiếp nhận những tin tức hữu ích và hợp pháp. Đó là một vấn đề đáng lo ngại", một quan chức liên đoàn chống phỉ báng Mỹ cho hay.
Trước thực trạng này, nhiều tổ chức chống phân biệt đối xử đang nỗ lực nhằm hạn chế tới mức tối thiểu các hành động phỉ báng hay tấn công thù ghét nhằm vào người châu Á, nhất là khi dịch bệnh lây lan mạnh mẽ ở châu Âu và châu Mỹ.
Ngày 20/3, Italy ghi nhận 5.986 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 47.021, trong khi đó có thêm 627 trường hợp tử vong, đưa tổng số người chết lên 4.032. Tây Ban Nha và Đức trở thành 2 quốc gia có số người nhiễm cao thứ 3 và 4 thế giới. Trong ngày hôm qua, 2 nước này lần lượt có thêm số ca nhiễm mới là 3.433 và 4.528, nâng tổng số ca lên 21.510 và 19.848. Mỹ ngày hôm qua cũng xác nhận thêm 5.604 trường hợp dương tính với Covid-19.
Tham khảo: The NewYorker