MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lấy ý kiến xây “siêu” đại lộ ven sông Sài Gòn

31-07-2017 - 09:21 AM | Bất động sản

Theo số liệu mới nhất, dự án đại lộ ven sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư hơn 63.500 tỉ đồng với chiều dài khoảng 63 km.

Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn do Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đề xuất thực hiện vẫn chưa bị khai tử như những thông tin đồn đoán. Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM dự án vẫn đang được thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan. Cụ thể, hiện dự án đang được Sở KH&ĐT TP.HCM tổ chức lấy ý kiến các sở/ngành, quận/huyện nơi dự án đi qua.


Bản đồ tuyến đường dọc sông dự kiến sẽ thực hiện. (Nguồn: Lấy từ báo cáo đề xuất dự án của Tập đoàn Tuần Châu)

Bản đồ tuyến đường dọc sông dự kiến sẽ thực hiện. (Nguồn: Lấy từ báo cáo đề xuất dự án của Tập đoàn Tuần Châu)

Đổi đất lấy công trình

Số liệu mới nhất từ Sở KH&ĐT TP cho biết tổng mức đầu tư dự án đại lộ ven sông Sài Gòn hơn 63.500 tỉ đồng. Đơn vị đề xuất muốn được thực hiện bằng hình thức PPP (hợp tác công tư) thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), thanh toán bằng quỹ đất. “Đơn vị đề xuất thực hiện dự án muốn lấy các khu đất ở địa bàn huyện Củ Chi, quỹ đất dọc theo tuyến tỉnh lộ 7 và nhiều khu đất khác do TP quản lý. Hầu hết các khu đất này đều chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng”, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho hay.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các khu đất do nhà đầu tư mong muốn được thực hiện bằng hình thức “đổi đất lấy công trình” chủ yếu nằm dọc ven sông Sài Gòn, thuộc địa bàn quận Bình Thạnh, quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi. Hiện chính quyền các địa phương này đã được Sở KH&ĐT gửi văn bản lấy ý kiến về việc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, vị trí cụ thể các khu đất dự kiến giải tỏa để giao cho nhà đầu tư chưa được công bố.

Ngoài lấy ý kiến các quận/huyện nơi dự án đi qua, Sở KH&ĐT còn lấy ý kiến của Trung tâm chống ngập TP.HCM về phương án thực hiện hồ điều tiết chống ngập khi thực hiện dự án mở đường ven sông. Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm chống ngập TP, xác nhận đơn vị này cũng được lấy ý kiến về việc thực hiện dự án đại lộ ven sông Sài Gòn. Song ông Công cho biết hiện trung tâm chưa thể có ý kiến chính thức về dự án này. “Do chúng tôi chỉ mới nhận được hồ sơ dự án nên chưa thể đưa ra nhận định về tính khả thi cũng như các vấn đề liên quan đến phương án lấy đất làm hồ điều tiết để làm đường ven sông” - ông Công bày tỏ.

Ảnh hưởng không gian cộng đồng?

Trước đó, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về dự án đại lộ ven sông Sài Gòn, nhiều chuyên gia về giao thông cho rằng dự án này không nằm trong quy hoạch giao thông của TP. Do đó, nếu TP chấp thuận chủ trương mở đường ven sông Sài Gòn thì bước đầu tiên cần làm là phải bổ sung dự án này vào quy hoạch giao thông của TP để xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều kiến trúc sư cho rằng việc mở đường ven sông thật ra không phải là ý tưởng mới. Phương án này đã từng được nhiều nước thực hiện nhưng sau đó nhận thấy các dự án ven sông, ven biển gây ảnh hưởng không nhỏ đến không gian chung của cộng đồng. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phân tích: “Xu hướng xây dựng đại lộ, đường cao tốc ven sông, ven biển đã có từ những năm 1970 ở các nước phát triển nhưng sau đó họ đã phải điều chỉnh vì nhận thấy không phù hợp. Thấy rõ nhất là các dự án này lấy đi cơ hội của người dân trong việc tiếp cận, thụ hưởng không gian sống ven sông, ven biển…”.

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng cần phải có nghiên cứu bài bản cả về quy hoạch đô thị lẫn quy mô, hướng tuyến của dự án trên. Theo TS Phạm Sanh, theo quy hoạch, khu vực nội thành TP.HCM kết nối giao thông Củ Chi bằng quốc lộ 22. Trong thời gian tới quốc lộ 22 sẽ được mở rộng, do đó cần phải xem xét việc mở đường ven sông Sài Gòn có cần thiết hay không. Mặt khác, nếu mở đại lộ ven sông làm cho lượng xe lớn đổ dồn vào khu vực nội thành có thể gây thêm áp lực cho việc giải quyết tình trạng kẹt xe ở nội thành.

Nhiều đoạn làm đường ngầm

Theo đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu, dự án đại lộ ven sông Sài Gòn dài khoảng 63 km, nối từ quận 1 đến huyện Củ Chi.

Đoạn một, đường được xây chui dưới các cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn rồi đi vượt lên trên cầu Thanh Đa để tiếp tục chạy vượt trên cao ven kênh Thanh Đa, qua cầu Bình Triệu và đáp xuống cù lao ở khu vực của Công ty Vissan. Kế đến đường sẽ đi theo ven sông Sài Gòn và chui dưới cầu Bình Lợi mới rồi giao cắt khác mức với cầu đường sắt Bình Lợi để chạy theo ven sông Sài Gòn cho đến sông Vàm Thuật (quận 12). Đoạn này dài hơn 9,5 km với bốn làn xe.

Đoạn còn lại dài hơn 54 km, đi qua khu vực có thể tận dụng phần địa hình sông, rạch ít giải tỏa để xây dựng đường ven sông với bề rộng sáu làn xe.

____________________

Đây là ý tưởng về quy hoạch khá đột phá và dự án đại lộ ven sông Sài Gòn được xem là dự án “khủng”. Theo đề xuất, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ tận dụng quỹ đất bãi bồi ven sông với tốc độ xe dự kiến 100 km/giờ. Như vậy, việc triển khai tuyến đường sẽ nhanh vì ít giải phóng mặt bằng. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ chỉ mất khoảng 40 phút để đi từ huyện Củ Chi về quận 1.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Theo TruNG Thanh - Khang Bách

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên