MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lễ tang trực tuyến và ứng dụng thiền - "phát kiến" giúp các ngôi đền ở Nhật Bản sống sót thời Covid-19

12-03-2021 - 10:07 AM | Tài chính quốc tế

Lễ tang trực tuyến và ứng dụng thiền - "phát kiến" giúp các ngôi đền ở Nhật Bản sống sót thời Covid-19

Ở Nhật Bản, dịch vụ tưởng niệm đang được tổ chức trực tuyến. Nhiều ứng dụng thiền Zen ra đời. Dịch vụ kết nối do nhà chùa Phật giáo tổ chức đang nở rộ.

Trong khi đại dịch Covid-19 buộc các tổ chức trên khắp thế giới phải thay đổi cách làm việc, các nhóm Phật giáo ở Nhật Bản cũng đang cố gắng đề xuất rất nhiều sáng kiến mới để tồn tại. 

Các ngôi đền đóng một vai trò quan trọng đối với cảnh quan ở Nhật Bản: hiện nay, có khoảng 77.000 ngôi đền, nhiều hơn cả số lượng các cửa hàng tiện lợi ở quốc gia này. Tuy nhiên, Covid-19 đã gây ra thêm rất nhiều phiền toái cho họ, dù họ vốn đang gặp khó khăn trong những năm gần đây do dân số Nhật Bản đang thu hẹp và sự quan tâm đến tôn giáo của giới trẻ đang ngày càng giảm. Có một ước tính là: tổng thu nhập của các ngôi đền đã giảm một nửa trong vòng 5 năm, tính đến năm 2020. Và hiện tại, virus hoành hành đã buộc các tín đồ phải ở nhà, làm giảm các khoản quyên góp mà họ thực hiện cho các dịch vụ như tưởng niệm người đã khuất.

Các ngôi đền Phật giáo đã phát triển mạnh ở Nhật Bản trong hơn một thiên niên kỷ. Nhưng họ cần tiền để hoạt động, và đại dịch đã thúc đẩy các ngôi đền sáng tạo ra những cách mới để có thêm thu nhập. Đây cũng là 1 ví dụ cho thấy cách mà các ngành công nghiệp trên toàn thế giới, từ du lịch đến ăn uống và bán lẻ, đang phải ứng biến với những ảnh hưởng của đại dịch lên hoạt động kinh doanh thông thường của họ do đại dịch gây ra.

"Ngồi thiền trên mây"

Ryosokuin là một ngôi đền có hơn 660 năm lịch sử ở Kyoto. Đối mặt với sự sụt giảm của các dịch vụ như lễ tưởng niệm và lượng du khách giảm mạnh, ngôi đền đã đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến của mình. Ứng dụng thiền do họ phát triển đã được tải xuống hơn 15.000 lượt, mang lại nguồn thu nhập mới và ngôi đền cũng đã tổ chức một cộng đồng thiền trực tuyến có tên UnXe, có nghĩa là "ngồi thiền trên mây".

Toryo Ito, thầy tu của ngôi đền cho biết: "Khi chúng tôi mất đi du khách và số tiền quyên góp giảm xuống, chúng tôi nhận ra rằng cách hỗ trợ các hoạt động theo truyền thống của chúng tôi không còn hiệu quả nữa. Chúng tôi cần phải thích ứng với một phong cách quản lý phù hợp với thời đại".

Phật giáo đã xuất hiện ở Nhật BẢn từ thế kỷ thứ 6, nhưng ít có thời kỳ nào mang lại nhiều thách thức như vậy. Theo Kenji Ishii, giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Kokugakuin ở Tokyo, hơn một phần ba số ngôi đền có thể biến mất vào năm 2040 khi dân số già đi. Thu nhập cho đền cũng giảm. Theo ước tính của Hidenori Ukai, thầy tu tại đền Shokakuji ở Kyoto, con số này đã giảm khoảng 51% kể từ năm 2015 xuống còn 263 tỷ yên (2,4 tỷ USD) vào năm 2020, theo ước tính của Hidenori Ukai, thầy tu tại chùa Shokakuji ở Kyoto và là một nhà báo tự do.

Đại dịch cũng làm gia tăng thêm những khó khăn tài chính trên toàn xã hội Nhật Bản. Trong khi nền kinh tế đang phục hồi, tình trạng khẩn cấp ở các thành phố lớn tiếp tục đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng. Và các doanh nghiệp phục vụ khách hàng trực tiếp như các nhà bán lẻ đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, dẫn đến hàng loạt các nhà hàng và khách sạn phá sản.

Tsukiji Hongwanji, một ngôi đền có tuổi đời bốn thế kỷ gần chợ cá cũ của Tokyo, là một tổ chức khác đang cố gắng cải thiện chất lượng các dịch vụ trong thời kỳ Covid-19. Ngôi đền bắt đầu các dịch vụ tưởng niệm trực tuyến vào tháng 5 năm ngoái cho các gia đình không muốn tụ tập đông đúc, và đã thực hiện khoảng 70 sự kiện như vậy, theo Yugen Yasunaga, một giám đốc đại diện và thầy tu tại ngôi đền.

Ngôi đền cũng đang thử sức trong các lĩnh vực không truyền thống, ví dụ như mai mối, cà phê hay các lớp học yoga, theo Yasunaga, người đã làm việc trong một ngân hàng lớn của Nhật Bản trong hơn hai thập kỷ trước khi bắt đầu sự nghiệp của mình tại ngôi đền này.

"Giống như Amazon.com đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng trực tuyến, một ngôi đền cũng có thể làm như vậy", ông cho biết

Một lĩnh vực khác mà các tổ chức tôn giáo Nhật Bản đang ngày càng quan tâm là đầu tư theo xu hướng ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Tokuunin, một ngôi đền Phật giáo ở trung tâm Tokyo, đã mua trái phiếu xã hội 40 năm do Đại học Tokyo phát hành.

"Vào thời điểm mà hầu như không thể nhận được bất kỳ khoản lợi nhuận nào từ khoản tiết kiệm dài hạn, chúng tôi rất vui vì có thể góp sức giúp đỡ xã hội trong khi kiếm đủ lợi nhuận để trang trải lạm phát", Yuzan Yamamoto, giám đốc điều hành của tổ chức cho biết.

Theo Bloomberg

Mỹ Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên