Lên kế hoạch đón du khách trở lại
Ngành du lịch cần chiến lược dài hơi về phục hồi thị trường khách nội địa và quốc tế để các địa phương và doanh nghiệp cùng chuẩn bị.
- 09-09-2021Nhìn lại tỷ lệ sở hữu xe 4 bánh ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia: Liệu GDP bình quân đầu người Việt Nam còn quá thấp để mỗi gia đình có 1 chiếc ô tô?
- 08-09-2021Hà Nội: Thu 39 tỷ đồng từ gần 390 cá nhân cung cấp ứng dụng trên Google Play, Apple Store
- 08-09-2021100% người dân trên 18 tuổi của 8 quận huyện TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ngày 8-9, cho biết Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt vừa ký ban hành kế hoạch triển khai chính sách, biện pháp để kích cầu, phục hồi các hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Từ Phú Quốc, mở rộng đến Hạ Long, Hội An…
Theo kế hoạch, ngành du lịch dự kiến sẽ thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Một khu vui chơi ở đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) .Ảnh: BÌNH AN
Để bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch, các địa phương thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, người lao động tại các trung tâm du lịch, từng bước mở rộng cả nước. Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực y tế phòng chống Covid-19, tổ chức thực hiện tốt quy định 5K. Tạo điều kiện thuận lợi đối với khách nội địa và khách quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vắc-xin, phù hợp với hệ thống công nhận quốc tế…
Để sớm khôi phục ngành du lịch, các chiến lược của Bộ VH-TT-DL tập trung tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch. Triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn". Định hướng truyền thông giới thiệu, mở cửa điểm đến, quy trình du lịch an toàn, chính sách mới liên quan đến xuất nhập cảnh; cập nhật thông tin chương trình du lịch mới, có ưu đãi; đa dạng các kênh truyền thông; phối hợp hiệu quả với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch…
Kế hoạch cũng khuyến khích doanh nghiệp (DN) du lịch xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với ưu đãi và cam kết về chất lượng. Hỗ trợ DN kết nối lại thị trường cả trực tuyến và trực tiếp; tiếp cận thị trường, xúc tiến bán sản phẩm. Quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch sẽ được đẩy mạnh nhằm phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch…
Chọn thị trường để mở cửa
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Holdings, bày tỏ vui mừng vì Bộ VH-TT-DL đã sớm xây dựng kế hoạch vực dậy ngành du lịch. Ông cũng cho rằng việc thí điểm triển khai hộ chiếu vắc-xin đón khách quốc tế đến Phú Quốc sẽ giúp Việt Nam không bị bỏ lại khi các nước xung quanh đã từng bước mở cửa. Để đạt được hiệu quả, theo ông Kỳ, ngành du lịch và các bộ, ngành, địa phương liên quan cần chuẩn bị đủ điều kiện về an toàn phòng dịch; xây dựng hệ thống kiểm tra nhanh tại sân bay, xử lý an toàn dịch tễ ở các cơ sở lưu trú, khách sạn, khu tập trung đông người.
"Cần hệ thống cung ứng dịch vụ hậu cần tại chỗ và từ đất liền ra Phú Quốc. Ít nhất 70% người dân Phú Quốc và người làm du lịch tại các cơ sở dịch vụ du lịch ở đây phải được tiêm vắc-xin. Qua đó, xây dựng Phú Quốc trở thành "ốc đảo xanh" - khu vực an toàn trong đại dịch, sau đó sẽ chọn tiếp một vùng khác để xây dựng "ốc đảo vệ tinh" nhằm nhận khách chuyển tiếp…" - ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), khẳng định khi số lượng người tiêm đủ hai mũi vắc-xin hoặc có miễn dịch sau khi mắc Covid-19 ngày càng nhiều, Việt Nam có thể mở lại ngay thị trường hàng không và du lịch nội địa.
Cũng chung quan điểm này, ông Ngô Minh Thiện, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Gotadi, cho rằng các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore… đang từng bước khôi phục hoạt động du lịch sau một thời gian dài đóng băng vì dịch Covid-19. Việc Bộ VH-TT-DL ban hành kế hoạch triển khai chính sách, biện pháp để kích cầu, phục hồi các hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là một tín hiệu tích cực. "Rõ ràng cần phải có thời gian chuẩn bị cho du lịch quay trở lại và bây giờ là lúc bắt đầu. Khi khách du lịch, công ty lữ hành hoàn thành việc tiêm phòng Covid-19 và tuân theo quy định an toàn, thị trường du lịch sẽ sớm sôi động trở lại" - ông Thiện cho hay.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, kiến nghị sớm triển khai thí điểm đón khách có hộ chiếu vắc-xin, bắt đầu từ Phú Quốc với những lộ trình, kế hoạch cụ thể để cả DN trong và ngoài nước cùng biết, theo dõi, "làm tới đâu khó thì gỡ tới đó". Ngành du lịch có thể nhìn sang các nước xung quanh đã mở cửa đón khách quốc tế ở từng điểm đến như Thái Lan để học hỏi cách làm, rút kinh nghiệm và hoàn thiện. Đây là biện pháp cần thiết, làm ngay và luôn, trong đó Phú Quốc là địa điểm thuận lợi để triển khai bởi yếu tố thuận lợi về địa lý, với điều kiện người dân ở đây phải được tiêm đủ 2 liều vắc-xin. "Riêng với thị trường khách đến, có thể tập trung vào những thị trường khách như Nga, Bắc Âu, Tây Âu…, vốn nhu cầu nghỉ dưỡng cao, khách có thời gian ở dài, chi tiêu cao và thời điểm cuối năm cũng là mùa du khách đi du lịch tránh mùa đông. Quan trọng hơn, cần chiến lược dài hơi cho ngành du lịch về phục hồi thị trường khách nội địa và quốc tế, để cả DN và ngành cùng chuẩn bị cho lộ trình khôi phục" - ông Phạm Hà nói.
(Còn tiếp)
Nhiều nước mở cửa đón khách
Không chỉ ngành du lịch Việt Nam có kế hoạch triển khai "hộ chiếu vắc-xin" đón khách quốc tế mà một số điểm đến trong khu vực ASEAN cũng đã tổ chức thí điểm và sẽ chính thức mở cửa đón du khách trong tương lai gần.
Cụ thể, Thái Lan có kế hoạch mở rộng tiếp nhận du khách vào tháng 10 tới tại các trung tâm du lịch nổi tiếng, như thủ đô Bangkok, Chiang Mai, các khu nghỉ mát ở Pattaya, Cha-Am và Hua Hin. Các điểm đến này với tỉ lệ tiêm chủng cao có thể thu hút thêm nhiều khách quốc tế và giúp hồi sinh nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19. Chính phủ Thái Lan cũng lên kế hoạch kết nối du lịch với các nước láng giềng vào năm tới.
Các quan chức Bộ Du lịch Thái Lan cho hay du khách nước ngoài tiêm chủng đầy đủ sẽ được nhập cảnh Thái Lan, tương tự mô hình "Hộp cát du lịch Phuket" được triển khai trước đó. Theo hãng tin Bloomberg, Thái Lan đã đẩy mạnh kế hoạch khởi động ngành du lịch mũi nhọn thông qua việc mở cửa trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket từ đầu tháng 7-2021 và được mở rộng sang các đảo lân cận vào tháng 8 vừa qua. Chính phủ Thái Lan cho biết có thể sẽ dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 9 này, sau khi tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu thuyên giảm…
Những quốc gia khác như Indonesia cũng đang điều chỉnh chính sách chung sống với dịch Covid-19 và cứu nền kinh tế khỏi tình trạng suy thoái kéo dài. Chính phủ Indonesia đang dần nới lỏng các quy định phòng chống dịch Covid-19. Kể từ hôm 7-9, nhiều điểm du lịch ở đảo Java được mở lại và mỗi thực khách được thưởng thức đồ ăn tại nhà hàng, quán ăn trong khoảng 60 phút thay vì 30 phút như trước đây. Các nhà hàng cũng tiếp tục hoạt động với 50% công suất.
Vùng Yogyakarta, nơi thu hút nhiều khách du lịch ở trung tâm đảo Java, cùng với thủ đô Jakarta và nhiều đô thị lớn khác trên đảo cũng bắt đầu nới lỏng quy định phòng dịch. Chính phủ Indonesia tiếp tục chuẩn bị tái mở cửa đảo Bali đối với khách du lịch nước ngoài mặc dù địa phương này hiện vẫn áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ 4. Kế hoạch mở cửa du lịch Bali sẽ được thực hiện theo mô hình "Hộp cát Phuket" của Thái Lan nhưng hiện vẫn chưa rõ thời điểm triển khai.
Với Malaysia, cũng trong nỗ lực nhằm khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nước này đang lên kế hoạch tái mở cửa thiên đường du lịch Langkawi ở bang Kedah. Theo đó, điểm đến này dự kiến mở cửa phục vụ người dân địa phương theo mô hình "bong bóng du lịch" kể từ ngày 16-9. Thủ tướng Malysia Ismail Sabri Yaakob cho biết những địa điểm khác sẽ được phép hoạt động trở lại khi tỉ lệ tiêm phòng địa phương đạt 80%.
Trong khi đó, với việc Phnom Penh đang trên đà trở thành thành phố có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất Đông Nam Á, Campuchia đang hướng tới việc mở lại biên giới đối với những du khách quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ vào tháng 11 tới. Trang FTN News đưa tin Bộ Du lịch Campuchia vừa thông báo các du khách quốc tế đã tiêm vắc-xin đầy đủ, có giấy chứng nhận có thể được nhập cảnh Campuchia sớm nhất vào tháng 11…
Người lao động