Lên kịch bản chặn tả heo châu Phi
Bệnh tả heo châu Phi không gây bệnh cho người nhưng sẽ gây thiệt hại nặng về kinh tế bởi giá trị của đàn heo 35 triệu con của Việt Nam rất lớn.
- 10-09-2018Lo dịch tả heo châu Phi
- 03-09-2018Giá thịt lợn có thể tiếp tục tăng nếu dịch tả lợn Châu Phi bùng phát
- 31-08-2018Khẩn cấp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam
Chiều 10-9, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) - cho biết dịch tả heo châu Phi (ASF) chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ lây nhiễm sang nước ta là rất cao vì dịch bệnh này đã lan sang Trung Quốc. Vì vậy, cần kiểm soát chặt nhập khẩu thịt heo tại các tuyến biên giới.
Theo ông Đàm Xuân Thành, ngày 30-8, Bộ NN-PTNT đã có công văn hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và trong tuần này, bộ sẽ có cuộc họp để nghe báo cáo về vấn đề này.
Cũng theo Cục Thú y, ASF gây chết ở heo với tỉ lệ rất cao nhưng hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị. Tuy nhiên, dịch này không gây bệnh trên người. Do đó, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. "Khi phát hiện heo bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết, người chăn nuôi và chính quyền địa phương các cấp cần báo ngay cho thú y xã, cơ quan thú y nơi gần nhất. Nếu giấu dịch, giữ heo bệnh để tự điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó khống chế và kiểm soát dịch. Người dân khi phát hiện heo bệnh cần báo ngay cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm trước khi thực hiện việc tiêu hủy đàn heo, sản phẩm heo kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín" - đại diện Cục Thú y khuyến cáo.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT - các đơn vị phải tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh vì ngành chăn nuôi heo đang phát triển tốt, chiếm tỉ trọng cao, nếu có biến cố sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung. "Các doanh nghiệp, HTX, người chăn nuôi không được lơ là vì hiện nay bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh. Cần chăm sóc tốt đàn heo để có sức đề kháng, hạn chế khách tham quan cơ sở chăn nuôi, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học" - ông Dương khuyến cáo.
Ngành chăn nuôi heo đang phát triển tốt, nếu biến cố xảy ra sẽ tác động rất lớn toàn ngành. Ảnh: NGỌC ÁNH
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Hậu - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tám Do (Đồng Nai), sở hữu trại heo giống trên 1.000 con - vô cùng lo lắng trước thông tin dịch bệnh ASF. Theo ông Hậu, dù Việt Nam chưa phát hiện ổ dịch nhưng nguy cơ bệnh ASF xâm nhập là đáng lo ngại. "Các cơ quan chức năng cần sớm công bố lệnh cấm nhập khẩu thịt heo đông lạnh như Philippines đang áp dụng vì nguy cơ mang mầm bệnh là rất lớn. Đối với trang trại, từ đầu tháng 9 đến nay, chúng tôi tăng cường các biện pháp tiêu độc khử trùng, không đón khách tham quan. Để phòng ngừa nguồn lây từ bên ngoài, khi xuất heo chúng tôi dùng xe công ty, không chấp nhận xe của khách vào trại bắt heo" - ông Hậu nói.
Chiều 10-9, ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 6 (phụ trách vùng chăn nuôi nuôi heo lớn nhất cả nước), khẳng định ASF không phải là bệnh mới và ngành thú y đã có sự chuẩn bị nhất định để đối phó. "Chúng tôi đang gấp rút xây dựng kịch bản ứng phó với bệnh ASF nếu xảy ra trên địa bàn theo từng cấp độ. Các nguyên vật liệu phục vụ xét nghiệm bệnh ASF cũng đã được đơn vị dự trữ sẵn để có thể tiến hành triển khai ngay khi cần chứ không phải chờ đợi nhập khẩu" - ông Lữu thông tin.
Trong 2 ngày 11 và 12-9, Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) và Cục Thú y cũng sẽ tổ chức hội nghị về vấn đề này để thông tin về bệnh ASF và triển khai các biện pháp ứng phó để tránh bị động.
Cẩn trọng với heo không rõ nguồn gốc
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, các nghiên cứu cho thấy chưa ghi nhận tình trạng virus tả ở heo lây sang người. Tuy nhiên, để phòng bệnh, người dân nên sử dụng các sản phẩm thịt heo có nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm dịch. Không nên ăn tiết canh heo và nên nấu chín thịt heo trước khi sử dụng. Bởi kể cả không có dịch tả ở heo thì người tiêu dùng vẫn có nguy cơ mắc nhiều căn bệnh khác do sử dụng, giết mổ heo bị bệnh. Phổ biến nhất là bệnh liên cầu khuẩn heo do giết thịt và ăn thịt, tiết canh heo bệnh và chết.
Ngoài ra, người chăn nuôi cũng có nguy cơ mắc bệnh heo tai xanh. Đây là căn bệnh thường gây ra đại dịch và là nỗi kinh hoàng của người chăn nuôi. Bệnh heo tai xanh không lây sang người nhưng có gần 70% virus này kết hợp với các bệnh khác như cúm heo, tụ huyết trùng, tả, thương hàn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
N.Dung
Người lao động