MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lên sàn với vốn hóa chưa đến 1.600 tỷ đồng, Tổng công ty CC1 của Bộ Xây dựng có bị định giá thấp?

17-07-2017 - 12:01 PM | Doanh nghiệp

Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1) sẽ là tổng công ty thứ 7 của Bộ Xây dựng gia nhập sàn chứng khoán, bên cạnh các doanh nghiệp lớn khác như Viglacera, Hancorp, DIC Group, Licogi...

Với mức giá tham chiếu 14.200 đồng/cổ phiếu, 110 triệu cổ phiếu CC1 của Tổng công ty Xây dựng Số 1 sẽ được giao dịch phiên đầu tiên trên sàn UpCom vào ngày 20/07 tới đây, sau đúng 1 năm kể từ thời điểm IPO.

Nóng từ thời điểm IPO

Trước đó 1 năm, cùng ngày 20/07/2016, CC1 đã tổ chức IPO lần đầu ra công chúng với số cổ phần đấu giá là xấp xỉ 14 triệu cổ phần, tương ứng 12,81 % vốn điều lệ) với lượng đăng ký mua gấp 4,8 lần so với số lượng cổ phần CC1 chào bán. Kết quả chào bán CC1 khá thành công với mức giá đấu bình quân 14.200 đồng/cổ phần, cao hơn 38% so với giá khởi điểm 10.300 đồng/cổ phần.

Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông ngày 03/05/2017, CC1 cho biết công ty không có cổ đông nước ngoài nào. Trong danh sách cổ đông lớn của CC1 xuất hiện 1 cá nhân tên Lê Thành - sở hữu đến hơn 14 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 12,8%, gần bằng toàn bộ cổ phần CC1 chào bán tại thời điểm IPO.

Bên cạnh đó, Danh sách cổ đông chiến lược của CC1 tại thời điểm 03/05/2017 đã xuất hiện cái tên mới là Công ty CP Cơ điện lạnh Nam Thịnh, đơn vị đang nắm giữ 16,5 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 15%. Trước đó, quyết định phê duyệt cổ phần hóa CC1 chỉ có 2 nhà đầu tư chiến lược được chọn là CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (mua 38% vốn) và CTCP Top American Việt Nam (mua 7% vốn).

Trong danh sách trên đáng chú ý là cái tên Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc. Một DN cùng ngành khá nổi tiếng trên thị trường chứng khoán với thương vụ lướt sóng cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (HOSE: CII) hồi năm 2015 hay từng sở hữu tới 51% cổ phần của Cienco 4 khi doanh nghiệp này cổ phần hóa.

Thiếu hấp dẫn nếu nhìn từ các con số

Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh trước thời điểm lên sàn của CC1, không thể trả lời cho câu hỏi vì sao nhà đầu tư lại săn đón CC1 như vậy. Bởi kết quả mà CC1 đang thể hiện không mấy ấn tượng. Đặc biệt là trong năm 2016, dù thị trường xây dựng tăng trưởng mạnh nhưng CC1 chỉ thu được những kết quả rất khiêm tốn. Lợi nhuận của CC1 bỗng nhiên sụt giảm mạnh trong năm 2016.

Nguyên nhân là lĩnh vực xây lắp, vốn chiếm đến 67% tỷ trọng doanh thu nhưng CC1 chỉ thu về vỏn vẹn 30 tỷ đồng lãi gộp. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) chỉ đạt 730 đồng.


Kết quả kinh doanh của CC1 chưa có nhiều khởi sắc trong khi các doanh nghiệp tư nhân đang tăng trưởng mạnh những năm gần đây

Kết quả kinh doanh của CC1 chưa có nhiều khởi sắc trong khi các doanh nghiệp tư nhân đang tăng trưởng mạnh những năm gần đây

Về cơ cấu tài sản, tổng tài sản của CC1 tính đến 31/12/2016 đạt 9.399 tỷ đồng, giảm 1.073 tỷ đồng so với 10.473 tỷ đồng cuối năm 2015. Trong đó có 4145 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 4254 tỷ đồng dài hạn. Ngược lại, nợ phải trả của CC1 ở mức 7.630 tỷ đồng, chiếm 81% tổng tài sản. Riêng nợ vay ngắn và dài hạn là 4.853 tỷ đồng khiến chi phí tài chính là một lực cản lợi nhuận của CC1. Chi phí tài chính trong năm 2016 lên đến 398 tỷ đồng.

Qua các con số mà CC1 công bố cho thấy, CC1 tỏ ra lép vế hoàn toàn so với 2 DN tư nhân trên sàn chứng khoán là Coteccons, Hòa Bình. Trong khi Coteccons, Hòa Bình hay Vinaconex đang tăng trưởng khá tốt trong những năm gần đây thì CC1 vẫn đang dậm chân tại chỗ. Trong 2 năm 2017 và 2018, CC1 lên kế hoạch doanh thu sụt giảm so với năm 2016.

Đâu là điểm CC1hấp dẫn nhà đầu tư?

Hiện nay, mặc dù CC1 vẫn đang hoạt động không thực sự hiệu quả, nhưng CC1 vẫn được đánh giá là một trong những thương hiệu thi công xây lắp, hạ tầng hàng đầu tại khu vực phía nam. Các công trình tiêu biểu của CC1 đã để lại nhiều dấu ấn như như Nhà máy Thủy điện Trị An, nhà máy Thủy điện Thác Mơ, cầu Thủ Thiêm, cao ốc Sailing Tower, nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 1, Khách sạn New World, Sheraton, Caravelle…CC1 cũng đã thiết lập mối quan hệ rất tốt đối với các đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, CC1 cũng đang là chủ đầu tư của một số dự án Năng lượng, hạ tầng lớn.

Rõ ràng, vấn đề của CC1 là tính hiệu quả. Khi CC1 tiến đến cổ phần hóa và đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, kỳ vọng vào sự lột xác của CC1 có thể sẽ diễn ra. Thực tế cho thấy hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa và đưa cổ phiếu lên sàn thường có kết quả kinh doanh tốt hơn so với trước đây. Trường hợp của Tổng Công ty Viglacera, một TCT khác của Bộ Xây Dựng là một ví dụ điển hình.


Màu xanh là các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng

Màu xanh là các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng

Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng phải thoái hết vốn vào năm 2018. Khi đó, cơ hội để nhóm cổ đông hiện hữu gia tăng sở hữu và làm chủ cuộc chơi tại CC1 là rất lớn. Trong đó, khả năng các bất động sản của CC1 cũng có thể sẽ được đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới.

CC1 cho biết, hiện công ty này đang quản lý tổng diện tích hơn 46 ha đất. Đáng chú ý là KDC Hạnh Phúc có tổng diện tích hơn 42,2 ha tại Đường Nguyễn Văn Linh, Xã Bình Hưng, Bình Chánh có tổng diện tích hơn 42,1ha. Đây là dự án được phân làm 4 giai đoạn. Năm 2017, CC1 tiếp tục đầu tư gần 1000 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 1. Hiện dự án gồm 3 Block, trong đó Block C đã bàn giao nhà, Block B vừa mở bán từ đầu tháng 7 và Block A đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đó có thể là cơ sở giúp CC1 tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Trước mắt, định giá của CC1 có vẽ hơi cao so với các DN cùng ngành, theo số CC1 ước tính hơn 14 lần cho năm 2017. Nhưng với mức vốn hóa chỉ 1.560 tỷ đồng cho một trong những công ty hàng đầu, sở hữu tài sản lớn có lẽ là lý do mà những nhà đầu tư đầu tiên rót tiền vào CC1 từ khi đã có sự toan tính.

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên