MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Lệnh 248” và “Lệnh 249” tác động đến doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

Từ 1/1/2022, Lệnh 248 và Lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc sẽ có hiệu lực và dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Với những yêu cầu ngày càng cao, Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu dễ tính với Việt Nam. Họ đòi hỏi các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận để có thể giữ vững thị phần xuất khẩu sang thị trường hơn 1,3 tỷ dân này.

“Lệnh 248” và “Lệnh 249” về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc ban hành có hiệu lực từ 1/1/2022  với những điểm mới: Đối với hệ thống quản lý, giám sát an toàn thực phẩm, Trung Quốc sẽ thiết lập chế độ kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý an toàn thực phẩm ở nước ngoài; bổ sung phương thức kiểm tra đánh giá, quản lý đăng ký doanh nghiệp nước ngoài, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và truy hồi sản phẩm theo yêu cầu giám sát, yêu cầu trách nhiệm đôn đốc của các cơ quan có thẩm quyền quản lý của quốc gia xuất khẩu.

Đối với doanh nghiệp, trách nhiệm chính của doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi nhập khẩu thực phẩm có nghĩa vụ tự chủ kiểm soát cho nhà nhập khẩu. Hai Lệnh 248, 249 cũng nhấn mạnh việc gia tăng các quy định kiểm soát gồm nâng cao tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm nhập khẩu tương ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đăng ký khi sản xuất và xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết phía cơ quan Nhà nước cũng đang nỗ lực đàm phàn để giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

“Nhiều nước có trình độ sản xuất cao cũng đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện lệnh 248, 259 vì thời gian ngắn, yêu cầu nhiều vì chưa được hướng dẫn đầy đủ, hiện nay chúng tôi đang cố gắng thông qua thương vụ, đại sứ quán Trung Quốc, chúng tôi làm việc theo nhóm công tác thuận lợi hoá thương mại Việt Nam tại Trung Quốc để thuyết phục nước bạn có thêm thời gian cho doanh nghiệp của Việt Nam”, ông Sơn nêu rõ.

Ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, việc hướng dẫn các quy định của Trung Quốc trong lĩnh vực nhập khẩu nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn các doanh nghiệp, những mảng do Bộ Công Thương phụ trách, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch.

“Chúng ta thấy là những quy định này chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch). Từ trước đến nay thì chúng ta có thực tiễn là khu vực biên giới phía Bắc là chủ yếu xuất khẩu không theo hình thức chính ngạch mà xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, những hợp đồng bằng miệng, không có hợp đồng chính thức và cũng không tuân theo một quy chuẩn, quy tắc nào cả. Còn những doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức chính ngạch thì dễ đáp ứng các điều kiện mới này của Trung Quốc hơn, bởi vì về cơ bản thì cũng chỉ là đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thôi”, ông Khánh chia sẻ.

Tính đến tháng 10/2021, xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc ước đạt 7,5 tỉ USD, chiếm 19,3% thị phần, là thị trường lớn thứ 2 về giá trị của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Những năm trước đây, việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc khá dễ dàng, chủ yếu theo nhu cầu thị trường, thuận mua vừa bán, ngoài hoạt động xuất khẩu chính ngạch còn phổ biến buôn bán tiểu ngạch. Thế nhưng, vài năm gần đây, phía Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và siết chặt buôn bán tiểu ngạch.

Những thay đổi của Trung Quốc trong việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đầu ra cho nông sản, thủy sản Việt Nam vốn lựa chọn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng cảnh báo những vi phạm khác mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường hay mắc phải khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo ông Lai, vi phạm chủ yếu khi xuất khẩu sang Trung Quốc là về chứng nhận các giấy tờ thủ tục không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu thực phẩm, tem nhãn, bao bì hàng hoá, tiếp đến là chỉ tiêu về chất lượng. Việt Nam đứng trong top 10 Quốc gia vi phạm quy định xuất nhập khẩu của Trung Quốc, có xu hướng tăng lên. Có những doanh nghiệp vi phạm nhiều lỗi khác nhau, vi phạm nhiều lần trong cùng một thời gian.

Cơ quan quản lý và chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất, tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng cao của phía Trung Quốc. Các vùng nuôi, trồng nông thủy sản, các cơ sở chế biến đóng gói phải đảm bảo các điều kiện sản xuất, tiêu chuẩn an toàn đáp ứng yêu cầu về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, kể cả trường hợp nước nhập khẩu cũng cần kiểm tra. Chú trọng và quan tâm vấn đề về bao bì, không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu, quy định của Trung Quốc mà còn nâng cao giá trị của sản phẩm.

Theo Bảo Minh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên