MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lênh đênh phận người vượt hàng trăm cây số hái cà phê thuê kiếm Tết

09-12-2019 - 10:41 AM | Thị trường

Ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa qua khiến nhiều người dân từ Quảng Ngãi vượt hàng trăm kilomet lên Kon Tum đi hái cà phê thuê. Mỗi con người một hoàn cảnh, nhưng ai cũng mong kiếm chút tiền về sửa nhà để có cái Tết đủ đầy…

Chợ người giữa "mùa cà"

Cứ vào dịp cuối năm, nhiều người lao động tại huyện Ba Tơ và Sơn Hà (Quảng Ngãi) lại lỉnh kỉnh hành lí lên mảnh đất Kon Tum để hái cà phê thuê. 5h sáng những ngày cuối năm, tại ngã tư Hà Mòn - Ngọc Wang (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, Kon Tum), những chiếc xe máy biển số 76 lại tập trung đông đúc.

Công việc đơn giản nhưng đem lại nguồn thu nhập khá nên nơi đây là miền đất hứa cho lao động tự do ngoại tỉnh. Cũng ở cái phố huyện này, vài năm trở lại đây đã hình thành nên một chợ lao động.

Nhiều người đàn ông với bộ quần áo lao động cũ nhàu cùng đôi giày thể thao đã ngã màu co ro trong thời tiết lạnh buốt. Một số phụ nữ tranh thủ gọi điện về hỏi thăm gia đình và các con. "Con ở nhà ngoan, ráng chăm học với nghe lời ông bà. Ít hôm nữa bố mẹ về dắt 2 chị em đi mua đồ Tết nhé", một phụ nữ quàng lại chiếc khăn len trên cổ nói, rồi vội lên xe cùng chồng đi theo chủ thuê.

Chưa may mắn bằng cặp vợ chồng vừa lên xe đi khỏi, vợ chồng anh Phẩm Văn Chân (31 tuổi, trú huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn đứng chờ tới lượt người tới thuê mình. Với gương mặt tái nhợt vì giá lạnh, anh Chân cho hay: "Mấy năm nay cứ đến vụ thu hoạch cà phê, vợ chồng tôi lại chạy xe máy lên đây để hái thuê. Đi làm xa nhà nên 2 con nhỏ đành gửi cho bà nội chăm. Vợ chồng đi khoảng chục ngày hoặc nửa tháng là về. Nhưng do năm nay nhà cửa, nương rẫy bị ảnh hưởng của bão nên vợ chồng đi lâu hơn. Mặc dù nhớ con lắm, nhưng chúng tôi phải cố gắng để Tết còn sắm cho con bộ quần áo mới…".

Mỗi vụ hái cà phê, vợ chồng anh Chân cũng kiếm được khoảng 20 triệu mang về nhà. Đối với người thành phố thì số tiền này chẳng đáng là bao, nhưng với gia đình anh Chân bằng cả năm làm nương rẫy. Xoa hai bàn tay vào nhau cho bớt lạnh, anh Chân khoe, vợ chồng anh mới hái cà phê thuê cho một gia đình tại Hà Mòn, được chủ nhà "bồi dưỡng" thêm chút quà để về mua đồ Tết cho hai đứa nhỏ. Anh Chân vừa dứt lời, một người đàn ông trung tuổi đến ngỏ lời muốn thuê vợ chồng anh về hái cà phê. Sau khi thỏa thuận giá 90.000 đồng/tạ, anh Chân nổ máy xe, vợ ngồi sau ôm chiếc nồi cơm điện mini chạy vụt đi.

Quá 6h sáng, chợ lao động thưa thớt dần. Những người "mua", kẻ "bán" cứ gật đầu rồi lên xe phóng vút đi trong màn sương sớm.

Rong ruổi xa nhà... lo Tết

Lênh đênh phận người vượt hàng trăm cây số hái cà phê thuê kiếm Tết - Ảnh 1.

Những người lao động từ Quảng Ngãi vượt hàng trăm kilomet để lên Kon Tum hái cà phê thuê với lỉnh kỉnh đồ đạc.

Bắt đầu đi làm thuê từ năm 19 tuổi, anh Đinh Văn Soi (ở huyện Sơn Hà) cũng đã gắn bó với chợ lao động và vườn cà phê được 4 năm nay. Thời gian đầu, nghe người ở huyện kháo nhau lên Kon Tum làm thuê nên anh cũng rong ruổi trên chiếc xe máy lên chợ lao động này tìm việc. Hồi đó, anh Soi đứng mấy ngày nhưng nhiều người ghé qua hỏi rồi lại đi vì họ chê anh trẻ, sợ lười lao động lại muốn công cao. Sau đó, anh tự chủ động đến hỏi việc và cam đoan "nếu hái không được thì chủ không phải trả tiền".

"Giờ thì chưa tới ngày hái cà phê là chủ cũ đã gọi dặn tôi ít hôm nữa lên hái cho họ. Họ tốt lắm nên mình cũng phải cố gắng hái nhanh nhưng ít bị hư cành nhất. Hái hết nhà quen, tôi mới ra chợ lao động đứng đợi chủ mới đến thuê. Do làm tốt nên cứ hái xong, chủ lại cho thêm tiền xăng xe rồi ăn uống dọc đường về. Nói chung là cũng có dư ít tiền mua quà bánh cho vợ con", anh Soi nói.

Với đôi tay thoăn thoắt đang tuốt những trái cà phê chín mọng trên cây, chị Đinh Thị Thi (46 tuổi, ở huyện Ba Tơ) tâm sự, chị và cậu con Đinh Văn Tái (18 tuổi) đã có thâm niên 3 năm đi hái cà phê thuê. Cách đây ít hôm, mẹ con chị dắt nhau lên Kon Tum để làm. Do điều kiện gia đình khó khăn nên Tái phải nghỉ học khi vừa bước vào cấp 3. Từ đó, Tái ở nhà phụ mẹ làm nương rẫy. Tuy nhiên, đất đai ít và ở nhà cũng chẳng đủ chi phí sinh hoạt nên vài năm trở lại đây, Tái theo mẹ rong ruổi đi làm thuê xa nhà.

Đôi mắt thoáng chút buồn, chị Thi chia sẻ: "Vừa qua, cơn bão số 6 ập tới khiến nhà tôi bị tốc mái. Mấy tấm vách xung quanh nhà cũng long đinh nên phải cột tạm bằng dây kẽm. Ba con trâu là tài sản quý giá nhất của gia đình cũng bị chết trong cơn bão. Mẹ con tôi tranh thủ lên đây làm thuê hết mùa thu cà phê, gần Tết về sửa lại cái nhà cho khỏi dột. Năm sau có bão nhà còn chống trọi được chứ không thì bay mất".

Ông Nguyễn Thái Lâm, Chủ tịch UBND xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) cho biết, xã Hà Mòn là địa phương có diện tích canh tác cà phê nhiều nhất huyện với hơn 2600 ha cà phê. Những năm gần đây, người lao động trong tỉnh cũng như ở Quảng Ngãi lên đây làm thuê rất nhiều. Do lượng lao động tự do làm thời vụ tăng đột biến dịp cuối năm, nên chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong vấn đề đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa bàn.

Theo Đức Huy

Giadinh.net

Trở lên trên