MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lệnh trừng phạt và UAV tàn phá đế chế năng lượng Nga: Mục tiêu chiếm 1/5 thị trường LNG toàn cầu khó đạt

09-04-2024 - 08:36 AM | Tài chính quốc tế

Novatek - nhà sản xuất LNG lớn nhất của Nga - đã dừng sản xuất do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục tác động tiêu cực đến ngành năng lượng Nga.

Theo hãng tin Reuters, Novatek đã dừng hoạt động tại dự án LNG 2 Bắc Cực - nơi xử lý khí đốt từ mỏ Utrenney trên bán đảo Gydan ở miền tây Siberia - trong một đòn mới nhất giáng vào hoạt động xuất khẩu nhiên liệu của Nga.

Việc này diễn ra tiếp theo sự việc các các nhà máy lọc dầu của Nga đã phải hứng chịu làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái từ Ukraine. Một chuyên gia ngành năng lượng nói với Newsweek rằng tập đoàn dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft đã giảm 1/5 sản lượng dầu hàng ngày trong tháng 3.

Lệnh trừng phạt và UAV tàn phá đế chế năng lượng Nga: Mục tiêu chiếm 1/5 thị trường LNG toàn cầu khó đạt- Ảnh 1.

Một cấu trúc bê tông dựa trên trọng lực (GBS) của dự án LNG 2 Bắc Cực đang được xây dựng tại vùng Murmansk, Nga vào ngày 26/7/2022. Ảnh: Reuters

Novatek đã tìm cách mở rộng hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sau khi Nga mất nguồn xuất khẩu khí đốt qua đường ống quan trọng sang châu Âu vì các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ.

Reuters cho biết, Novatek đã bắt đầu sản xuất LNG tại đơn vị đầu tiên trong số ba đơn vị dự kiến thuộc dự án LNG 2 Bắc Cực này vào tháng 12 năm ngoái nhằm mục đích bắt đầu giao hàng LNG thương mại vào quý 1 năm nay; nhưng các cổ đông nước ngoài đã ngừng tham gia sau khi Novatek nằm trong lệnh trừng phạt của phương Tây.

Một nguồn tin nói với Reuters rằng, đơn vị số 1 chuyển đổi khí đốt tự nhiên thành LNG - sẽ ngừng hoạt động cho đến ít nhất là cuối tháng 6. Hai đơn vị còn lại dự kiến sẽ được vận chuyển đến địa điểm này bằng đường biển từ cảng Murmansk ở Bắc Cực.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt cũng làm thiếu hụt tàu chở dầu chuyên dụng để vận chuyển LNG từ Nga vượt qua lớp băng biển dày. Công ty đóng tàu Hanwha Ocean (Hàn Quốc) vào tháng 12/2023 cho biết, ba tàu chở dầu mà tập đoàn tàu chở dầu hàng đầu của Nga Sovcomflot đặt hàng công ty này chế tạo đã phải hủy đơn hàng sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt.

Báo Vedomosti của Nga dẫn lời các quan chức Bộ Năng lượng Nga cho biết, sản lượng tại dự án LNG 2 Bắc Cực này đã giảm xuống 83 triệu mét khối trong tháng 2/2023 do việc vận chuyển LNG bị chậm trễ.

Các cơ sở dầu mỏ của Nga thành mục tiêu

Theo Newsweek, Nga là nước sản xuất LNG lớn thứ tư thế giới, với lượng xuất khẩu hàng năm là 32,6 triệu tấn. Việc đình chỉ dự án Novatek sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chiếm 1/5 thị trường LNG toàn cầu của Nga vào năm 2035.

Newsweek nhận định, đây là đòn giáng mới nhất vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, vốn là nguồn tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và các kế hoạch chi tiêu xã hội đầy tham vọng của Moscow trong 6 năm tới.

Trong những tháng gần đây, các cơ sở dầu mỏ trên khắp một khu vực rộng lớn của Nga đã bị Ukraine nhắm đến, bao gồm ở Ryazan và Pervyy Zavod phía nam Moscow, vùng Rostov cạnh biên giới Ukraine, cũng như Nizhny Novgorod và Kirishi, gần St. Petersburg.

Mục tiêu nhắm đến là nhà máy lắp đặt công nghệ chính đảm bảo xử lý nguyên liệu thô để thu được sản phẩm dầu có chất lượng xuất khẩu. Bloomberg cho biết, các nhà máy lọc dầu bị ảnh hưởng chiếm 12% công suất lọc dầu của Nga.

Lệnh trừng phạt và UAV tàn phá đế chế năng lượng Nga: Mục tiêu chiếm 1/5 thị trường LNG toàn cầu khó đạt- Ảnh 2.

Một cơ sở dầu mỏ tại thị trấn Klintsy thuộc Vùng Bryansk, Nga bốc cháy sau khi bị máy bay không người lái tấn công vào ngày 19/1/2024. Ảnh: Reuters

Mykhailo Gonchar - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu toàn cầu CGS Strategy XXI có trụ sở tại Ukraine - cho biết, số liệu phân tích cho thấy công suất lọc dầu trung bình hàng ngày tại Rosneft - công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga - đã giảm 19% so với tháng 1.

Ông nói với Newsweek rằng: "Nhà máy lọc dầu định hướng xuất khẩu lớn của Rosneft ở Tuapse (ở khu vực Krasnodar, Nga) đã dừng hoạt động trong hơn hai tháng. Vì vậy, những tổn thất này là đáng kể nhưng chưa phải là đòn chí mạng."

Ông Gonchar cho biết, tác động của các cuộc tấn công quân sự phụ thuộc vào mức độ thiệt hại gây ra và liệu hoạt động lọc dầu có bị dừng trong thời gian sửa chữa hay không.

"Ở đâu đó việc này được thực hiện nhanh hơn nếu thiệt hại ít hơn, và việc sửa chữa có thể kéo dài vài tuần. Trong trường hợp hư hỏng nghiêm trọng hơn, việc sửa chữa có thể mất vài tháng", Gonchar nói.

"Ở mức độ lớn hơn, điều đó còn phụ thuộc vào việc người Nga có thể mua thiết bị do phương Tây sản xuất hoặc các thiết bị tương tự của Trung Quốc nhanh đến mức nào", Gonchar nói thêm.

Theo Hữu Hiển

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên