'Lẹt đẹt' thu ngân sách từ tiền sử dụng đất
Tiền từ sử dụng đất chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng thu ngân sách tại các tỉnh Tây Nguyên. Thế nhưng, đến thời điểm này, nguồn thu này tại những địa phương nói trên vẫn “lẹt đẹt”.
Nhiều nguyên nhân khiến nguồn thu thấp
Hằng năm, nguồn thu từ lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 25-27% trong tổng số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh Đắk Nông. Đơn cử, năm 2024, địa phương này giao dự toán thu từ tiền sử dụng đất 850 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng, chiếm gần 27%. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục thuế tỉnh Đắk Nông, tính đến ngày 4/6, toàn tỉnh mới thu được từ nguồn này hơn 184 tỷ đồng, đạt 21,7% so với dự toán. Nguyên nhân khiến nguồn thu từ tiền sử dụng đất không như kỳ vọng đã được các sở, ngành liên quan mổ xẻ trong nhiều cuộc họp như: Công tác đấu giá quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, ghi nợ tiền sử dụng đất và tiến độ thực hiện các dự án còn chậm…
Đối với nguồn thu từ đấu giá đất, ông Nguyễn Anh Đông - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Đắk Nông (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, năm 2024, đơn vị được giao dự toán 200 tỷ đồng nhưng đến nay mới thu hơn 51 tỷ đồng. Ông Đông cho hay, việc bán đấu giá đất phụ thuộc vào 2 yếu tố: Thủ tục pháp lý của lô đất và nhu cầu người mua. Thị trường bất động sản trầm lắng ảnh hưởng rất lớn đến công tác bán đấu giá đất tại Đắk Nông . “Ngay như 2 lô đất tại khu chợ thuộc TP Gia Nghĩa nhưng 2 lần đấu giá vẫn chưa có người mua”, ông Đông nói.
Tại Đắk Lắk, nguồn thu từ tiền sử dụng đất cũng rất thấp. Năm 2024, tỉnh này dự toán thu tiền sử dụng đất khoảng 2.976 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài chính, đến ngày 6/5, toàn tỉnh mới thu được hơn 440 tỷ đồng (bằng gần 15% dự toán).
Trong đó, ở khối tỉnh, bao gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, các dự án có thu tiền sử dụng đất, được giao thu tổng khoảng 1.386 tỷ đồng, nhưng 4 tháng đầu năm mới thu được gần 1,5 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Sở Tài chính Đắk Lắk tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với thửa đất, tài sản công…, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm 2024.
Nhiều dự án dự toán thu tiền tỷ nhưng đến nay chưa thu được đồng nào, như: Dự án tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và nhà ở thương mại tại số 2 đường Mai Hắc Đế (TP Buôn Ma Thuột); Cơ sở nhà, đất Cụm khách sạn, Văn phòng làm việc Cty Cổ phần Cao su Đắk Lắk. Với hai dự án này, Đắk Lắk dự toán năm 2024 thu khoảng 250 tỷ đồng/dự án. Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa hoàn thành thủ tục bán đấu giá tài sản công. Tại dự án Khu đô thị Tổ dân phố 8, phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột), tỉnh Đắk Lắk dự kiến thu tiền sử dụng đất khoảng 800 đến 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên, đến dự án cũng chưa được tổ chức bán đấu giá.
Nhiều thách thức
Tại Kon Tum, trong quý I năm 2024, thu ngân sách đạt 885 tỷ đồng, đạt 19,2% so với dự toán. Trong đó có một số nguồn thu thấp như các khoản thu về nhà, đất hơn 74 tỷ đồng; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 9 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2024, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu thu NSNN đạt từ 4.600 tỷ đồng trở lên. Trong đó, số thu nội địa 4.305 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 295 tỷ đồng.
Nhưng theo nhận định của các nhà quản lý và chuyên gia, năm 2024, việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum nói chung và công tác thu ngân sách nói riêng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực do những khó khăn chung của tình hình kinh tế trong nước.
Để thực hiện được mục tiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn yêu cầu các ngành, địa phương phải đặt nhiệm vụ thu NSNN là trọng tâm ngay từ đầu năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật; Kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phấn đấu đảm bảo số thu theo tiến độ hàng tháng, quý để hoàn thành nhiệm vụ cả năm.
Tiền phong