LG tìm thấy ‘mỏ vàng’ mới sau đại dịch
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian đại dịch khiến nhiều nhà sản xuất khó khăn. Từ khủng hoảng này, LG nhìn thấy cơ hội mở rộng mô hình Smart Factory của họ.
Nhiều công ty toàn cầu vẫn phụ thuộc vào cơ sở sản xuất tại các quốc gia có chi phí nhân công thấp. Đổi lại, khi sự cố bất khả kháng xảy ra, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiệt hại để lại là rất lớn. Ảnh hưởng từ thời kỳ đại dịch Covid-19 tô đậm những điểm yếu của mô hình sản xuất truyền thống.
Nhìn thấy cơ hội trong mảng kinh doanh B2B này, tập đoàn LG nhanh chóng đóng gói các giải pháp nhà máy thông minh (Smart Factory) mà họ áp dụng trong mảng sản xuất thiết bị điện tử nhiều năm qua và cung cấp cho đối tác toàn cầu. Báo cáo của Precedence Research cho thấy tiềm năng của thị trường này vào khoảng 268 tỷ USD vào năm 2030.
Mới ra mắt gần đây, mảng Smart Factory của LG đã nhận được sự quan tâm của các khách hàng trong lĩnh vực pin, phụ tùng ôtô hay doanh nghiệp hậu cần. Các dự án trọng điểm mà doanh nghiệp này đang thực hiện gồm nhà máy của Hyundai, GE Healthcare, Hanmi Pharm…
Robot được tích hợp AI giúp quá trình sản xuất nhanh chóng và an toàn hơn.
Ưu thế của công ty điện tử Hàn Quốc là 70 năm kinh nghiệm xây dựng và vận hành 60 nhà máy công nghệ cao trên toàn thế giới. Hãng đang năm giữ 770 TB tư liệu sản xuất và 1.000 bằng sáng chế liên quan. Công ty cũng tăng cường áp dụng AI, chuyển đổi số vào công tác quản lý, để hạn chế sự xuất hiện của con người trong quy trình, giảm thiệu sai sót và ảnh hưởng bởi vấn đề bất khả kháng.
LG áp dụng nhiều giải pháp robot công nghiệp, tự động trong quy trình sản xuất. Ngoài các loại cánh tay máy làm việc theo chế độ lập trình, hãng cung cấp giải pháp robot di động tự hành, có camera, cảm biến LiDAR nhận diện vật cản. Loại thiết bị cao cấp nhất là hệ thống Mobile Manipulator, gồm một cánh tay với nhiều khớp liên hoàn, thao tác loạt tác vụ liền mạch.
Bên trong nhà máy thông minh LG tại Changwon.
Nhà sản xuất này còn đưa ra giải pháp phần mềm toàn diện để thiết kế, bố trí máy móc trong nhà máy, theo dõi vận hành và phát hiện sự cố. Các nhà máy tự động của LG tại Changwon, Hàn Quốc và Tennessee, Mỹ được Diễn đàn Kinh tế Thế giới công nhận là LightHouse Factory. Sau khi triển khai các giải pháp mới, năng suất tại cơ sở Changwon đã tăng 17%, hiệu quả năng lượng được cải thiện 30% và chi phí hao tổn do lỗi đã giảm 70%.
Tại Việt Nam, mô hình Smart Factory cũng được LG áp dụng cho dây chuyền sản xuất tấm nền OLED tại nhà máy LG tại Hải Phòng.
Smart Factory là một phần trong kế hoạch chuyển đổi trở thành Nhà cung cấp Giải pháp cho cuộc sống thông minh vào năm 2030 của LG. Một trong 3 trụ cột phát triển mà công ty lựa chọn là định hình thương hiệu tại mảng sản xuất B2B.
Thực tế, LG là đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ, xe hơi toàn cầu nhiều năm qua. Tuy nhiên, thành công nổi bật của mảng điện tử, gia dụng khiến mảng kinh doanh này ít được chú ý. Thông qua kế hoạch này, doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tăng cường sự hiện diện trong các lĩnh vực sản xuất mới, là đối tác cung cấp giải pháp tiên tiến cho đối tác toàn cầu.
Tổ Quốc