MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

LHQ cảnh báo: Một 'đại dịch' khác sắp xảy ra trên thế giới, hàng tỷ người bị tác động, không vắc xin nào chữa khỏi!

17-07-2021 - 17:28 PM | Tài chính quốc tế

LHQ cảnh báo: Một 'đại dịch' khác sắp xảy ra trên thế giới, hàng tỷ người bị tác động, không vắc xin nào chữa khỏi!

Điều đáng nói, không nhiều người để tâm đến đại dịch này!

The Guardian đưa tin, trong khi nhiều nơi trên thế giới đang bị đại dịch Covid-19 hoành hành thì theo báo cáo mới nhất của tổ chức Liên Hợp Quốc, có "một đại dịch" khác sắp xảy ra trên thế giới.

Đó chính là HẠN HÁN!

Giữa một thế giới đang ngày càng nóng lên, biến đổi khí hậu diễn biến không ngừng cùng mật độ dân số ngày càng tăng và việc quản lý nước sạch kém thì hạn hán thảm khốc trước mắt là điều hiển nhiên.

Hạn hán là một cuộc khủng hoảng toàn cầu tiềm ẩn có nguy cơ trở thành "đại dịch tiếp theo" nếu các quốc gia không thực hiện hành động khẩn cấp về quản lý nước và đất cũng như giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu, Liên Hợp Quốc cho biết.

"ĐẠI DỊCH KHÔNG VẮC XIN NÀO CHỮA KHỎI"

Ít nhất 1,5 tỷ người trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán trong hai thập kỷ qua, gây thiệt hại cho các nền kinh tế hơn 124 tỷ USD. Chi phí thực có thể sẽ cao hơn nhiều lần vì những ước tính như vậy không bao gồm nhiều tác động ở các nước đang phát triển.

Bà Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai, cho biết: "Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo và không có vắc-xin để chữa khỏi. Hầu hết thế giới sẽ phải sống chung với tình trạng căng thẳng về nước trong vài năm tới. Cầu sẽ vượt cung trong một số thời kỳ nhất định. Hạn hán là một yếu tố chính dẫn đến suy thoái đất và giảm năng suất của các loại cây trồng chính".

LHQ cảnh báo: Một đại dịch khác sắp xảy ra trên thế giới, hàng tỷ người bị tác động, không vắc xin nào chữa khỏi! - Ảnh 1.

Hạn hán gây thiệt hại hơn 6 tỷ đô la mỗi năm do tác động trực tiếp ở Mỹ và khoảng 9 tỷ Euro ở EU. Ảnh minh họa

Báo cáo Đặc biệt GAR của Liên Hợp Quốc về Hạn hán năm 2021 nêu chi tiết những rủi ro mà chúng ta phải đối mặt trong những năm tới do lượng mưa giảm ở các điểm chính trên thế giới; đưa ra các nguyên nhân dẫn đến hạn hán và nhiều biện pháp mà tất cả chúng ta thực hiện để đối phó với tình trạng thiếu nước sạch trên quy mô toàn cầu.

Thực tế là, 'sự nóng lên toàn cầu đang phân phối lại nguồn nước của chúng ta' đã là một hiện thực nghiệt ngã mà nhiều người trên thế giới đang phải đối mặt.

Các tác giả viết trong báo cáo: "Với sự thay đổi khí hậu do con người gây ra (biến đổi khí hậu nhân tạo), tần suất và mức độ nghiêm trọng của hạn hán đã tăng lên ở một số khu vực - thường vốn đã khan hiếm nước - trên toàn cầu. Khi thế giới gần như không thể tránh khỏi mức nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng hơn 2°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, tác động của hạn hán đang gia tăng và được dự đoán là sẽ tồi tệ hơn ở nhiều khu vực".

HIỆN THỰC NGHIỆT NGÃ - TƯƠNG LAI MÙ MỊT

Như các tác giả đã chỉ ra, thường có một khoảng cách giữa tổn thất được báo cáo và tác động thực tế, có nghĩa là những con số như thế này thậm chí còn chưa phản ánh đủ thực trạng hạn hán và thiếu nước trầm trọng trên toàn cầu.

Trớ trêu thay, chính các quốc gia đang phát triển và các vùng xa xôi lại xuất hiện đầu tiên trong danh sách những khu vực bị tác động mạnh mẽ khi chúng ta nghĩ về hạn hán nghiêm trọng. Gần 1/5 dân số thế giới sống trong khu vực có nguy cơ khan hiếm nước.

Con người đã sống chung với hạn hán trong 5.000 năm, nhưng những gì chúng ta đang thấy bây giờ rất khác. Các hoạt động của con người đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và gia tăng tác động, có nguy cơ làm chệch hướng tiến bộ trong việc đưa mọi người thoát khỏi đói nghèo.

LHQ cảnh báo: Một đại dịch khác sắp xảy ra trên thế giới, hàng tỷ người bị tác động, không vắc xin nào chữa khỏi! - Ảnh 2.

Diyala (miền đông Iraq) trong tình trạng thảm khốc, hầu hết nông dân rời bỏ đất canh tác của họ do hạn hán. Ảnh: Iraqi Civil Society

Vào cuối thế kỷ này, hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn hán theo một cách nào đó. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu ở nhiều quốc gia, trong đó có Iraq, quốc gia mất khoảng 100.000 mẫu đất nông nghiệp mỗi năm và chủ yếu vẫn sử dụng hệ thống thủy lợi lạc hậu gây nhiễm mặn đất.

Mỹ, Úc và Nam Âu đã trải qua hạn hán trong những năm gần đây. Hạn hán gây thiệt hại hơn 6 tỷ đô la mỗi năm do tác động trực tiếp ở Mỹ và khoảng 9 tỷ Euro ở EU.

Theo Roger Pulwarty, một nhà khoa học cấp cao tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), hạn hán còn vượt ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Nó làm cạn kiệt dòng sông. Đơn cử, sông Danube ở châu Âu, nơi hạn hán tái diễn trong những năm gần đây đã ảnh hưởng đến giao thông, du lịch, công nghiệp và sản xuất năng lượng.

Các báo cáo dự đoán mức độ gia tăng nguy cơ thiếu nước trong một tương lai bị tàn phá bởi một cuộc khủng hoảng khí hậu đã trở nên phổ biến. Vậy mà, những ngày hạn hán hầu như không đủ điều kiện để trở thành tin tức trong những ngày này. Người ta không quan tâm!

Nhưng nếu chúng ta biết tất cả những điều này - vì chúng ta biết hạn hán có thể tàn khốc như thế nào, và rất nhiều người trong chúng ta phải đối mặt với những đợt khô hạn trong tương lai - tại sao chúng ta không quản lý nó tốt hơn?

Không ai muốn nghĩ về đợt hạn hán tiếp theo khi những cơn mưa ập đến, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các phương pháp tiếp cận chính trị đều mang tính phản ứng, trái ngược với chủ động.

Bất bình đẳng xã hội, thiếu sự chuẩn bị và khó thích ứng với những rủi ro mới chỉ càng làm tăng thêm những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong tương lai khi nóng lên toàn cầu là điều không thể tránh khỏi.

Bà Mami Mizutori nhanh chóng so sánh tình trạng thiếu nước trong tương lai với một thảm họa toàn cầu mà chúng ta không cần tưởng tượng. Bà kêu gọi các chính phủ hành động để giúp ngăn chặn hạn hán bằng cách cải cách và điều chỉnh cách khai thác, lưu trữ và sử dụng nước cũng như cách quản lý đất đai.

Chưa bao giờ thế giới phải cùng lúc đối mặt với nhiều vấn đề như thế: Đại dịch Covid-19 , bão lũ triền miên, cháy rừng, sóng nhiệt, tài nguyên dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường... Đã đến lúc, các chính phủ cần chung tay giải quyết cho một tương lai tốt đẹp hơn!

Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert, Iraqi Civil Society, UNDRR, The Guardian

Theo Trang Ly

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên