Lịch chốt quyền cổ tức tuần 13/2 - 17/2
Trong 7 doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt, tỷ lệ chi trả cao nhất là 40% và thấp nhất là 3%.
Theo thống kê, có 10 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức trong tuần 13/2 – 17/2. Trong đó, 7 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 2 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp phát hành thêm.
Trong 7 doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt, tỷ lệ chi trả cao nhất là 40% và thấp nhất là 3%.
CTCP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (mã DNH) chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 2/2022 bằng tiền vào ngày 14/2. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 13/2. Tỷ lệ thực hiện là 10%, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng.
Với hơn 422 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính DNH cần chi hơn 422 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Ngày thanh toán dự kiến vào 28/2.
Được biết, vào ngày 7/2 vừa qua, công ty cũng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền đợt 1/2022 với tỷ lệ 10%.
DNH là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức với tỷ lệ tương đối cao và ổn định trong những năm gần đây. Nhìn lại dữ liệu lịch sử, vào năm 2017 tỷ lệ chia cổ tức là 18%; năm 2018 là 12%; năm 2019 vượt trội lên đến 24%. Năm 2021, Công ty cũng đã chi trả cổ tức đợt 1 cho các cổ đông với mức 14% bằng tiền và cổ tức đợt cuối với mức 7% bằng tiền.
CTCP Địa ốc First Real (mã FIR ) thông báo, ngày 10/2 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông để phân bổ quyền chia cổ tức. Theo đó, Công ty dự kiến phát hành hơn 8,92 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu phát hành thêm.
Nguồn phát hành là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 30/9/2022 theo báo cáo tài chính riêng năm 2022 đã kiểm toán của Công ty, tương ứng 208 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của doanh nghiệp bất động sản này sẽ đạt hơn 535 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã VPI) thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2022 vào ngày 17/2 tới đây. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/2/2023.
Tỷ lệ thực hiện là 10% (sở hữu được nhận 1.000 đồng). Với gần 242 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VPI cần chi khoảng 242 tỷ đồng cho đợt tạm ứng lần này. Thời gian thanh toán dự kiến vào 27/02/2023.
Năm 2022, VPI ghi nhận bức tranh kinh doanh tương đối khả quan. Doanh thu thuần năm 2022 đạt gần 2.155 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn 43%, đạt hơn 491 tỷ đồng - vượt 14% kế hoạch cả năm.
Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) vừa công bố nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền. Tỷ lệ thanh toán là 40%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 4.000 đồng.
Như vậy với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Đạm Phú Mỹ sẽ chi ra khoảng 1.560 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông. Nguồn chi được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2022 của Tổng Công ty. Dự kiến thời gian chi trả trong quý 1/2023.
Lũy kế năm 2022, DPM ghi nhận lãi ròng 5.586 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 45% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp. Tại thời điểm 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 6.422 tỷ đồng.
Ngân hàng Eximbank (EIB) thông báo ngày 20/2 đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.
Như vậy, với hơn 1,229 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Eximbank dự kiến phát hành tối đa gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021.
Đây là lần đầu tiên trả cổ tức cho cổ đông của Eximbank trong gần 1 thập kỷ, kể từ năm 2014. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014.
Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm gần 2.459 tỷ đồng, lên mức 14.814 tỷ đồng. Vốn điều lệ của nhà băng này đã đứng yên ở mức 12.355 tỷ đồng từ năm 2012 đến nay.
Nhịp sống thị trường