MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lịch sử chiếc khóa kéo - Chỉ 1 phát minh nhỏ đã thay đổi ngành thời trang mãi mãi như thế nào

29-08-2017 - 14:25 PM | Tài chính quốc tế

Ngày nay, khóa kéo là thị trường có quy mô 13 tỷ USD và người thống trị thị trường này chính là tập đoàn YKK của Nhật Bản.

Thứ gì đánh dấu thời kỳ hiện đại của ngành thời trang? Sợi vải? Hay máy khâu? Tôi đã bắt đầu nghĩ đến câu hỏi này từ năm ngoái, khi được người phụ trách mảng thiết kế và kiến trúc tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại tuyển dụng để tổ chức triển lãm “Items: Is Fashion Modern?” Mở cửa ngày 1/10 tới, triển lãm này đánh dấu đây mới là lần thứ hai bảo tàng chú trọng đến ngành thời trang.

Diễn ra tại tầng 6 của bảo tàng, triển lãm thu thập tới 111 món đồ có ý nghĩa quan trọng đối với ngành thời trang trong suốt 1 thế kỷ qua. Có cả những thứ cổ điển và rất cơ bản như quần bò Levi’s 501 hay đôi giày Chuck Taylor All-Stars của Converse cho đến những biểu tượng của sự xa xỉ như túi Hermes Birkin hay áo jacket Le Smoking của Yves Saint Laurent.

Trước thềm buổi triển lãm có 1 buổi trò chuyện ngắn với 26 bài thuyết trình ngắn gọn về chủ đề thời trang dựa trên bảng chữ cái. Ví dụ, với chữ A, nhà thiết kế của Nike, Tinker Hatfield sẽ thảo luận về “sự tích” đôi giày Air Max; chữ C sẽ là lịch sử của cheongsam (sườn xám), trang phục truyền thống của người Trung Quốc.

Nhận chữ Z, tôi nói về zipper – chiếc khóa kéo, chi tiết mà sản phẩm nào cũng phải có. Từ 1 chi tiết nhỏ nhặt thường thấy ở bất kỳ trang phục hay phụ kiện nào, khóa kéo cũng có thể được biến hóa thành 1 chi tiết đầy tinh tế thể hiện cái gu của nhà thiết ké, ví dụ như chiếc áo jacket chuyên cho người đi xe máy do Schott Perfecto thiế kế mà bạn nhìn thấy dưới đây.

Khóa kéo là 1 sản phẩm do người Mỹ phát minh ra, cụ thể hơn là bởi 1 người Chicago. Năm 1893, Whitcomb Judson, 1 nhà sáng chế đến từ Illinois, giới thiệu sản phẩm mà ông gọi là Clasp Locker. Clasp Locker là một hệ thống móc và lỗ (hook-and-eye) phức tạp gồm 2 hàng. Mỗi hàng gồm các móc và lỗ nối tiếp nhau, phần móc của hàng bên này sẽ gắn vào lỗ ở hàng bên kia. Phát minh này đã được cấp bằng sáng chế, tuy nhiên nó chưa được áp dụng rộng rãi trong may mặc.

Đến năm 1913, 1 nhân viên của Judson là Gideon Sundback đã đăng ký sáng chế “Hookless Fastener No.2”, phát minh ra 1 phiên bản cải tiến với rãnh trượt chữ Y tiện lợi giúp 2 hàng răng của khóa có thể tách rời.

Chiếc khóa kéo thực sự là 1 sản phẩm tiện lợi vì trước đó công dụng của nó được thực hiện bởi một loạt cúc bấm hay dây buộc rất bất tiện. Tuy nhiên, phải mất một thời gian khá dài nó mới được ứng dụng rộng rãi, ban đầu được may kèm vào những thứ như túi đựng tiền đeo ở thắt lưng, túi ngủ, hộp bút chì, túi đựng thuốc lá và các loại túi xách.

Từ “zipper” xuất hiện từ năm 1923, khi công ty B.F.Goodrick sử dụng từ này trong chiến dịch quảng bá các sản phẩm giày cao su và giày thể thao có sử dụng khóa kéo.

Trong những năm 1930, các nam thanh niên bắt đầu từ chối sử dụng những chiếc quần dài có cúc bấm. Khóa kéo cuối cùng cũng trở nên thông dụng. Công ty của Judson có những nhà máy sản xuất khóa kéo hoạt động liên tục 24 giờ, kể cả trong thời kỳ Đại khủng hoảng.

Ngày nay, khóa kéo là thị trường có quy mô 13 tỷ USD và người thống trị thị trường này chính là tập đoàn YKK của Nhật Bản. Được sáng lập năm 1934 bởi Tadao Yoshida, hiện nay đây chính là tập đoàn sản xuất khóa kéo lớn nhất thế giới với 114 công ty con tại 71 quốc gia trên khắp thế giới.

Từng là một thợ hàn, nhà sáng lập của YKK đã tự tay thiết kế các cỗ máy sản xuất khóa kéo của riêng mình vì không thỏa mãn với những phương pháp sản xuất khi đó. Từng bước một, về cơ bản ông đã mang mọi công đoạn của quy trình sản xuất khóa kéo, từ luyện đồng cho đến pha chế plyester hay se chỉ, dệt và nhuộm màu vải cho khóa kéo về cùng một mối. Thậm chí những chiếc hộp đựng khóa kéo cũng do YKK tự sản xuất.

Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của YKK là công ty Trung Quốc có tên SBS, chuyên nhắm vào các mặt hàng thời trang nhanh. Năm 2015, YKK mở 1 showroom ở London nhắm vào thị trường cao cấp với những chiếc khóa kéo chuyên dùng cho các loại túi xách đắt tiền trong nỗ lực cạnh tranh với SBS.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên