MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liên tiếp áp các biện pháp trừng phạt, tại sao Mỹ vẫn mua dầu mỏ của Nga?

03-03-2022 - 10:26 AM | Tài chính quốc tế

Liên tiếp áp các biện pháp trừng phạt, tại sao Mỹ vẫn mua dầu mỏ của Nga?

Dù là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới nhưng Mỹ vẫn đang nhập khẩu dầu của Nga ngay cả khi đôi bên đang rất căng thẳng về chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow trên đất Ukraine.

Sự bùng nổ trong khai thác dầu đã khiến Mỹ trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Mỹ vẫn nhập khẩu hàng triệu thùng dầu mỗi ngày từ các khu vực khác nhau trên khắp thế giới, bao gồm cả Nga.

Sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, một số Nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ thúc giục Chính quyền tổng thống Joe Biden nhanh chóng giảm bớt các hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nga đồng thời có thể khuyến nghị cấm vận hàng hóa này của Nga. Tuy nhiên, dưới đây là lý do tại sao Mỹ vẫn nhập khẩu dầu của Nga và nó sẽ đi về đâu.

Mỹ nhập khẩu bao nhiêu dầu từ Nga?

Mỹ vẫn tiêu thụ lượng dầu nhiều hơn sản lượng khai thác của các công ty trong nước. Điều này buộc họ phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, Mỹ ít phụ thuộc vào dầu Nga hơn so với châu Âu và chỉ một phần trong lượng dầu nhập khẩu của họ tới từ Nga. Mỹ nhập khẩu dầu thô nhiều nhất từ Canada, Mexico và Ả rập Xê út. Tập hợp các nước nhỏ hơn ở Mỹ Latin và Tây Phi cũng xuất khẩu dầu cho Mỹ nhiều hơn Nga.

Liên tiếp áp các biện pháp trừng phạt, tại sao Mỹ vẫn mua dầu mỏ của Nga? - Ảnh 1.

Andy Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates LLC ở Houston, cho biết, 8% nhập khẩu dầu và các sản phẩm tinh chế, tương đương 672.000 thùng/ngày của Mỹ tới từ Nga trong năm ngoái. Trong đó, dầu thô Nga chiếm 3% tổng lượng dầu nhập khẩu của Mỹ, tương đương khoảng 200.000 thùng/ngày.

Vào giữa năm 2021, nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ Nga đạt cao nhất trong khoảng 1 thập kỷ và có xu hướng cao hơn nữa trong những năm gần đây. Tuy nhiên, dầu thô Nga chưa bao giờ chiếm một phần lớn trong hệ thống cung cấp dầu của Mỹ, ông Lipow nói.

Tại sao Mỹ xuất khẩu dầu nhưng vẫn nhập khẩu của Nga?

Đạo luật Jones, được thông qua cách đây một thế kỷ, đã giới hạn kích thước tàu được phép vận chuyển hàng hóa giữa các cảng của Mỹ. Điều đó đã khiến những người mua dầu ở Bờ Tây và Bờ Đông không thể nhận được dầu vận chuyển từ Duyên hải Vịnh Mexico bằng đường biển. Các công ty dầu mỏ ở khu vực này vận chuyển khoảng 3 thùng dầu/ngày cho khu vực Tây Texas và New Mexico bằng hệ thống đường ống dẫn.

Việc vận chuyển dầu từ khu vực khai thác tới Bờ Đông và Bờ Tây nước Mỹ bằng những con tàu nhỏ rõ ràng không có lợi. Chính vì vậy, các nhà máy lọc dầu trên những khu vực này, nếu không thể kết nối với hệ thống đường ống dẫn dầu của Mỹ, sẽ chọn cách nhập khẩu dầu từ nước ngoài.

Liên tiếp áp các biện pháp trừng phạt, tại sao Mỹ vẫn mua dầu mỏ của Nga? - Ảnh 2.

Tại sao các nhà máy lọc dầu của Mỹ cần nhiều loại dầu thô khác nhau?

Mỹ mua dầu thô của Nga một phần để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu cần các loại dầu thô với hàm lượng lưu huỳnh cao hơn nhằm sản xuất ra loại nhiên liệu công suất cao. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ được thiết kế từ nhiều thập kỷ trước nên chúng cần các loại dầu thô nặng hơn "thường có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn). Trong khi đó, dầu thô do Mỹ sản xuất có hàm lượng lưu huỳnh thấp.

Trong những năm gần đây, dầu thô Nga đã lấp khoảng trống trên toàn cầu khi các lệnh trừng phạt với Venezuela và Iran có hiệu lực. Điều này làm tê liệt dòng chảy của các loại dầu thô hàm lượng lưu huỳnh cao từ hai quốc gia này tới các nhà máy lọc dầu của Mỹ và các nơi khác.

Dầu của Nga được Mỹ dùng làm gì?

Gần một nửa lượng dầu mà Mỹ nhập khẩu từ Nga được chuyển tới bờ Tây, nơi các nhà máy lọc dầu phải sử dụng dầu nhập khẩu từ nước ngoài vì chúng không được kết nối bằng đường ống tới lưu vực Permian, mỏ dầu lớn nhất của Mỹ. Các nhà máy lọc dầu ở Bờ Tây lấy dầu thô Nga được vận chuyển từ cảng Kozmino ở miền đông Nga, khu vực tiếp giáp với Thái Bình Dương.

Một phần tư lượng dầu khác, khoảng 50.000 thùng/ngày, được vận chuyển đến bờ Đông nước Mỹ, nơi các nhà máy lọc dầu cũng không kết nối với nguồn khai thác dầu hàng đầu của Mỹ hiện nay. Một phần tư còn lại được đưa tới Duyên hải Vịnh Mexico để phục vụ các nhà máy lọc dầu cần loại dầu có hàm lượng lưu huỳnh lớn.

Liên tiếp áp các biện pháp trừng phạt, tại sao Mỹ vẫn mua dầu mỏ của Nga? - Ảnh 3.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ và đồng minh nhằm vào dầu mở Nga?

Các động thái cản trở hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga được thị trường coi là cú đánh khác đối với nguồn cung toàn cầu, vốn đã eo hẹp. Ngoài ra, nó có thể làm tăng chi phí đối với người tiêu dùng Mỹ.

Mỹ và các quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới cho biết họ sẽ giải phóng 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ khẩn cấp để làm tăng nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, giá dầu đã vượt 110 USD/thùng hôm 2/3 sau khi một số nhà máy lọc dầu từ chối mua dầu Nga khi họ sợ phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt.

Nga chiếm 12% tổng lượng dầu thô xuất khẩu của cả thế giới vào năm 2020. Việc quay lưng với dầu của Nga chắc chắn sẽ khiến thị trường toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Hiện tại, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vẫn loại trừ lĩnh vực dầu mỏ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lo sợ những căng thẳng ngày một leo thang liên quan đến vấn đề Ukraine sẽ khiến dầu mỏ Nga không được loại trừ và họ sẽ bị "vạ lây".

https://cafef.vn/lien-tiep-ap-cac-bien-phap-trung-phat-tai-sao-my-van-mua-dau-mo-cua-nga-20220303102540076.chn

Linh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên