Liên tiếp các vụ cướp ngân hàng liên quan đến hội nhóm “vỡ nợ muốn làm liều” trên MXH
Thời gian gần đây đã ghi nhận liên tiếp các vụ cướp ngân hàng liên quan đến các hội nhóm "vỡ nợ, làm liều" trên mạng xã hội.
- 22-11-2023Vụ cướp ngân hàng, đâm bảo vệ tử vong tại Đà Nẵng: 2 đối tượng vốn không quen biết nhau, chỉ gặp và trao đổi qua hội nhóm xù nợ, làm liều trên MXH
- 22-11-2023Bắt hai đối tượng mang súng cướp ngân hàng ở Đà Nẵng
- 22-11-2023NÓNG: Cướp ngân hàng tại Đà Nẵng, 1 bảo vệ bị thương rất nặng
Mới nhất, vụ cướp tại chi nhánh Ngân hàng BIDV quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ngày 22/11 dù hai đối tượng chưa lấy được tài sản nhưng để lại hậu quả nặng nề, một bảo vệ bị đâm tử vong.
Tại cơ quan Công an, bước đầu 2 đối tượng khai nhận, do không có công ăn việc làm, lại đam mê cờ bạc, cá độ bóng đá, chơi game…, nên nợ nần tiền bạc. Trước đây, cả 2 không quen biết nhau, chỉ gặp, trao đổi với nhau trên mạng xã hội thông qua hội nhóm liên quan đến việc xù nợ, làm liều. Để có tiền tiêu xài, ban đầu 2 đối tượng rủ nhau đi cướp tài sản tại nhà dân, tuy nhiên sau đó đổi ý định và chuyển qua bàn bạc, thống nhất sẽ đi cướp ngân hàng.
Trước đó, ngày 24/10, xảy ra vụ cướp 3,8 tỷ đồng tại phòng giao dịch ngân hàng trên đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM. Sau 22 giờ gây án, 3 đối tượng tham gia vụ cướp đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, thông qua nhóm "Những người vỡ nợ muốn làm liều", các đối tượng đã kết bạn, nhắn tin trao đổi và hẹn nhau đi cướp..
Tháng 3/2022, trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng xảy ra vụ cướp ngân hàng tương tự, khi các đối tượng tham gia các hội nhóm tiêu cực rồi rủ nhau thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận không có nghề nghiệp ổn định và đang nợ tiền. Hai đối tượng này quen nhau trong hội "Những người vỡ nợ muốn làm liều" trên MXH Facebook và rủ nhau đi cướp ngân hàng để trả nợ.
Hiện nay, chỉ cần lên mạng xã hội và tìm kiếm những từ khóa liên quan sẽ bắt gặp một loạt hội nhóm không lành mạnh như :"hội những người vỡ nợ muốn làm liều", "hội những người vỡ nợ thích làm liều" cho đến "hội những người vỡ nợ muốn làm liều toàn quốc", "hội những người túng quẫn làm liều"... Đáng chú ý, các hội nhóm này có tới hàng nghìn thậm chí vài chục nghìn thành viên, với các nội dung xấu, độc thường xuyên được đăng tải.
Tại những hội nhóm không lành mạnh này, các thành viên thường xuyên hỏi nhau: "Có kế hoạch gì không?", "Ai ở TP.HCM, nếu muốn làm liều thì liên hệ nhé"...Và theo dõi những hội này, không khỏi giật mình khi bắt gặp những bài đăng, những bình luận rủ rê, kết nối với nhau nhằm mục đích vi phạm pháp luật, cướp tài sản.
Có thể thấy, mạng xã hội là ảo, nhưng hệ lụy từ những hội nhóm tiêu cực là thật và đã để lại những hậu quả đau lòng cho không ít gia đình. Do đó, cần có những biện pháp ngăn chặn những hội nhóm này để tránh gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội