MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liên tiếp vụ trẻ bị bỏng nặng do xông hơi phòng Covid-19, BS cảnh báo: “Xông mũi họng cho trẻ lợi đâu không thấy, hậu quả thì nhiều!”

05-03-2022 - 20:42 PM | Sống

Liên tiếp vụ trẻ bị bỏng nặng do xông hơi phòng Covid-19, BS cảnh báo: “Xông mũi họng cho trẻ lợi đâu không thấy, hậu quả thì nhiều!”

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa điều trị cho bé trai (6 tháng tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng huyết do gia đình dùng máy xông hơi phòng Covid-19, gây bỏng mu bàn chân trái, vùng bỏng điều trị không tốt dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng máu.

Bỏng nặng khi đá vào máy xông phòng Covid-19

Cụ thể, chị H - mẹ của bé G.B cho biết, do hàng xóm có người bị nhiễm Covid-19 và trong gia đình có người thường xuyên phải đi làm tiếp xúc bên ngoài, lo sợ nhiễm Covid-19 nên gia đình đã tự mua máy xông về xông mũi họng hàng ngày.

Theo đó, vào tối ngày 20/2, trong lúc người nhà bế bé G.B đứng xông mũi họng, không may chân bé đá vào máy xông làm nước sôi từ máy xông đổ vào chân của trẻ. Sau tai nạn, gia đình nhanh chóng sơ cứu và đưa trẻ đến bệnh viện địa phương điều trị, sau đó chuyển đến Đơn vị bỏng, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Liên tiếp vụ trẻ bị bỏng nặng do xông hơi phòng Covid-19, BS cảnh báo: “Xông mũi họng cho trẻ lợi đâu không thấy, hậu quả thì nhiều!” - Ảnh 1.

Hiện bé G.B đang được điều trị tại bệnh viện.

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định trẻ bị bỏng độ III mu bàn chân trái nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, trẻ được điều trị tích cực tại đơn vị Bỏng. Hiện sức khoẻ trẻ đang dần ổn định.

Trước đó, vào ngày 25/2, thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cũng cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhi bị bỏng do xông nước lá để phòng Covid-19.

Bỏng là một trong những tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ ở độ tuổi 1-6 và chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ.

Thế nhưng, có một điều khác cần chú ý hơn chính là, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao, nhiều người có suy nghĩ sai lầm về tác dụng của việc xông mũi - họng, từ đó dẫn tới nhiều hậu quả khó lường.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng: "Xông mũi, họng không giết được virus hay vi khuẩn!"

"Nhiều người nhầm tưởng rằng xông như thế sẽ giết được các loại virus, vi khuẩn không may chui vào mũi, họng của mình. Nhưng thực ra không phải, xông như thế nếu đối với người lớn hoặc trẻ lớn sẽ giúp người đó có cảm giác dễ chịu thôi, hoặc làm thông thoáng đường mũi. Nhờ vậy giúp hít thở thoải mái hơn” - PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng (Phó Chủ tịch thường trực Hội hô hấp Nhi Việt Nam) khẳng định.

Chia sẻ rõ hơn, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nói thêm, thông thường mọi người có thể xông mũi, họng bằng các loại tinh dầu sả, chanh,... bán sẵn trên thị trường hoặc các loại lá xông. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần biết rằng, tất cả các loại tinh dầu đều hại cho đường hô hấp của trẻ con dưới 5 tuổi.

Liên tiếp vụ trẻ bị bỏng nặng do xông hơi phòng Covid-19, BS cảnh báo: “Xông mũi họng cho trẻ lợi đâu không thấy, hậu quả thì nhiều!” - Ảnh 2.

Giải thích thêm về việc tại sao những loại tinh dầu xông hơi có thể gây hại cho đường hô hấp của trẻ, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng nêu rõ:

"Vì đường hô hấp của trẻ con dưới 5 tuổi rất mềm mại: từ các tế bào niêm mạc, lông tơ,… đều rất mềm; cho nên nếu bố mẹ cho con xông như vậy thì có thể không may vô tình làm tổn thương niêm mạc của trẻ, làm giảm khả năng miễn dịch, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp của đứa bé nhiều hơn; khiến đứa trẻ dễ ốm hoặc nếu ốm sẽ lâu khỏi hơn.

Như vậy đối với trẻ con, việc xông chỉ có hại chứ không có lợi”.

Như vậy có phải khi cho trẻ xông hơi mũi họng, ngoài việc gây tổn thương đường hô hấp thì còn làm mất đi sự miễn dịch tự nhiên trong đường hô hấp của trẻ?

"Đúng vậy! Bởi vì cơ thể của con người có miễn dịch bẩm sinh, tức là ngay khi các loại vi khuẩn, virus bám vào niêm mạc của đường hô hấp, xâm nhập vào cơ thể thì lập tức, ở mũi có các tế bào diệt vi khuẩn sẽ diệt luôn. Do đó, khi người lớn cứ cho trẻ xông như vậy đôi khi có thể làm hỏng niêm mạc đường hô hấp, mất khả năng miễn dịch bẩm sinh, tiêu diệt virus, vi khuẩn và tất cả các chất độc hại mà chúng tôi gọi là hàng rào miễn dịch tự nhiên." - PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cảnh báo thêm một sai lầm trong việc xông hơi mũi họng của các gia đình chính là thói quen mọi người trong gia đình xông cùng nhau hoặc để nồi xông rồi thực hiện xông ở không gian chung của cả nhà, dễ dẫn tới tình trạng lây nhiễm chéo.

"Khi người không may nhiễm Covid-19 xông hơi thì rất có thể virus sẽ bay ra ngoài môi trường xung quanh và lây lan cho người. Bởi thế, nếu có ý định xông thì chỉ nên xông cho người lớn và nên nhớ, tác dụng của xông hơi chỉ là giúp làm dễ chịu hơn. 

Ngoài ra, nếu đã xông thì chỉ xông ở phòng riêng của người đó, không thể là phòng chung của cả gia đình."

Liên tiếp vụ trẻ bị bỏng nặng do xông hơi phòng Covid-19, BS cảnh báo: “Xông mũi họng cho trẻ lợi đâu không thấy, hậu quả thì nhiều!” - Ảnh 3.

https://afamily.vn/lien-tiep-vu-tre-bi-bong-nang-do-xong-hoi-phong-covid-19-bs-canh-bao-xong-mui-hong-cho-tre-loi-dau-khong-thay-hau-qua-thi-nhieu-20220304125003777.chn

Theo Lam Anh

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên