Liên tục lao dốc, giá dầu có thể rơi xuống dưới mức 90 USD/thùng nếu lạm phát vẫn còn tiếp diễn
Giá dầu bật tăng sau cuộc họp quan trọng của OPEC+ nhưng những lo ngại về triển vọng nhu cầu nhanh chóng đẩy giá xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng.
- 04-08-2022Cuộc khủng hoảng dầu diesel còn lâu mới kết thúc
- 03-08-2022Lợi nhuận đầu tư dầu mỏ năm nay vượt trội so với chứng khoán và ngoại hối
- 02-08-2022Nhu cầu dầu xăng dầu toàn cầu bắt đầu giảm khi kinh tế rơi vào suy thoái
Giá dầu thế giới xuống thấp nhất 6 tháng qua
Chốt phiên giao dịch 3/8, mỗi thùng dầu Brent giảm 3,7 USD về 96,78 USD. Dầu thô Mỹ WTI cũng giảm tương tự, về 90,66 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2, trước thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Giá giảm sau khi Mỹ công bố tồn kho dầu thô tăng hơn 4 triệu thùng. Tồn kho dầu thô tại Cushing (Oklahoma) - kho dự trữ dầu lớn nhất Mỹ - đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp. Nhu cầu xăng tại Mỹ hiện cũng thấp hơn mức năm 2020.
Diễn biến giá dầu WTI trong 6 tháng qua (Nguồn: Trading Economics)
Trước đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cũng viện dẫn lý do triển vọng nhu cầu chậm lại để quyết định chỉ tăng cung thêm 100.000 thùng một ngày trong tháng 9.
Đây là con số nhỏ hơn rất nhiều so với mức tăng hàng trăm nghìn thùng vài tháng qua. Các nước OPEC cho biết họ lo ngại khả năng suy thoái tại Mỹ và lệnh phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc sẽ kìm hãm nhu cầu.
Giá dầu hiện đã trở về tương đương mức trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Nhà đầu tư cũng lo lắng khi kinh tế toàn cầu chậm lại.
"Thông báo nâng sản lượng của OPEC không thay đổi được gì", Stacey Morris – Giám đốc nghiên cứu năng lượng tại VettaFi nhận xét, "Mức tăng quá khiêm tốn với thị trường dầu toàn cầu". Bà cho rằng thị trường vẫn "cực kỳ nhạy cảm" với các yếu tố cung – cầu và biến động sẽ còn tiếp diễn.
Enrique Mora – phái viên Liên minh châu Âu (EU) chịu trách nhiệm đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran và các cường quốc – đang tới Vienna (Áo) để thảo luận việc này. Sau nhiều tháng đàm phán, các bên tham gia vẫn chưa thống nhất. Nếu thành công, Iran sẽ bơm thêm dầu ra thế giới khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Giá dầu có thể giảm xuống dưới mức 90 USD/thùng
Theo Chủ tịch Bharat Petroleum trả lời Economic Times, giá dầu thô có thể giảm xuống dưới 90 USD/thùng nếu nền kinh tế của hai nước tiêu thụ lớn nhất thế giới tiếp tục vật lộn với tăng trưởng.
Arun Kumar cho biết: "Giá có thể chạm 90 USD trong hai tháng nếu Mỹ tiếp tục lạm phát và tăng trưởng thấp. Đồng thời, Trung Quốc không thể tìm ra giải pháp khắc phục cho những khó khăn về kinh tế hiện nay."
Theo số liệu được Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố hôm 29/7, trong quý II, GDP của Mỹ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi lao dốc 1,6% vào quý I. Như vậy, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ghi nhận 2 quý giảm liên tiếp.
Còn tại Trung Quốc, theo Cục Thống kê Quốc gia nước này, hoạt động sản xuất tại đất nước 1,4 tỷ dân bất ngờ đi xuống vào tháng 7. Nguyên nhân là nhu cầu yếu và các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) chỉ đạt 49 điểm trong tháng 7, thấp hơn 50,2 điểm hồi tháng 6. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
Trong khi đó, PMI do S&P Global đo lường tại các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm từ 52,1 trong tháng 6 còn 49,8 vào tháng 7. Đây là lần đầu tiên PMI của khối này giảm xuống dưới ngưỡng 50 kể từ tháng 6/2020.
Lo ngại suy thoái tại Mỹ và khó khăn tại Trung Quốc có thể đẩy giá xuống dưới mức 90 USD/thùng (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, ông Kumar cũng cho rằng nhu cầu dầu mỏ có thể được hỗ trợ từ khí đốt tự nhiên đang có giá cao kỷ lục. Điều này đang thúc đẩy người tiêu dùng công nghiệp chuyển sang sản xuất bằng dầu lửa.
Thật vậy, thành phố Munich của Đức tuần trước đã khởi động lại các đơn vị đốt dầu tại hai nhà máy điện trong nỗ lực giảm tiêu thụ khí đốt theo kế hoạch của EC về việc cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trên toàn Liên minh châu Âu. Mang tính chính trị và không bắt buộc, chương trình kêu gọi người dân các nước EU điều chỉnh hoạt động của lò sưởi và máy điều hòa không khí trong 6 tháng tới.
Giá khí đốt của châu Âu đã ghi nhận mức cao kỷ lục lên tới 3.900 USD/1.000 mét khối vào đầu tháng 3 năm nay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn dữ liệu của sàn giao dịch ICE London cho biết giá khí đốt trung bình ở châu Âu trong tháng 7 đã tăng gần 50% - từ 1.180 lên 1.805 USD/1.000 mét khối. Còn các hợp đồng khí đốt tương lai giao dịch trong khoảng 1.530-2.385 USD/1.000 mét khối. Hồi tháng 7 năm ngoái, giá chỉ ở mức dưới 500 USD/1.000 mét khối.
Trong khi đó, giá dầu gần đây đã giảm bớt bởi những lo lắng về kinh tế khi nhiều nhà phân tích và chính trị gia khác nhau tranh luận về việc liệu Mỹ có rơi vào suy thoái hay không.
Nhìn chung, những lo lắng về Mỹ và Trung Quốc vẫn là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm trong thời gian gần đây, cùng với dự đoán về cuộc họp OPEC trong tuần này.
Tham khảo: Bloomberg, Oilprice