MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu freelancing có thể thay thế được việc làm công ăn lương trong tương lai?

22-08-2017 - 14:00 PM | Sống

Ngày nay, những người làm tự do chiếm 35% lực lượng lao động ở Mỹ. Ở EU, con số này là 16,1%. Cả hai con số này đều cho thấy xu thế chung toàn cầu: từ các doanh nhân sáng tạo cho đến những người được trả tiền theo nhiệm vụ, freelancing đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Một nguyên nhân giải thích cho xu hướng này là sự phát triển không ngừng của “gig economy” – nền kinh tế tự do. Freelancing có thể được coi là biểu tượng của nền kinh tế này khi nó thường được miêu tả với những tính từ như tự do, tự chủ và hấp dẫn, nhưng trong thực tế, công việc này còn phức tạp hơn rất nhiều.

Ở các nước OECD, các nghiên cứu chỉ ra rằng những freelancers thường làm việc chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ (50% nam giới và 70% nữ giới). Phần còn lại làm tất cả các việc từ trợ lý trực tuyến đến kiến trúc sư, thiết kế và nhiếp ảnh gia.

Từ tầng lớp sáng tạo cho đến lao động thời vụ

Một nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn những freelancers ở các nước OECD là “slashers”, nghĩa là công việc tự do theo hợp đồng của họ bổ sung cho các vị trí bán thời gian hoặc toàn thời gian khác mà hiện tại họ đang làm việc.

Những khoản thu nhập bổ sung này có thể khác nhau đáng kể. Những người dành ra vài giờ/tháng để biên tập các tờ hướng dẫn sử dụng thì chỉ có thể kiếm được một vài trăm Euro/tháng. Trong khi đó các chuyên gia trị liệu tự do có thể kiếm được thu nhập gấp 10 lần so với làm toàn thời gian trong ngành nghề đang phát triển này.

Có lẽ bộ mặt đại diện cho freelancing phải là tầng lớp sáng tạo, một nhóm những người lao động năng động, có trình độ cao và có tính toàn cầu hóa với chuyên môn trong các ngành như truyền thông, thiết kế, nghệ thuật và công nghệ…Những kiến trúc sư, thiết kế web, bloggers, những nhà tư vấn và các nghề ‘đón đầu xu hướng’ khác đóng vai trò của những người có ảnh hưởng tới xã hội hay “proficians” (những chuyên gia).

Theo nhà kinh tế học Douglas McWilliams, thì nhóm chuyên gia này ở London là một phần của “flat-white economy” (nền kinh tế cà phê hơi và sữa), một thị trường hưng thịnh dựa trên sự sáng tạo kết hợp với các cách tiếp cận sáng tạo tới kinh doanh và lối sống. Do địa điểm làm việc của các freelancers thường là các quán cà phê, nên đồ uống này được coi là một trong những biểu tượng cho nền kinh tế flat-white.

Những freelancers có thể tương đối thành công trong công việc tự do của mình với nhiều dự án khác nhau và một danh mục khách hàng lớn. Đối với McWilliams, họ có thể là đại diện cho tương lai thịnh vượng của Vương quốc Anh.

Ngoài nhóm chuyên gia, thì freelancers còn có thể được xếp vào một nhóm khác là “precarians” (lao động thời vụ). Những thành viên của nhóm này cũng làm việc chăm chỉ, nhưng nhận được ít sự tôn trọng hơn. Họ thực hiện những nhiệm vụ lặp đi lặp lại trong thời gian dài, thường cho một nền tảng trực tuyến đơn lẻ như Mechanical Turk của Amazon. Hầu hết, các nhiệm vụ của họ không đòi hỏi trình độ chuyên môn và sáng tạo cao, và do đó, họ dễ dàng bị thay thế bởi một người khác.

Tính ổn định việc làm cho những người trợ giúp trực tuyến này không được đảm bảo. Và mặc dù họ thường làm việc cho một công ty giống như những nhân viên bình thường, thì họ gần như chắc chắn không được hưởng lợi ích nào.

Giữa tầng lớp sáng tạo và những người vất vả tìm các nhiệm vụ trực tuyến để trang trải cuộc sống, có rất nhiều người nằm giữa 2 nhóm này: Các bloggers với niềm đam mê viết lách nhưng phải nỗ lực để kiếm sống; những người trợ lý trực tuyến hài lòng với công việc của mình thay vì phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp trước đây; những sinh viên kiếm thêm một vài Euro bằng cách trở thành thiết kế đồ họa vài giờ/tuần.

Freelancers tạo thành một bộ phận những người lao động đa dạng với trình độ học vấn, động lực, tham vọng, nhu cầu và tinh thần sẵn sàng làm việc khác nhau.

Hành trình tìm kiếm tự do…và thu nhập

Freelancing đang ngày càng trở thành một sự lựa chọn phổ biến khi nhiều người mong muốn được thoát khỏi một ngày làm việc kéo dài từ 8 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều.

Nhiều freelancers, dù công việc là gì, có thể đã chọn cách thức làm việc này vì nó cho phép (hoặc dường như cho phép) sự tự do – tự do làm việc bất cứ lúc nào và trong một số trường hợp thì là ở bất cứ đâu. Chỉ 37% freelancers hiện nay ở Mỹ phải làm việc tự do do tình thế bắt buộc; vào năm 2014, con số này cao hơn, ở mức 47%.

Tất nhiên, đây không phải là dấu chấm hết dành cho những người làm công ăn lương. Làm việc toàn thời gian tại công ty vẫn là tiêu chuẩn việc làm ở hầu hết các nước phương Tây.

Tuy nhiên, với sự phát triển của tự động hóa và làm việc từ xa và tiềm năng không giới hạn của crowdsourcing (hình thức giao cộng việc cho một cộng đồng hoặc một nhóm người), thì có lý do để tin rằng sẽ ngày càng có nhiều công ty bắt đầu hoạt động, thậm chí phát triển kinh doanh với số lượng nhân viên ít hơn đáng kể so với hiện tại.

Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với sự gia tăng tình trạng thất nghiệp. Thay vào đó, thị trường lao động khả năng cao sẽ có nhiều freelancers hơn. Sự phát triển của freelancing có thể là một chỉ số quan trọng cho tương lai của việc làm, đặc biệt là trong việc hợp tác. Freelancers đã và đang đồng quản lý các dự án. Chẳng bao lâu sau, họ cũng sẽ tham gia sản xuất, liên lạc và hợp tác với các công ty, khách hàng và xã hội nói chung.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng tạo ra những khó khăn nhất định. Vì họ không phải là một nhóm những người lao động đồng nhất, nên việc quản lý những nhà quản lý mới này sẽ không đơn giản.

Hiện tại, không có một hệ thống bảo vệ xã hội duy nhất nào tương ứng với tất cả các freelancers, từ những người dọn nhà và lái taxi cho đến các kiến trúc sư và biên tập viên tin tức. Làm thế nào để những cá nhân này có thể tạo thành nhóm và làm việc với nhau để thúc đẩy và bảo vệ lợi ích việc làm đa dạng của họ?

Theo K Nguyễn

Thời Đại

Trở lên trên