Bay lên sao Hỏa, Ấn Độ nhấn nút cho cuộc đua không gian châu Á
Vào 14g38 trưa thứ ba 5.11 (giờ địa phương), Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) phóng con tàu Mangalyaan (theo tiếng Hindi là “Tàu sao Hỏa”) từ Shriharikota, một hòn đảo nhỏ ở bờ biển phía nam Ấn Độ.
- 31-10-2013Vì sao KFC và Pizza Hut chán Trung Quốc, bỏ sang Ấn Độ?
- 31-10-2013Bên trong xưởng sản xuất súng thủ công ở Ấn Độ
- 21-09-2013Doanh nghiệp ở Ấn Độ bị bắt buộc phải làm từ thiện
- 09-09-2013Kinh tế suy hay không, dân Ấn Độ vẫn mua vàng
Nội dung nổi bật:
- Ấn Độ hiện chi 68 tỉ rupee (1,1 tỉ USD) mỗi năm cho chương trình không gian và hiện có 20 vệ tinh viễn thông trong quỹ đạo. Những mục tiêu của chương trình không gian Ấn Độ bao gồm viễn thông và giáo dục thông qua vệ tinh, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua công nghệ viễn thám,...
- Dù vậy, ý kiến chỉ trích cho rằng, một nước có hơn 350 triệu dân với thu nhập dưới 1,25 USD/ngày và một phần ba dân số thiếu điện nên tập trung vào các vấn đề ở trên mặt đất hơn.
- Bay lên Hành tinh Đỏ trước Trung Quốc rõ ràng là một tính toán lớn của New Delhi, chứng tỏ năng lực công nghệ của Ấn Độ có thể đứng cạnh Mỹ, Nga và EU trong thám hiểm liên hành tinh trước Trung Quốc.
Theo kế hoạch, Mangalyaan sẽ mất 300 ngày di chuyển qua 485 triệu dặm để đến quỹ đạo sao Hỏa, và sẽ hợp cùng 2 tàu tự hành và 2 con tàu NASA bay theo quỹ đạo và một vệ tinh châu Âu đang thám hiểm sao Hỏa.
Cho đến nay, khoảng 2/3 sứ mạng sao Hỏa thất bại, nhiều con tàu trong đó không thể rời khỏi quỹ đạo Trái đất và phần lớn những chuyến bay khác thậm chí không cất cánh thành công.
Một sứ mạng sao Hỏa của Nhật năm 2003 đã không thể đưa vệ tinh vào quỹ đạo sao Hỏa. Thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc vào 2011 cũng thất bại, khi tàu không gian không người lái Phobus-Grunt của Nga mang theo tàu thăm dò sao Hỏa Yinghuo-1 của Trung Quốc rơi trở lại Trái đất. Trung tâm Khoa học không gian quốc gia Trung Quốc được dẫn trên truyền thông Trung Quốc rằng Trung Quốc sẽ không thử nghiệm một chuyến đi khác lên sao Hỏa ít nhất là cho đến 2016. |
Nếu sứ mạng Mangalyaan thành công, đây sẽ là một bước nhảy vọt về công nghệ, đẩy Ấn Độ vọt lên trước các đối thủ Trung Quốc và Nhật trong lĩnh vực thám hiểm liên hành tinh, trở thành nước châu Á đầu tiên đến sao Hỏa và nước thứ 4 trên thế giới sau Liên Xô, Mỹ và châu Âu.
Dù vậy, ý kiến chỉ trích cho rằng, một nước có hơn 350 triệu dân với thu nhập dưới 1,25 USD/ngày và một phần ba dân số thiếu điện nên tập trung vào các vấn đề ở trên mặt đất hơn.
Chính phủ Ấn Độ khẳng định là các sứ mạng không gian của họ rẻ hơn nhiều so với những sứ mạng ở nơi khác. Thử nghiệm lần này tốn 73 triệu USD, khoảng 1/10 so với chi phí của NASA dành cho những chương trình tương tự, ví dụ vệ tinh Maven 671 triệu USD của NASA dự kiến khởi hành cũng trong tháng 11 này.
Bên ủng hộ thì chỉ ra những lợi ích dân sự của chương trình không gian, như là dự báo khí tượng cải thiện, thúc đẩy chính phủ di tản 1 triệu dân từ những vùng dọc bờ biển Đông Nam trước một cơn lốc xoáy lớn tháng rồi, cứu sống hàng ngàn người.
Thực tế, chương trình không gian của Ấn Độ không bắt đầu với những tham vọng lớn. Vikram Sarabhai, một trong những lãnh đạo đầu tiên của chương trình không gian Ấn Độ vào đầu thập niên 1960, cho biết, “Ấn Độ không mơ tưởng cạnh tranh với các nước tiên tiến trong thám hiểm mặt trăng, các hành tinh hay các chuyến bay không gian có người”.
Theo K.Radhakrishnan, chủ tịch ISRO: “Đưa một con tàu không gian lên sao Hỏa sẽ đem LẠI danh tiếng cho Ấn Độ, nhưng chúng tôi còn làm điều này cho chính chúng tôi. Động lực chính của khoa học không gian ở Ấn Độ luôn nhằm vào con người, đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.”
Ấn Độ hiện chi 68 tỉ rupee (1,1 tỉ USD) mỗi năm cho chương trình không gian và hiện có 20 vệ tinh viễn thông trong quỹ đạo. Những mục tiêu của chương trình không gian Ấn Độ bao gồm viễn thông và giáo dục thông qua vệ tinh, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua công nghệ viễn thám (remote sensing), dự báo thời tiết, phát triển các vệ tinh bản địa và phương tiện phóng vệ tinh.
Tuy nhiên, theo Rajeswari Pillai Rajagopalan, chuyên gia an ninh không gian tại Hiệp hội Nghiên cứu quan sát ở New Delhi: “Lập luận "bánh mì hay là súng" là có thực với Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ không sống giữa một khu vực hiền lành.”
Cho dù Ấn Độ tập trung sử dụng thám hiểm không gian vào mục đích hòa bình, nhưng có một kiểu chạy đua vũ trang ở châu Á, nhất là từ tháng 1.2007, khi Trung Quốc thử nghiệm thành công một tên lửa chống vệ tinh. Thử nghiệm này dẫn đến một tranh cãi mới trong cơ quan tình báo và cộng đồng chiến lược Ấn Độ về chính sách chống quân sự hóa không gian kiểu cũ, tạo áp lực để Ấn Độ phát triển riêng một hệ thống chống vệ tinh. Cho dù Ấn Độ chưa chứng tỏ khả năng này, cơ quan khoa học cho thấy họ đã có sẵn đội ngũ công nghệ một khi có một quyết định chính trị cho phép.
Hồi tháng 8, Ấn Độ phóng vệ tinh quân sự đầu tiên, thu thập tình báo hải quân, giữa lo ngại ngày càng nhiều về sự hiện diện ở Ấn Độ Dương của hải quân Trung Quốc.
Sứ mạng sao Hỏa là một dấu hiệu của cuộc đua không gian Ấn-Trung. Bay lên Hành tinh Đỏ trước Trung Quốc rõ ràng là một tính toán lớn của New Delhi, chứng tỏ năng lực công nghệ của Ấn Độ có thể đứng cạnh Mỹ, Nga và EU trong thám hiểm liên hành tinh trước Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Nhật, Trung Quốc và Ấn Độ - hợp tác với NASA của Mỹ– đã phóng vệ tinh lên mặt trăng. Trung Quốc cũng đã đưa phi hành gia vào quỹ đạo Trái đất và tiến hành các chuyến đi trong không gian.
Cho đến nay nhiều nước đã sử dụng không gian cho cái gọi là ứng dụng quân sự thụ động như là viễn thông và do thám, nhưng ngày càng có một xu hướng “vũ khí hóa” không gian.
Chương trình Tấn công Nhanh Toàn cầu của Mỹ, bao gồm sử dụng các tên lửa tầm xa và các phương tiện siêu thanh qua không gian, đã tạo cảm tưởng rằng Mỹ đang vũ khí hóa không gian, có thể khiêu khích Nga và Trung Quốc phản ứng, châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang rộng lớn hơn trong không gian.
GS Ram Jakhu tại Viện Luật Hàng không và không gian tại ĐH McGill ở Canada cho rằng, cuộc đua không gian giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật khác với cuộc đua không gian Xô-Mỹ, bởi vì “trong chừng mức nào đó, đây là về một sự đổ xô tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên. Sứ mạng sao Hỏa của Ấn Độ đối với thế giới là một dấu hiệu về sự bình đẳng, nỗ lực và năng lực tìm kiếm tài nguyên.”
Theo VÕ PHƯƠNG
Sài Gòn tiếp thị/WSJ, FIRST POINT