Thậm chí, những ngôi nhà tranh vách đất của người nông dân khó nghèo có tuổi đời trên trăm năm,nhờ chăm chỉ làm ăn mà có, cũng hiện hữu trong khu vườn. Ở đó có nhiều vật dụng phục vụ cuộc sống, sản xuất hàng ngày như đôi quang gánh, thúng mủng, thuyền đánh bắt cá, cối xay, cối giã gạo... Tất cả gần như còn nguyên vẹn, được trưng bày để thế hệ hôm nay nhớ về quá khứ một thuở nghèo khó của cha ông.
Bên cạnh đó, khu vườn còn in bóng những ngôi nhà “độc” do bàn tay tài hoa của những người thợ Kim Bồng, Vân Hà xây dựng lên.
Đó là ngôi nhà hình chóp nón và ngôi nhà của đồng bào dân tộc Cơ Tu được dựng liên hoàn với nhau trong khu nhà cổ này.
Đó là ngôi nhà hình chiếc nón độc đáo có một không hai tại Việt Nam được lợp bằng hàng triệu miếng gáo dừa do cha con ông Tăng xây dựng - có tên trong sách Kỷ lục Việt Nam.
Lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh chiếc nón lá bình dị, mộc mạc gắn liền với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và toàn bộ mái nhà đều lợp bằng gáo dừa.
Nhà nón lớn nhất có đường kính 27,1m, cao 12,03m. Kết cấu mái theo hình chóp nón. Toàn bộ mái lợp của 3 ngôi nhà hình chóp nón và nhà dài Cơ Tu đều được lợp bằng vỏ gáo dừa, với hơn 8 triệu mảnh gáo dừa gép lại. Phải mất 55 ngày đêm với một toán thợ hơn 30 người làm liên tục 3 ca mới lợp xong căn nhà hình nón lớn nhất trong khu vườn.
Đó là 2 ngôi nhà bằng gỗ hình chiếc nơm cá - được xem là ngôi nhà gỗ độc nhất Việt Nam và cả thế giới nếu có cuộc so tài.
Theo mô tả của ông Lê Văn Tăng, đây là ngôi nhà mà cha con ông giành toàn bộ tâm huyết cũng như công sức để đầu tư xây dựng. Trong hai căn nhà hình chiếc nơm cá mỗi căn có chiều cao lần lượt là 4 tầng và 6 tầng. Hiện họ đã dựng xong căn nhà 4 tầng tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn.
Nếu tính thời giá hiện tại, khu vườn nhà cổ này có giá hơn 10 triệu USD. Nguyên số tiền đầu tư vào nó, ông Tăng tiết lộ, đã lên đến hơn 200 tỷ đồng.
Cùng ngắm những ngôi nhà “độc” trong khu vườn nhà cổ triệu đô của cha con ông Tăng.
Theo Vũ Trung