MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên kiêng trong 'tháng cô hồn'?

05-08-2014 - 19:00 PM |

Tháng Bảy âm lịch được người đời gọi là “tháng Ngâu”, “tháng cô hồn”, để rồi từ đó đặt ra đủ thứ kiêng khem, nào cưới vợ, nào làm nhà, nào xuất hành đi xa...

Nhìn chung, tháng Bảy âm lịch dưới mắt người đời, là một tháng khá u ám, lành ít dữ nhiều. Nhưng có đúng như vậy không?

Cái tên “tháng Ngâu” có nguồn gốc từ một câu chuyện cổ tích. Do không chịu yên phận trên chốn thiên cung nên Chức Nữ, nàng con gái rất giỏi nghề dệt (chức nghĩa là dệt) của Ngọc Hoàng thượng đế đã trốn xuống trần gian rồi nên duyên chồng vợ với một chàng chăn trâu (Ngưu Lang).

Biết chuyện, Ngọc đế nổi trận lôi đình, sai Thiên thần xuống hạ giới bắt cả hai lên trời và trừng trị họ bằng cách đày vĩnh viễn mỗi người ở một bờ Thiên Hà, mỗi năm chỉ cho gặp nhau vào tháng Bảy.

Mỗi lần gặp nhau, vợ chồng Ngâu lại khóc, nước mắt của họ nhỏ xuống trần gian biến thành những trận mưa rào, mưa rất nhanh và tạnh cũng rất nhanh. Những trận mưa đó được gọi là “mưa Ngâu”.

Còn "tháng cô hồn”? Cô hồn (linh hồn cô đơn) là hồn của những người bất đắc kỳ tử, chết đường chết chợ. Chết mà người thân không biết để hương khói, khiến những cô hồn đó trở nên đói khát, bơ vơ không nơi nương tựa.

Trong “Văn chiêu hồn”, thi hào Nguyễn Du đã nói đến những cái chết như vậy một cách vô cùng thảm thiết, gây xúc động cho hàng chục thế hệ kể từ khi áng văn bất hủ đó ra đời.

Xót thương những cô hồn bơ vơ, đói khát ấy, nên cứ tháng Bảy là đức Phật xuống trần “Rưới hạt dương chi” để cứu độ, đưa họ về thế giới cực lạc, để các cô hồn được sống một đời sống thích thảng an nhiên.

Chính vì thế mà ngày rằm tháng Bảy được gọi là ngày “Xá tội vong nhân”. Ngày mà các cô hồn được “Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ/ Phóng hào quang cứu khổ, độ u/ Khắp hòa tứ hải quần châu/Não phiền rửa hết, oán thù sạch không…”.

Và ngày ấy, dân gian cũng làm cỗ cúng các cô hồn, đốt vàng mã cho các cô hồn để “Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên”. Khắp cõi trần tràn ngập một không khí từ bi, hỉ xả…

Vợ chồng Ngâu phải xa nhau vĩnh viễn. Và tháng Bảy, với họ, chính là tháng của đoàn tụ, của hạnh phúc lứa đôi. Những giọt nước mắt họ nhỏ xuống trần gian chính là nước mắt của hạnh phúc, của sự yêu thương.

Tháng Bảy cũng chính là tháng các cô hồn được “Siêu sinh tịnh độ” để rồi “Não phiền rửa hết, oán thù sạch không”. Dân gian có câu “trần sao, âm vậy”.

Thôi thì cứ cho tôi làm tạm một so sánh thế này: Rằng việc các cô hồn được đức Phật “cứu khổ, độ u” cũng chẳng khác gì những phạm nhân được Chủ tịch nước đặc xá trong những ngày kỷ niệm lớn của quốc gia cũng như dịp Tết nguyên đán. Ngày đặc xá là ngày cả nước tràn ngập niềm vui.

Vậy thì tháng Bảy âm lịch là tháng của đoàn tụ, của sum họp, của hạnh phúc lứa đôi, tháng của lòng hỷ xả từ bi. Vì vậy nó chính là tháng tốt lành chứ đâu phải tháng xấu mà phải kiêng khem đủ thứ?

>> Các sếp địa ốc nói gì về tháng cô hồn?

Theo Vũ Hữu Sự

anhnt

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên