Con trai công tử Bạc Liêu: Cha tôi là người khởi xướng thi hoa hậu
“Vào thập niên 30, ở Đồng bằng sông Cửu Long ba tôi – Công tử Bạc Liêu là người khởi xướng đầu tiên mở cuộc thi sắc đẹp, hoa hậu miệt vườn”, ông Trần Trinh Đức nói.
- 26-05-2013Phát hiện mới thú vị về Công tử Bạc Liêu: Cả đời xài hết 5 tấn vàng thế nào?
- 26-01-2013Con trai Công tử Bạc Liêu kêu oan
- 22-01-2013Con trai Công tử Bạc Liêu lại... thất nghiệp
Người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi, mái tóc điểm bạc, ăn vận khá gọn gàng, nói chuyện cởi mở, cầm trên tay cuốn sách tuyển tập Công tử Bạc Liêu, ông kể vanh vách cho khách đến tham quan khu di tích Công tử Bạc Liêu ở 15 Điện Biên Phủ, Phường 3, TP Bạc Liêu, về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của gia đình cụ Trần Trinh Huy – Công tử Bạc Liêu.
Đó là ông Trần Trinh Đức (68 tuổi) con trai thứ 3 của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.
Ngồi bên ly cà phê trong khuôn viên của khu di tích Công tử Bạc Liêu – Nhà hàng, khách sạn Công tử Bạc Liêu rộng hàng nghìn m2, ông Đức đưa cho chúng tôi xem tập ảnh về ông nội cùng bố, mẹ và các anh chị em trong gia đình ông, kỷ niệm một thời vàng son trước đây.
Ông Trần Trinh Đức (phải) kể chuyện về giai thoại Công tử Bạc Liêu
“Tôi được nhận vào làm việc trong khu di tích này như là nhân chứng sống, một hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu cho du khách về cuộc đời, sự nghiệp, gia đình của cha tôi – ông Trần Trinh Huy – Công tử Bạc Liêu, để du khách hiểu rõ hơn về ông, tôi có bán cuốn sách viết về ông - Công tử Bạc Liêu”, ông Đức nói.
Khi được hỏi, tại sao con trai Công tử Bạc Liêu, người được coi là giàu nhất xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh trước đây bây giờ lại phải đi làm hướng dẫn viên và bán sách, giọng ông Đức buồn bã: “Cuộc sống của tôi nhiều thăng trầm lắm, có những lúc rất nhiều tiền, giàu có, sau lại trắng tay phải đi thuê nhà, rồi chạy xe ôm, thậm chí có thời kỳ tôi phải lưu lạc sang cả Campuchia để trốn nợ và nuôi cô con gái bị bại liệt”.
Vừa nói dứt lời, khuôn mặt ông Đức lại hồ hởi khi giới thiệu về bố ông – Công tử Bạc Liêu. Ông Đức kể, thời kỳ Pháp thuộc, sau khi học và thi lấy bằng thành chung, muốn lấy bằng cấp tú tài thì ba ông phải lên Sài Gòn học, tuy nhiên ba ông lại xin gia đình đi Tây du học với lý do “để học hỏi và hiểu biết nền văn minh xứ người”.
Thời gian đi Tây du học, về mặt văn hóa, Công tử Bạc Liêu với bản tính hòa hoa, phong nhã và phóng khoáng nên sau 3 năm du học bên Tây, với đầu óc tân tiến, ba ông rất xem trọng phụ nữ. Đối với ông nam nữ phải bình đẳng, ông cho rằng người phụ nữ Việt Nam không chỉ bó buộc trong bốn bức tường của căn nhà mà họ phải ra ngoài xã hội học hỏi cách giao tiếp như những quý bà ở nước ngoài.
“Vào thập niên 30 của thế kỷ 20 (năm 1930), ở Đồng bằng sông Cửu Long ba tôi là người khởi xướng đầu tiên mở cuộc thi đấu xảo sắc đẹp, hoa hậu miệt vườn. Vào những năm ấy, với ý tưởng tổ chức thi hoa hậu của ông không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận nên nhiều người cho rằng ba tôi là người sống phóng túng”, ông Đức cho hay.
Cũng theo ông Đức, khi Pháp đô hộ nước ta, là người sinh ra trong một gia đình giàu nhất xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh nên sở thích của ba ông - Công tử Bạc Liêu chỉ quan tâm đến các vũ trường, quán bar hoặc các sòng bạc chứ ba ông không tham gia bất cứ một hoạt động chính trị nào.
Ông Đức kể tiếp, năm 1947 thời Việt Minh chống Pháp, ba ông có giúp đỡ Cách mạng thông qua lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, lúc bấy giờ là ông Hai Sớm bí danh Trần Văn Phong gồm 13 ngàn giạ lúa, thuốc men, vải vóc.
“Thực hiện lời hứa với ông Bí thư Tỉnh Ủy Bạc Liêu Trần Văn Phong nên ba tôi đã không làm tay sai cho Pháp đến cuối cuộc đời. Ngoài ra, thông qua lời kêu gọi của Cách mạng ba tôi còn giảm tô cho tá điền từ 50 – 80% thậm chí 100% đói với một số tá điền có hoàn cảnh khó khăn”, ông Đức nhớ lại.
>> Trần Trinh Trạch - Đại điền chủ xứ Nam Kỳ
Theo Xuân Hải