Monet, Thành Chương và chuyện làm giàu từ văn hoá
Việt Nam không thiếu di sản, nhưng số lượng mất mát, hư hỏng vì chiến tranh, thiên tai và cả vì quan niệm sai lầm... rất lớn.
1. Cách đây vài tuần, trong lần ghé thăm Paris tôi đã có dịp đến làng Giverny, thăm nhà của hoạ sĩ bậc thầy Claude Monet (1840-1926), cha đẻ của trường phái Ấn tượng. Ngôi nhà vườn được người trong gia đình bảo quản gần như nguyên trạng và giờ đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng mỗi năm đón khoảng 500.000 du khách. Ấn tượng đầu tiên của tôi là dòng người xếp hàng khá dài và trật tự. Họ đến từ nhiều quốc gia, trong đó có khá nhiều khách đến từ châu Á như Nhật, Hàn, Trung Quốc...
Trường phái Ấn tượng là những bức tranh tràn ngập ánh sáng tự nhiên, táo bạo, thể hiện cảm xúc thực của con người. Để khẳng định một trường phái mới, danh hoạ Monet đã phải trải qua nhiều cay đắng bởi sự nghi kỵ và tẩy chay vì cho rằng trường phái này “đe doạ nghệ thuật truyền thống”. Từ năm 1900 trở đi, tiếng tăm và ảnh hưởng của ông mới lan truyền khắp châu Âu và Mỹ, tranh của ông được chào bán với giá rất cao.
Trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình, Monet đã sáng tác khoảng 2000 bức hoạ, trong đó phần lớn được thực hiện ngay trong vườn nhà-nơi ông trồng hàng nghìn loài hoa.
Khi tôi đến, tiết trời vừa vào xuân, những bông hoa như bừng tỉnh rạng rỡ chen nhau khoe sắc. Hoa ở đây được trồng xen lẫn nhau, không phân loại theo khu vực. Những cây cầu Nhật Bản bắc ngang ao như bước ra vẹn nguyên từ trong tranh của Monet. Có khác chăng là tiếng ếch kêu rất vui tai dưới những bụi hoa súng.
Tôi đã phải dành nguyên một cái thẻ nhớ 16 GB để chụp cơ man là hoa, chụp lại cảnh thật bắt chước nguyên mẫu tranh của ông cho đến khi hết pin thì thôi. Và bất chợt nhận ra rằng, chỉ có tình yêu cuộc sống, gia đình và quê hương mới có thể khiến ông miệt mài suốt 30 năm chỉ để vẽ vườn ao, vẽ hoa súng, vẽ cây cầu trong khuôn viên nhà mình. Vẽ một khung cảnh vào những thời điểm khác nhau, mùa khác nhau, năm khác nhau. Và giờ những bức tranh tưởng như rất đơn điệu đó đang ngự trị tại những bảo tàng, những bộ sưu tập danh tiếng nhất, đem lại niềm tự hào cho cả một quốc gia.
Để giờ đây, bất cứ ai yêu hội hoạ, yêu văn hoá khi đến Paris đều phải đến đây để cảm nhận một tấm lòng, một niềm say mê và tài hoa đã làm nên một tên tuổi, một trường phái hội hoạ lừng danh.
10 euro, tương đương khoảng 270.000 đồng Việt Nam, cho một tấm vé để vào xem những bông hoa “sớm nở tối tàn” có thể với một ai đó là đắt. Nhưng có những điều phải nhìn tận mắt thì mới cảm nhận được và đôi khi nó thay đổi nhãn quan của bạn, thay đổi tư duy cũ rích trong đầu bạn, thậm chí thay đổi số phận của bạn. Điều đó không đong đếm được. Nó vô giá.
2. Hôm qua mẹ tôi và các dì vừa trở về sau chuyến du lịch Thái Lan có tặng tôi một chiếc khăn lụa của Thái. Tôi còn đang giơ khăn lên ngắm nghía thì mẹ tôi bảo khăn lụa này không đẹp hơn lụa làng Vạn Phúc nhưng nó khác biệt vì được mua ở một Bảo tàng rất đặc biệt – bảo tàng mang tên một người nước ngoài là Jim Thompson. Đó là một doanh nhân người Mỹ có công quảng bá và khiến lụa Thái lan nổi tiếng khắp thế giới.
Năm 1967, ông Thompsom bị mất tích tại Malaysia và để lại cho người Thái ngôi nhà tại Bangkok xây theo kiến trúc cổ truyền bản địa. Từ đó, ngôi nhà trở thành bảo tàng trưng bày các bộ sưu tập đồ cổ của Thompson và trở thành nơi bán lụa và giới thiệu lụa do một tập đoàn quản lý.
Mẹ tôi nói là Bảo tàng này nổi tiếng lắm và được quảng bá rất mạnh, từ sân bay Bangkok đã nhìn thấy những biển quảng cáo to tướng rực rỡ hoành tráng Jim Thompson’s House. Khách quốc tế đến nườm nượp, mẹ bảo phải xếp hàng chờ một tiếng đồng hồ mới đến lượt. Ấy thế mà ai đến cũng hài lòng về dịch vụ hoàn hảo cộng với nụ cười thân thiện, nhiệt tình, hiếu khách của đội ngũ nhân viên nên ai cũng mua một ít lụa về làm kỷ niệm. Mẹ tôi nhẩm tính với giá vé là 70.000 đồng/lượt với hàng ngàn lượt khách tham quan mua sắm lụa Thái mỗi năm, kinh doanh văn hoá sướng thật, chả lỗ tí nào.
3. Tôi đem điều này hỏi đồng nghiệp là phóng viên VOV thường trú tại Bangkok, anh cười bảo làm sao lỗ được khi loại hình này được sự đón nhận của xã hội và đằng sau đó là sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước.
Ở Việt Nam, giới sưu tập nghệ thuật không ai là không biết đến nhà sưu tập tranh nổi tiếng Đức Minh-một trong những người thuộc thế hệ sưu tập tranh đầu tiên của Việt Nam với Gallery Đức Minh tại khu biệt thự ba tầng ở 53 phố Quang Trung, Hà Nội.
Là người am hiểu, tinh tường, ông Đức Minh đã có một bộ sưu tập đồ sộ hầu hết tranh của những danh hoạ hàng đầu Việt Nam. Với mong muốn gìn giữ, chắt lọc những tinh tuý về nghệ thuật hội hoạ cho đời sau, ông Đức Minh khi sinh thời đã đề nghị cống hiến toàn bộ sưu tập cho bảo tàng nhà nước chỉ với một điều kiện nhỏ là giữ nguyên tên Đức Minh cho bộ sưu tập.
Điều kiện không được chấp nhận đồng nghĩa với việc bộ sưu tập đồ sộ có một không hai được “chia năm xẻ bảy” cho con cái, bị bán dần và ngôi nhà kỷ niệm cũng bị bán đi, bị phá dỡ xây mới. Cuối cùng may mắn thay, có một người con quyết định nối nghiệp cha. Đó là anh Bùi Quốc Chí. Anh hiện là chủ nhân phòng tranh mang tên Đức Minh ở TP HCM. Sau hơn 20 năm sưu tập, anh đã có trên 500 bức tranh quý hiếm, nhưng cũng chưa bằng phân nửa bộ sưu tập của cha.
Chỉ khi nối nghiệp cha, anh Bùi Quốc Chí mới thấm thía rằng “nhà sưu tập, ngoài sự am hiểu, nhìn xa, dự đoán, sẵn sàng làm bà đỡ… còn phải như một ông từ cần mẫn, chăm chút, trông coi, gìn giữ và nâng cao cho nghệ thuật nước nhà”.
4. Tôi nhớ đến câu chuyện của ông Đức Minh là bởi cuối tuần trước, khi uống cà phê với Thành Chương, anh cũng rất tâm tư khi bày tỏ nguyện vọng muốn tìm đối tác hiến tặng Việt Phủ Thành Chương sau 13 năm miệt mài dốc toàn bộ gia sản và tâm huyết xây dựng. Thành Chương và vợ, người đẹp Ngô Hương, cho rằng việc duy trì như hiện nay chưa xứng với giá trị của nó nhưng vợ chồng anh lại không thể tiếp tục đầu tư thêm được nữa.
Trước kia gia đình anh đã từng lập công ty rồi bán vé tham quan để hi vọng thấy thu bù chi “tự nó nuôi nó” nhưng rồi phải giải thể vì thua lỗ, vì định kiến và vì không được sự ưu đãi nào về thuế từ phía nhà nước. Thành Chương không muốn trở thành một Đức Minh thứ hai bởi có thể các con anh chưa chắc đã cai quản và phát huy tốt Việt phủ Thành Chương-một cơ ngơi đã trở thành giá trị tinh thần chung của xã hội.
Việt Nam không thiếu di sản, nhưng số lượng mất mát, hư hỏng vì chiến tranh, thiên tai và cả vì quan niệm sai lầm của con người là vô cùng lớn. Nhiều di sản đã mất hoàn toàn, tuyệt đối, mà không cách gì lấy lại được.
“Mỗi khi ra nước ngoài, nhìn người lại ngẫm đến ta. Tôi thấy di sản của cha ông mình còn lại ít quá. Ý thức được điều đó nên phải nghĩ lâu dài hơn, là tìm cách để khi mình không còn nữa, thì nó vẫn còn mà không chết theo mình” – Thành Chương đăm chiêu.
Theo Mỹ Trà