MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Phố báo chí” Sài Gòn trước 1975: Đệ nhất thiên đường của cánh phóng viên quốc tế

08-05-2013 - 15:22 PM |

Có rất nhiều điều thú vị về đời sống báo chí Sài Gòn trước 1975 mà không phải ai cũng được tiếp cận. Đơn cử như chuyện về những con phố, những “trung tâm” báo chí tại Sài Gòn những năm trước giải phóng. Tìm về những nơi chốn giờ đã vào lịch sử này, để thấy được người xưa đã làm báo như thế nào. Những câu chuyện hậu trường làm nghề thú vị cũng theo đó được gợi mở dần.

Trong mắt nhìn của giới truyền thông quốc tế tại Sài Gòn trước năm 1975, những nơi như khách sạn Caravelle, quán cà phê Grival… có thể xem là “đệ nhất thiên đường”. Bởi tại những nơi này, cánh phóng viên không chỉ được thưởng thức cảnh trí view đẹp thuộc hàng nhất nhì Sài Gòn, mà còn có cơ hội “tám chuyện”, đủ thứ hỉ nộ ái ố của chuyện làm báo thời chiến.

Những người “để tám”

Nói về những nơi chốn “kinh điển” để cánh phóng viên “tám chuyện” thì trước hết phải nói qua về những người đóng vai trò chính yếu trong những “cuộc buôn” bất kể ngày giờ ấy. 

Khi cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam đến hồi gay cấn (giai đoạn từ năm 1971-1975), cũng là lúc đất Sài Gòn chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của cánh phóng viên quốc tế. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng đông nhất, vẫn là từ nước Mỹ và phương Tây- nơi mà công chúng báo chí- đang ngóng đợi nhiều nhất về những tin tức chiến sự tại miền Nam Việt Nam. 

Có lẽ bởi cả nhu cầu thông tin lẫn tiềm lực kinh tế mà hầu hết các cơ quan báo chí có văn phòng hay phóng viên đại diện tại Sài Gòn đều là các hãng thông tấn lớn. Đơn cử như hãng thông tấn AP, các kênh truyền hình như ABC, NBC, CBS, tạp chí Time, Newsweek, thời báo New York Times... 

Trong số đó, AP và CBS có đội quân hùng hậu và chuyên nghiệp nhất. Họ cũng là hai trong số không nhiều các cơ sở truyền thông đặt hẳn văn phòng đại diện tại Sài Gòn trong khoảng thời gian dài. Số lượng cây viết kì cựu tại AP lên tới con số chục: Peter Arnett, Horst Faas, Neal Ulevich, Dirck Halstead, Richard Pyle (Gòn năm 1964-1968), George Esper, Hugh Mulligan, trưởng đại diện AP tại Sài Gòn từ 1970 đến 1973), Seymour Topping, Malcolm Browne (trưởng đại diện AP Sài Jurate Kazickas, Edith Lederer... 

Không kém phần đông đảo là đội ngũ phóng viên tại văn phòng hãng CBS tại Sài Gòn: Brian Ellis, Ed Bradley, Bill Plante, David Green, Bob Simon, Ken Wagner… Văn phòng đại diện của kênh truyền hình CBS tại Sài Gòn trong nhiều năm là một trong 3 văn phòng đại diện được trang bị tốt nhất của CBS. 

Có thời điểm để đảm bảo không bỏ sót một sự kiện chiến sự nào, lãnh đạo CBS không quản ngại tốn kém đã cử cùng một lúc 5 đoàn quay phim với những máy quay hiện đại nhất, tay máy thiện nghệ nhất tới Việt Nam. 

Ngoài những phóng viên “có số có má” như đã kể ở trên, còn số lượng không ít những người, nói thẳng ra, là chỉ “đeo mác” nhà báo chứ không hơn. Họ là lính “đánh thuê” cho các tòa báo, không có tấm thẻ nhà báo, không qua các lớp đào tạo, huấn luyện nghiêm ngặt. Chỉ cần có thị thực (con dấu do viên chức nước ngoài đóng lên hộ chiếu để cho biết người cầm hộ chiếu có thể vào, đi qua hoặc rời nước của họ) và một lá thư giới thiệu từ người tuyển dụng là họ đã có dịp thể hiện mình tại các trung tâm báo chí thuộc quân đội Mỹ ở Sài Gòn.

Caravelle - nơi của những “óc tưởng tượng”

Khách sạn Caravelle SaiGon là một khách sạn 5 sao nằm ở số 19, Công Trường Lam Sơn, P.Bến Nghé, Quận 1, giữa khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Khách sạn bắt đầu xây dựng vào năm 1957, và mở cửa hoạt động khai trương vào đêm giáng sinh năm 1959.

Với vị trí tuyệt vời đối diện với Nhà hát thành phố, Caravelle được liệt vào danh sách những khách sạn danh tiếng và tuyệt vời và tốt nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Và chính Caravelle là nơi được cánh báo chí quốc tế trước năm 1975 “để mắt” tới nhiều nhất. 

Có lẽ bởi từ sân thượng khách sạn ở trên tầng thứ 10, các nhà báo có thể quan sát những cuộc biểu tình, những cuộc đảo chính diễn ra trước Quốc hội (nay là Nhà hát Lớn) hoặc Dinh Độc lập (bây giờ là Dinh Thống Nhất). 

Sau khi quan sát xong, các nhà báo có thể dùng cầu thang đi về văn phòng của mình, được thuê dài hạn bên trong khách sạn hoặc ở các khách sạn gần đấy, để viết bài tường trình và gửi về cho các tòa soạn hoặc các đài ở New York, London hay Tokyo. 

Đơn cử hãng truyền hình CBS của Mỹ đặt văn phòng ở Caravelle. Mỗi khi thu xong một câu chuyện để phát hình, đài có người ôm hộp phim nhựa cấp tốc chạy ra phi trường Tân Sơn Nhất, gửi hộp phim nhựa theo một chuyến bay gần nhất của hãng Pan Am hoặc United đem về Mỹ. 

Caravelle còn là nơi các báo thường tổ chức họp báo. Tháng 4/1960, có 18 nhân vật trí thức miền Nam tổ chức họp báo tại khách sạn Caravelle để công khai xác nhận họ là một nhóm đối lập với Chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm và ra tuyên ngôn kêu gọi Chính phủ phải có những cải cách.

Ngoài việc là chốn tác nghiệp của cánh phóng viên “siêu sang”, Caravelle còn là nơi tám chuyện trên trời dưới bể của cánh nhà báo rỗi rãi. Đông đúc hơn cả chính là là số phóng viên “đeo mác” nhà báo đã nói để trên. 

Sự lười biếng và cả hèn nhát đã khiến họ chấp nhận làm phóng viên salon, suốt ngày quanh quẩn xung quanh các khách sạn như uống rượu, tán chuyện, chơi bời, rồi tạo nên những bài viết về chiến tranh, không phải từ thực tế xông pha chiến trường, mà nhờ… óc tưởng tượng.

Hoài niệm Givral

Vào dịp 30/4/2010, trong cuộc "Hội ngộ Sài Gòn" của các cựu phóng viên chiến trường Mỹ và phương Tây, một chủ đề hay được họ nhắc tới, thậm chí có lúc xôn xao, là sự kiện quán cà phê Givral (nằm trên góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi ở trung tâm quận 1, Tp.HCM) sẽ bị đập đi cùng với toà nhà Eden. Không ít người trong số họ đã tranh thủ tới ghi lại những hình ảnh cuối cùng về một Givral "lịch sử và huyền thoại".

Trong thời gian chiến tranh, tiệm cà phê - bánh ngọt Givral ở ngay góc đường Lê Lợi và phố Đồng Khởi, mà đa phần phóng viên thời đó vẫn gọi là đường Catinat, là điểm hẹn của các nhà báo, điệp viên, nhân viên phản gián, sỹ quan và đám người xoay quanh một nhóm những cá nhân được cho là thạo tin. 

Đó không phải là nơi tìm các chủ đề giật gân hay để tung tin giả. 

Đó là khoảnh khắc thư giãn của những người bạn thân vào cuối các buổi chiều, sau khi đã trải qua một ngày viết lách mệt mỏi hay một chuyến đi địa phương với những giờ phút căng thẳng mà người ta gọi là "mặt trận".

Quen thuộc tới mức cà phê Givral đã được các phóng viên đặt tên mới là Radio Catina.

Một trong những người khách quen của các buổi gặp gỡ này là một nhà báo người Việt làm cho tạp chí Time Magazine mà Văn phòng nằm tại tầng một của Khách sạn Continental, phía bên kia đường Đồng Khởi, hồi đó được gọi là đường Tự Do (tên đường phố ở Việt Nam thay đổi theo chế độ và nó chỉ ổn định sau năm 1975). Người đó nhà báo- điệp viên Phạm Xuân Ẩn. 

Một giai thoại: một thời gian dài sau khi chiến tranh kết thúc, ông Ẩn được phong cấp tướng và nhiều nhà báo phương Tây đã gọi ông là "Tướng quân Givral", một biệt danh tồn tại cho đến khi ông qua đời vào năm 2006.

Có thể nói nếu La Pagode là nơi của giới nghệ thuật, thì Givral là nơi của báo giới trong và ngoài nước trước 1975.

Theo Hồng Sâm

kyanh

Nhà báo & Công luận

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên