Trong tháng vừa qua, thử thách xô nước đá để gây quỹ hỗ trợ Chương trình nghiên cứu bệnh Xơ cứng teo cơ (ALS) của tổ chức ALSA đã làm mưa làm gió trên các mạng xã hội.
Cách tham gia rất đơn giản, mỗi cá nhân sẽ đăng clip ghi lại cảnh dội nước đá lên đầu lên mạng xã hội, sau đó thách thức một người khác hành động tương tự trong vòng 24 giờ.
Theo luật chơi ban đầu, người bị thách thức có thể chọn dội nước đá hoặc quyên góp tiền cho tổ chức ALSA, nhưng sau này hầu hết những người tham gia đều đồng ý làm cả hai việc.
Thử thách này đã thu hút sự tham gia của đông đảo các ngôi sao truyền hình, lãnh đạo công ty cũng như chính khách trên toàn thế giới, phải kể đến cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, diễn viên Ben Affleck, nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, Giám đốc điều hành General Electric Jeff Immelt…
Nhưng suy cho cùng, đây chỉ là một trào lưu, và trào lưu nào cũng có lúc chìm xuồng, nhường chỗ cho những xu hướng khác.
Nhưng thử thách với tổ chức ALSA thì mới chỉ bắt đầu.
Tính đến ngày 29/8, thử thách xô nước đá đã mang về cho ALSA 41,8 triệu USD, giúp phục vụ nghiên cứu phương pháp chữa trị chứng xơ cứng teo cơ một bên, một căn bệnh ảnh hưởng đến tế bào thần kinh trong não và tủy sống.
Con số này cao hơn 21 lần so với khoản 2,1 triệu USD ALSA gây quỹ được trong cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn 2 lần so với tổng khoản tiền tổ chức này kêu gọi được trong cả năm 2013.
Theo thông tin ALSA tiết lộ với tạp chí Fortune, chỉ tính riêng trong thứ Tư ngày 27/8, đã có hơn 10 triệu USD được quyên góp.
Vậy thì câu hỏi được đặt ra hiện giờ là: ALSA sẽ tiêu núi tiền đó như thế nào?
Không bắt buộc phải tiêu (!)
Với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận, ALSA theo nguyên tắc không bị rằng buộc về mặt pháp lý để tiêu hết khoản tiền khổng lồ này, ông Thad Calabrese – giáo sư chuyên về quản trị phi lợi nhuận tại đại học New York chỉ ra.
Tuy nhiên, dư luận và các nhà hảo tâm trông đợi điều ngược lại, họ muốn tổ chức này tận dụng khoản tiền vừa kêu gọi được.
Bill Gates cũng tham gia "thử thách xô nước đá".
Với mục tiêu đảm bảo sự minh bạch và giáo dục nhận thức đối với các quỹ từ thiện, những nhóm hoạt động đạo đức như Charity Navigator, Better Business Bureau và Charity Watch đã đề ra bộ quy tắc nhất định đối với những tổ chức tương tự ALSA, quy định tỷ lệ doanh thu cần được chi vào triển khai hoạt động từ thiện, đồng đánh giá các hoạt động dựa theo mức độ tuân thủ.
Các quỹ phi lợi nhuận thường phải tuân theo các tỷ lệ nhất định, phân chia phần trăm của khoản quyên góp vào công tác quản lý, công tác gây quỹ và công tác lên chương trình, bao gồm nghiên cứu và giáo dục nhận thức.
Mặc dù có cách tính toán khác nhau, ba tổ chức trên đều thống nhất cho rằng phần lớn khoản doanh thu cần được chi vào triển khai chương trình, tỷ lệ doanh thu được Charity Navigator đề xuất là 75%, con số này lần lượt là 65% và 60% tại Better Business Bureau và Charity Watch.
Theo tài liệu lưu trữ, ALSA tuân thủ khá sát các thước đo trên trong quá khứ. Báo cáo từ tổ chức Charity Watch cho thấy trong năm tài khóa 2013, ALSA đã được chấm điểm 4/5 sao, với 72% doanh thu đổ vào triển khai chương trình và các dịch vụ từ thiện, 11% thanh toán chi phí quản lý, các chi phí gây quỹ tiêu tốn 16%.
Nhiệm vụ bất khả thi
Để có thể tái chi tiêu theo tỷ lệ như năm trước, ALSA sẽ phải dành ra hơn 30 triệu USD vào công tác nghiên cứu và giáo dục nhận thức về bệnh ALS từ giờ cho tới cuối năm tài khóa 2014.
Đây là một kế hoạch gần như bất khả thi đối với ALSA.
Cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush tham gia thử thách.
“Khi bất chợt thu về nhiều tiền gấp đôi ngân sách ban đầu, bạn không có cách nào để tiêu hết chúng trong cùng năm đó”, ông Lance Slaughter – Giám đốc quan hệ và phát triển tại ALSA khẳng định.
“Giả sử, một tổ chức có ngân sách 3 triệu USD mà lại kêu gọi được 10 triệu USD trong một năm, các thành viên tổ chức ấy không thể nào nghĩ ra cách tiêu cho hết ba lần ngân sách được”, ông nói.
“Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan hoạt động đạo đức, họ có nhiều kiến thức về những tình huống hiếm gặp như thế này”.
Nếu không bị đặt dưới sức ép từ hạn chót cuối năm, ông cho biết ALSA sẽ có thể lên kế hoạch kỹ lưỡng để tận dụng khoản tiền này hỗ trợ các nhiệm vụ đang được tổ chức ưu tiên: Nghiên cứu căn bệnh và các phương pháp điều trị tiềm năng, chăm sóc về mặt tinh thần đối với các bệnh nhân ALSA, và vận động đưa ra các chính sách hỗ trợ những người đang chung sống với căn bệnh này.
Đầu tháng Tám, trước khi thử thách xô nước đá diễn ra, ALSA đã xét duyệt 21 khoản tài trợ tổng trị giá 3,5 triệu USD cho các nhà khoa học tại Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Thụy Sỹ, Israel và Úc, tập trung “phát triển các phương pháp điều trị hữu hiệu cho ALS”, trưởng nhóm nghiên cứu khoa học ALSA – ông Lucie Bruijn phát biểu.
Khoản quyên góp dồi dào từ thử thách cho phép ALSA ” tiếp tục bơm tiền cho các dự án trên trong năm thứ hai và thứ ba kế tiếp”, ông Slaughter cho hay.
Ngoài ra, tiền cũng sẽ được đầu tư vào 11 phòng khám ALS mới được tổ chức lên kế hoạch khai trương trong năm nay, trước khi thử thách xô nước đá lan truyền mạnh mẽ.
Hiện ALSA đang vận hành 34 phòng khám, cung cấp các phương pháp điều trị đa ngành cho các bệnh nhân ALSA.
“Thêm phòng khám mới được mở, thêm nhiều số phận được cứu rỗi”, ông Slaughter nói. Dòng tiền quyên góp này sẽ giúp tổ chức triển khai kế hoạch thuận lợi.
Để dành hay không dành?
Thử thách xô nước đá có một đặc điểm riêng biệt khiến quá trình tiêu tiền được đơn giản hóa: Khoản 41,8 triệu USD được cá nhân quyên góp không hạn chế.
Nói cách khác, thường một quỹ từ thiện sẽ nhận quyên góp trong nhiều lĩnh vực, và một khoản tiền sẽ chỉ được tiêu đúng trong lĩnh vực nhà hảo tâm chọn, còn trong trường hợp này, tiền về tay ALSA không kèm bất kỳ điều kiện đầu tư nào.
“Đứng từ góc nhìn của một quỹ phi lợi nhuận, mọi khoản quyên góp đều đáng quý, tuy nhiên có một số khoản mang đến nhiều thuận lợi hơn những khoản khác”, ông Calabrese nói.
Người người dội nước, nhà nhà dội nước.
Trong lúc các chuyên gia tại ALSA chưa biết tiêu tiền thế nào cho… hết, thì có nhiều ý kiến đề xuất việc thành lập các quỹ nhỏ nhận vốn phân phối từ ALSA, vì rất có thể sẽ không có một “thử thách xô nước đá” thành công tương tự trong tương lai, nên khoản doanh thu có thể được dùng để hỗ trợ phát triển các tiến bộ y học trong nhiều lĩnh vực khác.
Nhận xét về ý kiến này, ông Slaughter cho biết ALSA chưa bao giờ sở hữu quỹ phân phối, tuy nhiên đây là một ý kiến nên được xem xét vì “để dành tiền” không phải là sứ mệnh của ALSA.
Có một yếu tố khác khiến kế hoạch tiêu tiền của ALSA gặp trở ngại, vì ALSA không phải là tổ chức phát động chiến dịch, nên chưa bao giờ ALSA có một tuyên bố về sứ mệnh cuối cùng.
Do đó, nếu không giải đáp thỏa mãn câu hỏi “Tiền tôi góp sẽ dùng làm gì?” từ phía các nhà hảo tâm, tổ chức này có thể sẽ gặp rắc rối.
Hội chữ thập đỏ đã có một bài học đau thương trong vấn đề này. Vào thời điểm xảy ra vụ khủng bố 11/9, tổ chức đã huy động được khoản tiền lịch sử: 564 triệu USD.
Trong khi các nhà hảo tâm đinh ninh tiền của họ sẽ được chuyển tới trợ giúp nạn nhân của vụ tấn công cùng gia đình, thì Hội chữ thập đỏ lại quyết định để dành hơn nửa số tiền cho các hoạt động trong tương lai.
Đây là một phương thức thường xuyên được tổ chức này áp dụng, nhưng trong thảm kịch năm ấy, nó đã thổi bùng cơn thịnh nộ trong nhóm các nhà hảo tâm, khiến tổ chức phải đích thân cáo lỗi trước công luận, cũng như tái lập kế hoạch sử dụng quỹ.
“Vẫn là chưa đủ”
Nhà vật lý học Stephen Hawking đã 70 năm chung sống với căn bệnh ALS.
Về phần mình, ông Slaughter cho biết ngoài việc quyên tiền cho quỹ, người tham gia thử thách xô nước đá lần này đã hiểu thêm về ALS, loại bệnh mà chỉ một năm trước đây, chưa đầy 50% người dân Mỹ biết đến.
“Tôi không biết họ có quan tâm về tiền không, những chắc chắn là họ đã biết đây là một căn bệnh cần được chữa trị. Nếu họ bỏ thời gian truy cập vào website và quyên tiền, nghĩa là họ cảm thấy chúng tôi xứng đáng được đầu tư”, ông nói.
“Bây giờ một câu hỏi được đặt ra: ‘Thế nào là quá nhiều?’. Khi chúng tôi chưa tìm ra được một phương pháp điều trị hữu hiệu trong dài hạn, chúng tôi vẫn thấy thế là chưa đủ”.
Theo Lê Phương