Linh hoạt điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng
Ngành Công Thương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đã đề ra.
- 25-01-2023Kênh KBS: Việt Nam là đối tác quan trọng của Hàn Quốc
- 25-01-2023Sẽ kiểm tra, chấn chỉnh nếu có hiện tượng một số cây xăng đóng cửa 'nghỉ Tết'
- 25-01-2023Triển vọng xuất khẩu Việt Nam năm 2023 - Bài 1: Tín hiệu tích cực
Năm 2023 được nhận định là các tác động của kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam rất rõ rệt khi độ mở cửa của nền kinh tế nước ta ngày càng lớn. Những thách thức này sẽ tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, ngành Công Thương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đã đề ra. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VTV nhân dịp Xuân Quý Mão 2023.
Thưa Bộ trưởng, xác định năm 2023 sẽ có nhiều thách thức dù năm qua kinh tế gặt hái được nhiều thành công. Thách thức lớn nhất mà Bộ trưởng lo ngại đó là gì?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Kinh tế thế giới có xu hướng tăng chậm lại và cuộc xung đột Nga - Ukraine không rõ hồi kết, sẽ khiến cho nguồn cung và giá cả các loại vật tư, nguyên liệu, nhất là năng lượng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Ngoài ra, bảo hộ mậu dịch, căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, cùng với tình hình lạm phát tăng cao, suy thoái kinh tế và sụt giảm tăng trưởng toàn cầu. Các thị trường xuất nhập khẩu lớn, thị trường truyền thống đang bị thu hẹp, tiếp cận thị trường và nguồn vốn của các doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn.
Ở trong nước, mặc dù nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi khá rõ nét nhưng các chỉ số tăng trưởng đã có những dấu hiệu chậm lại trong những tháng cuối năm 2022.
Một trong 9 nhóm nhiệm vụ mà Bộ Công Thương đặt ra từ đầu năm nhằm triển khai kế hoạch của năm 2023 là tạo động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu. Xin Bộ trưởng cho biết những ưu tiên thực hiện nhiệm vụ này là gì?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Bộ Công Thương sẽ ưu tiên tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu đó là chủ động tham mưu với Chính phủ xây dựng Chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia có chọn lọc và thực thi có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thế hệ mới.
Tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác nắm bắt, thông tin, phổ biến kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; đồng thời, góp phần định hướng sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh tạo thuận lợi hoá thương mại; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ "rào cản" kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới; đồng thời, tích cực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Bên cạnh đó, làm sao để huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp, đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng là nhiệm vụ trọng tâm. Ngành Công Thương cụ thể hoá như thế nào trong chương trình hành động, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Bộ Công Thương đã rất chủ động, trách nhiệm để tham mưu với Chính phủ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, Bộ Công Thương đang tập trung xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, trong đó nội dung cốt lõi là phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng.
Bên cạnh đó, chú trọng ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; phát triển nhanh hơn một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính "dẫn đường" nhằm từng bước tạo dựng mạng lưới vệ tinh cung cấp linh kiện phục vụ các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh chuyển đổi số, vươn lên, đủ khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ hiện đại.
Có thể nói, năm 2022 ngành Công Thương đã thành công vượt bão, đến thời điểm này chúng ta đã tích luỹ, nâng cao năng lực, sức chống chịu để sẵn sàng tâm, tầm và thế như thế nào sang năm nay, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 32 phê duyệt Chương trình hành động của Ngành triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ với 9 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể để tập trung tổ chức thực hiện ngay từ những ngày đầu năm mới.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những quy định, chính sách có tính đột phá để khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa trong đầu tư phát triển ngành.
Tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng phương châm điều hành của Chính phủ là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
VTV News