Linh hoạt điều tiết thanh khoản
Việc chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt cũng là điểm tựa vững chắc cho các TCTD đẩy mạnh hoạt động kinh doanh...
- 01-10-2019Hiện tượng thanh khoản thị trường bất ngờ không theo "thông lệ"
- 24-09-2019Thanh khoản ngân hàng đảo chiều tăng nhờ đâu?
- 22-09-2019Đề xuất mới về phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước
Một trong những thành công của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ những tháng đầu năm được các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia ghi nhận và đánh giá cao đó chính là việc NHNN đã sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là công cụ thị trường mở, để điều tiết lượng tiền cung ứng nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; trong khi vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Theo báo cáo của NHNN tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019 diễn ra hôm 1/10, đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018. Mức tăng này là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14% trong năm nay để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; song vẫn đảm bảo thanh khoản của các TCTD. Thanh khoản của các TCTD được đảm bảo chẳng những tạo điều kiện cho các TCTD đẩy mạnh tín dụng, mà còn giúp ổn định mặt bằng lãi suất, qua đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhìn lại diễn biến thị trường tiền tệ từ giữa tháng 8 đến nay cũng có thể thấy sự điều tiết thanh khoản hết sức nhịp nhàng của NHNN luôn theo sát cung - cầu thị trường và diễn biến kinh tế trong và ngoài nước.
Quả vậy, hai tuần cuối tháng 8 nhu cầu thanh khoản của hệ thống đột ngột tăng cao đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh đột biến. Thậm chí có thời điểm, lãi suất cho vay qua đêm vọt lên tới 4,8%/năm. Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, thanh khoản của hệ thống bị thiếu hụt tạm thời trong bối cảnh doanh nghiệp cần vốn để chi trả lương thưởng cho nhân viên trước dịp lễ 2/9.
Trong bối cảnh đó, NHNN liên tục bơm tiền qua thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Thậm chí từ ngày 22/8, NHNN đã dừng phát hành tín phiếu hút tiền về, đồng thời bơm ròng trở lại 13,1 nghìn tỷ đồng qua nghiệp vụ cầm cố. Tính chung trong 2 tuần cuối tháng 8, nhà điều hành đã bơm ra thị trường hơn 55 nghìn tỷ đồng, nâng tổng khối lượng bơm ròng trong tháng 8 lên 69 nghìn tỷ đồng sau khi đã hút về 35 nghìn tỷ đồng trong tháng 7. Nhờ đó, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt trở lại.
Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 9 thanh khoản của hệ thống lại đảo chiều, chẳng những đã ổn định trở lại mà có biểu hiện dư thừa đẩy lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm mạnh. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có thời điểm giảm còn 1,58%, tương đương giảm tới 2,42 điểm phần trăm so với cuối tháng 8. Khép lại tháng 9, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm về còn 2,15%, giảm hơn 1,8 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 8. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng giảm còn 2,4% và 2,6%; giảm tương ứng là 1,6 điểm phần trăm và 1,4 điểm phần trăm.
Theo các chuyên gia ngân hàng, nếu thanh khoản dư thừa ở mức hợp lý có thể giúp ổn định mặt bằng lãi suất huy động, từ đó ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; thế nhưng nếu dư thừa ở mức quá lớn sẽ tạo áp lực đến lạm phát trong thời gian tới.
Chưa kể, việc lãi suất VND giảm thấp khiến chênh lệch lãi suất VND/USD cũng liên tục bị thu hẹp. Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, trong tuần cuối tháng 9, lãi suất VND bình quân chỉ còn cao hơn lãi suất USD bình quân 0,12% ở kỳ hạn qua đêm; 0,37% ở kỳ hạn 1 tuần và 0,61% ở kỳ hạn 2 tuần. Chênh lệch lãi suất bị thu hẹp cũng đồng nghĩa lợi ích nắm giữ VND giảm sút, từ đó tạo áp lực đến tỷ giá.
Vì lẽ đó, trong 2 tuần cuối tháng 9, NHNN lại dừng nghiệp vụ cầm cố, trong khi phát hành trở lại tín phiếu để hút bớt tiền về. Tính chung trong tháng 9, nhà điều hành đã hút về 94 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, do thanh khoản của hệ thống vẫn có biểu hiện dư thừa lớn trong bối cảnh huy động vốn tăng nhanh hơn tín dụng, nên NHNN tiếp tục đẩy mạnh phát hành tín phiếu với khối lượng lớn hơn để hút tiền về trong tuần đầu tháng 10. Tính chung trong tuần, NHNN đã phát hành 86.995 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về và thay thế cho 68.997 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
“Điều này đã hỗ trợ cho các TCTD trong đảm bảo khả năng thanh khoản và giúp các biến động trong lãi suất huy động không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay trên thị trường 1”, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá.
Đó cũng chính là lý do mà các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ đạt kết quả tích cực trong bối cảnh rủi ro gia tăng. Việc chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt cũng là điểm tựa vững chắc cho các TCTD đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Kết quả cuộc điều tra “Xu hướng kinh doanh” mới nhất NHNN Việt Nam tiến hành vào tháng 9/2019 cho thấy, tình hình kinh doanh năm nay tiếp tục có cải thiện tốt, các TCTD kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay tăng cao hơn so với năm trước.
Thời báo ngân hàng