Linh vật SEA Games 31: "Kỳ lân Châu Á" - linh thú cổ xưa, bí ẩn nhất thế giới
Sao la đã tồn tại từ rất lâu trong cõi rừng già Trường Sơn, nhưng phải đến Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, linh vật cổ xưa này mới khiến nhiều người bất ngờ vì mang trong mình nhiều điều bí ẩn.
- 11-05-2022Dàn bóng hồng từng gây sốt tại SEA Games: Từ người mẫu đến thiên thần cầu lông, phá vỡ định kiến ngoại hình của con gái chơi thể thao
- 11-05-2022Đoạt liền 4 HCV, đoàn Việt Nam tăng tốc mạnh mẽ trên BXH Huy chương SEA Games
- 11-05-2022Tặng tour du lịch cao cấp cho vận động viên xuất sắc tại SEA Games 31
- 07-05-2022Cổ động viên đặc biệt U70, 20 năm làm hình linh vật SEA Games
Sao la - "Kỳ lân châu Á" lầm lũi trên dãy Trường Sơn
Ở tận thẳm sâu rừng già, những linh thú cổ xưa vẫn chọn dãy Trường Sơn - "xương sống" của bán đảo Đông Dương xưa làm nơi an ngụ. Tiến trình lịch sử của sự sống chưa bao giờ ngắt quãng ở nơi đây, chốn rừng thiêng vẫn dang tay nuôi dưỡng bao loài sinh vật từ xa xưa. Trong đó có loài Sao la được phát hiện vào 30 năm về trước tại miền Trung khiến thế giới ngỡ ngàng.
Tìm về vùng núi Vũ Quang, Hà Tĩnh, có lẽ chẳng ai xa lạ với hình ảnh Sao la. Bởi tại nơi đây, vào năm 1992, việc Bộ Lâm nghiệp Việt Nam cùng Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát hiện loài Sao la là một bước tiến dài trong lịch sử thế giới sinh vật. Mặc dù, đối với dân bản xứ, nhiều năm về trước, Sao la với họ chỉ là những con dê sừng dài.
"Sao la là một loài thú cổ đại được cho là bí ẩn nhất thế giới, chỉ tồn tại ở vùng rừng núi hoang sơ nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Lào."
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, VQG Vũ Quang
Sao la được tìm thấy như thế nào?
Sao la lần đầu tiên được tìm thấy bởi các nhà nghiên cứu qua các dấu tích còn sót lại của chúng được cung cấp bởi một người thợ săn ở Vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh vào năm 1992.
Năm 1996, người ta chụp được 1 con Sao la còn sống tại Lào. Tuy nhiên, nó đã chết vài tuần sau đó.
Đến tháng 10 năm 1998, hình ảnh hoang dã đầu tiên của Sao la được ghi lại bằng bẫy ảnh ở Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Cùng năm, một con Sao la bị mắc bẫy được thả về rừng ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế.
Vào tháng 8 năm 2010, người dân Borikhamxay tại Lào bắt được một Sao la đực. Thật không may, nó đã chết trước khi các chuyên gia đến. Nhiều năm sau đó, 1 cá thể Sao la được nhìn thấy ngoài tự nhiên bằng bẫy ảnh ở Quảng Nam vào năm 2013.
Được biết, Sao la là loài cực kỳ nhạy bén, chúng đánh hơi người rất giỏi lại nhút nhát nên để phát hiện ra loài thú này không hề dễ dàng. Sao la sống tại các khu rừng rậm, nơi gần các con suối. Chúng chỉ ăn cỏ, lá cây và có tính cách rất hiền lành.
Sao la trông như thế nào?
Sao la có tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis. Pseudoryx tựa theo loài linh dương (oryx), còn nghetinhensis là nơi phát hiện ra Sao la (Nghệ Tĩnh cũ). Năm 1999, kết quả nghiên cứu DNA cho thấy Sao la thuộc phân họ Trâu bò. Loài linh thú này có tên gọi khác là Bò Vũ Quang (Vu Quang ox).
Chúng cao khoảng 90cm, dài khoảng 1,3m đến 1,5m và có trọng lượng khoảng 80kg đến 100kg. Một số vị trí như mũi, cổ, vai Sao la đều có vòng xoáy. Đuôi ngắn, có túm lông đen.
Sao la có màu nâu sẫm, trên khuôn mặt có đốm trắng. Cằm và cổ lẫn 4 chân cũng có vạch trắng. Cặp sừng Sao la thẳng vút ra phía sau và có thể dài tới hơn 50cm. Người ta cho rằng, những đốm trắng trên mặt Sao la là những ngôi sao tỏa sáng trong rừng già u tịch.
Sao la quần cư tại khu vực rừng xanh nhiệt đới nơi dãy Trường Sơn, men theo biên giới hai nước Việt - Lào. Sao la sống "ẩn dật", vùi mình trong rừng thẳm nơi Trường Sơn hùng vĩ. Loài thú cổ xưa này chẳng ngờ đến một ngày người ta lại nhắc đến và tìm hiểu về mình nhiều đến vậy.
Không chỉ nhắc đến, Sao la đã trở thành linh vật cho SEA Games 31 được tổ chức tại quê nhà Việt Nam.
Sao la - Linh vật biểu tượng SEA Games 31
Giữa bạt ngàn những mẫu thiết kế đại diện, Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 đã chọn hình ảnh Sao la làm linh vật, tựa như một biểu tượng thất truyền được khai phá giữa đại ngàn Trường Sơn.
Mẫu biểu tượng Sao la của họa sĩ Ngô Xuân Khôi (Hà Nội) đã đạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác biểu trưng, biểu tượng vui, khẩu hiệu và bài hát của SEA Games 31.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cùng tác phẩm linh vật Sao la biểu tượng cho SEA Games 31.
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho hay, Sao la được chọn bởi mẫu linh vật này đảm bảo được đầy đủ các tiêu chí về bố cục, thẩm mỹ lẫn ý nghĩa nhân văn.
Đưa ra quyết định như vậy, BTC SEA Games 31 muốn truyền tải đến quý bạn bè quốc tế những giá trị cực phẩm mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho đất nước, con người Việt Nam. Ở dải đất hình chữ S thân thương, những báu vật cổ xưa như linh thú Sao la cũng chọn đất Việt là nơi cư trú.
Biểu tượng Sao la gần gũi, thân thiện, toát lên vẻ chân thành lẫn nhanh nhẹn, linh hoạt. Linh vật này phù hợp với tinh thần thể thao lẫn thể hiện được trọn vẹn đặc trưng của Việt Nam.
Với hình tượng nhanh nhẹn, hoạt bát, linh vật Sao la biểu tượng cho gần 40 bộ môn thi đấu tại SEA Games 31.
Sao la - Loài thú cổ xưa quý hiếm bậc nhất thế giới
Theo một số liệu nghiên cứu năm 2012, số lượng Sao la ngoài tự nhiên chỉ còn khoảng 50 con. Và đến nay, cũng chưa có nhà sinh vật học nào có thể hội ngộ được với Sao la ngoài thiên nhiên. Những hình ảnh quý giá có được chủ yếu là do bẫy ảnh được thiết lập tại các khu rừng ở Việt Nam và Lào.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng - Phó trưởng phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, VQG Vũ Quang cho biết, Sao la là vật sống quý giá cho các nhà khoa học nghiên cứu về động vật cổ đại. Trải qua hàng triệu năm, bộ gen của Sao la không bị thời gian bào mòn, chúng vẫn tồn tại và thích nghi trong hoang dã đến tận ngày nay.
Mặc dù từ ngày thành lập các dự án bảo tồn, nhưng mòn mỏi thực địa mãi các nhà nghiên cứu vẫn chưa có duyên tìm thấy loài thú cổ này. Hiện Sao la đang ở mức cực kỳ nguy hiểm có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam.
“Sao la tượng trưng cho tất cả những điều quan trọng hiện đang bị đe doạ. Nếu chúng ta có thể cứu Sao la, chúng ta sẽ cứu được cảnh quan rừng, đa dạng sinh học và những lợi ích hệ sinh thái mang lại, ví dụ như nguồn nước ngọt mà chúng ta đang phải phụ thuộc vào chẳng hạn. Do đó, đây không chỉ đơn thuần là bảo vệ một loài động vật trong tình trạng nguy cấp. Đây là cuộc chiến nhằm cứu lấy thiên nhiên, các lợi ích sinh thái, sinh kế cộng đồng và tất cả những gì mà loài Sao la đại diện.”
TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam
Được biết, năm 1994 khi người dân tìm bắt được Sao la có nuôi giữ nhưng chúng chết sau đó rất nhanh. Bởi vậy, người ta cho rằng, Sao la là linh thú tự nhiên, không thể dung dưỡng trong tay con người. Con người chẳng thể xâm phạm mà chỉ có thể tôn trọng cuộc sống hoang dã nơi rừng sâu của chúng mà thôi.
Bên cạnh đó, Sao la cũng là đại diện độc nhất của Trường Sơn đang tiến hóa theo lịch sử và ẩn chứa nhiều bí ẩn lạ cần thời gian để tìm hiểu.
Tại Saola Nature Reserve Quảng Nam đang nhận bảo tồn khoảng 50 cá thể Sao la. Còn ở VQG Vũ Quang hiện cũng chưa rõ là còn bao nhiêu. Sinh cảnh bị hủy hoại, rừng xanh bị phá nhiều và tình trạng săn bắt trộm đang đẩy Sao la vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm.
Ngày 9/7/2016, tại TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức ngày Quốc tế Sao la (09/07), WWF - Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ những linh thú cổ xưa Sao la cuối cùng.
Được tìm thấy đầu tiên ở Việt Nam và ghi danh một trong 50 loài động vật quý hiếm nhất thế giới. Bởi vậy, Sao la được mệnh danh là "Kỳ lân châu Á" vì cực kỳ quý hiếm. Giờ đây, chẳng biết còn bao nhiêu cá thể Sao la ngoài hoang dã, nhưng có lẽ loài linh thú này vẫn đang lang thang rong ruổi theo các cánh rừng già trong lòng Trường Sơn.
Tự hào khi Việt Nam là nơi đầu tiên trên thế giới tìm thấy Sao la, vinh dự hơn nữa khi loài thú cổ này đại diện cho tinh thần Việt Nam sánh vai cùng nước bạn. Mong rằng, sau khi trở thành linh vật của SEA Games 31 , nhiều người sẽ biết đến ý nghĩa và sự quý hiếm của Sao la. Từ đó, sự yêu mến dẫn dắt đến các hành động bảo tồn, trân quý loài linh thú cổ xưa bậc nhất thế giới này.
Nhịp sống Việt