Ông Đặng Thành Tâm: "Ai mà bỏ KBC sau này ân hận"
Năm 2021, Kinh Bắc đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 6,25 lần thực hiện năm 2020.
- 09-04-2021Kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ của Kinh Bắc, nguồn thu đáng kể sẽ đến từ KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh
- 24-03-2021Kinh Bắc đặt mục tiêu lãi ròng 2.000 tỷ đồng năm 2021, cao nhất từ trước tới nay
Sáng nay, Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã KBC) đã diễn ra tại trụ sở công ty, Khu công nghiệp Quế Võ, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Đại hội diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó số cổ phần tham dự trực tiếp hơn 7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, số cổ phần tham dự trực tuyến và uỷ quyền chiếm hơn 60% cổ phần có quyền biểu quyết.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC mở đầu chương trình cho biết "chưa bao giờ KBC vui như ngày hôm nay nhưng những ngày sau còn vui hơn nữa".
"Sau một thời gian rất dài và rất xa, KBC đã trở lại chính mình, cổ đông sắp tới còn vui hơn nữa. Năm này GDP Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, chưa bao giờ KBC được chào đón như hôm nay, các tỉnh mời chào chứ mình không phải đi xin nữa, đất rất nhiều, ai mà bỏ KBC sau này ân hận", ông Đặng Thành Tâm tuyên bố khai mạc đại hội.
Năm 2021, Kinh Bắc đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 6,25 lần thực hiện năm 2020.
Công ty cho biết sẽ tăng tốc đầu tư hạ tầng các dự án KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, KCN Tràng Duệ 3, KĐT mới Phúc Ninh, KĐT Tràng Duệ, KĐT Tràng Cát.
Năm 2021, KBC trình đại hội cổ đông kế hoạch tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu tính đến 31/12/2020 và phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Phương án cụ thể chưa được công bố.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, tổng giám đốc Kinh Bắc
Các nhà sản xuất cho Apple đã đặt cọc thuê khu công nghiệp, nhiều tập đoàn lớn sẽ ký kết tại Bắc Ninh
Giải thích về kết quả kinh doanh năm 2020, doanh thu đạt 2.150 tỷ, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ, lần lượt giảm 33% và 69% so với năm 2019, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Kinh Bắc cho biết, khi dịch Covid diễn ra, các tập đoàn về khu công nghiệp đều khó khăn khi giao dịch với các tập đoàn lớn ở nước ngoài.
Cuối năm 2020, KBC thu hút một số khách hàng lớn, 150ha trên các khu công nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm đó KBC mới ký thoả thuận MOU và khách hàng đặt cọc nhưng chưa có doanh thu thanh toán nên kết quả kinh doanh năm 2020 chưa ghi nhận doanh thu lợi nhuận. Hợp đồng chính thức ký trong năm 2021.
Tổng giám đốc KBC cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải trong đó có khu công nghiệp Tràng Duệ 3 687 ha, đây là kết quả KBC đã chờ đợi rất lâu. Năm 2021 KBC sẽ đón nhận nhà đầu tư rất lớn. Khu công nghiệp Tràng Duệ có vị trí đắc địa, giao thông thuận lợi, khu công nghiệp duy nhất trở thành khu kinh tế, nằm ở nội thành Hải Phòng, rất gần cảng và sân bay, chỉ mất 1 tiếng đi về Hà Nội. Đã có các tập đoàn lớn như LG đã hiện hữu ở trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Các tổng giám đốc LG đều có kế hoạch mở rộng và LG Display đã mở rộng thêm nhà máy và tăng vốn thêm 1,5 tỷ USD (có thể là tháng sau). Đầu năm dương lịch họ đã tăng vốn gần 1 tỷ USD. SHP Hải Phòng đã đóng góp giúp Hải Phòng đứng đầu thu hút đầu tư của cả nước chỉ sau Long An và Cần Thơ.
Các khu công nghiệp khác của KBC ở Bắc Ninh như Nam Sơn Hợp Lĩnh (đã được phê duyệt cuối năm 2020 đang làm thủ tục để đón nhà đầu tư). Một tập đoàn rất lớn thuê 62,7ha tại Nam Sơn Hợp Lĩnh và họ sản xuất công nghệ cao và điện thoại di động toàn cầu, họ đã ký hợp đồng năm 2020 và đang làm mặt bằng và xin giấy phép đầu tư. Một số tập đoàn điện tử của Đài Loan, Singapore, Hongkong sản xuất airpod và ipad đều đến Nam Sơn Hợp Lĩnh. Tháng 5/2021, trong hội nghị xúc tiến đầu tư tại Bắc Ninh, Kinh Bắc sẽ là con chim đầu đàn thu hút đầu tư vào Nam Sơn Hợp Lĩnh bởi KCN Quế Võ đã không còn nhiều đất. Năm 2022 Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc Trung Ương.
Nguồn: Kinh Bắc
Tại Bắc Giang, năm 2020 là năm ngoạn mục của Bắc Giang trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, một tập đoàn thuê 90ha, họ sản xuất ipad, iphone, phục vụ cho Apple, KCN Quang Châu gần như phục vụ công nghệ cao và công nghệ toàn cầu. Sang tháng sau có thể KBC ký hợp đồng rất lớn và mở rộng sang giai đoạn tiếp theo.
Tại Hưng Yên và Hải Dương, Kinh Bắc cho biết khu công nghiệp này rất đắc địa. Các KCN Bình Giang, Thanh Hà, khu kinh tế Kim Thành kết nối qua một cái cầu đến KCN Tràng Duệ, rất thuận tiện hỗ trợ cho cả việc quản lý cũng như thu hút đầu tư.
Tại Long An, trước đây khi đi khảo sát, lãnh đạo KBC cho rằng Long An cách TP.HCM không khác Hà Nội – Bắc Ninh tại sao Bắc Ninh phát triển rất mạnh nhưng Long An con đường chỉ đỗ được 1 container thì rất khó khăn trong việc đi lại. Nhưng tương lai KBC sẽ đầu tư mạnh tại Long An, các hệ thống hạ tầng kết nối TP.HCM với Long An đang được phát triển và phê duyệt.
KBC cho biết sẽ phát triển các khu công nghiệp nằm gần các thành phố lớn nhưng cần thời gian để giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, đền bù.
"Sáng hôm qua tôi tiếp tập đoàn Cathay, họ muốn hợp tác toàn diện với Kinh Bắc có sự hợp tác lâu dài. Những năm khó khăn của chúng ta đã qua. Thời gian qua Kinh Bắc thu hút được một tập đoàn công nghệ cao thuê diện tích 62,5ha, Kinh Bắc đã nhận được tiền đặt cọc. Chúng tôi sẽ thu hút được nhiều tập đoàn lớn từ 30-50ha", bà Hương cho biết các tập đoàn lớn tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hongkong, Singapore đến với Việt Nam ngày càng nhiều. "Kinh Bắc đi không nhanh nhưng đi bền vững và tạo nguồn lợi lớn cho địa phương ngày một phát triển".
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch công ty cho biết, "đất KBC hiện nay không ai bằng, mình tích luỹ nhiều năm rồi, ai mà rảnh đi một tháng không hết, chim bay gãy cánh. Quỹ đất 100 km2, 1km2 là 100ha".
Ông Vũ Hữu Điền, Phó giám đốc đầu tư Dragon Capital, quản lý quỹ VEIL
Ông Vũ Hữu Điền, Phó giám đốc đầu tư Dragon Capital, quản lý quỹ VEIL, cổ đông lớn của KBC phát biểu: "Dragon Capital đã đầu tư vào KBC rất lâu, một lần thua và một lần huề vốn, lần thứ ba này không thành công vượt bậc thì chúng tôi sẽ không đầu tư vào Kinh Bắc nữa. Hiện nay chúng tôi nắm giữ gần 10% KBC, chúng tôi nhận thấy KBC đạt đủ 3 điều kiện thiên thời địa lợi nhân hoà. Chiến tranh thương mại Mỹ Trung, dòng vốn FDI rút khỏi Trung Quốc đổ vào Việt Nam rất nhiều. Các ông lớn như Samsung Apple đều đổ vào Việt Nam, KBC có thể tận dụng nguồn vốn FDI vào khu công nghiệp và các dự án BĐS của Kinh Bắc. Sốt đất khắp nơi mà chúng ta lại giữ được các đại dự án, 10 năm trước Kinh Bắc rất khó khăn nhưng vẫn giữ được Tràng Cát. 3 tháng đầu năm nay KBC đấu giá thành công nhiều khu công nghiệp mới và KBC sẽ trở lại lợi hại hơn xưa. Tôi chưa nói đến tương lai về doanh thu, lợi nhuận..ban lãnh đạo KBC phải hiện thực hoá kỳ vọng của Kinh Bắc nhưng KBC đang ở vị trí tốt để trở thành một trong 3-5 công ty BĐS hàng đầu Việt Nam trong thời gian tới”.
KBC sẽ tham gia BĐS nhà ở với các dự án khổng lồ
Ông Đặng Thành Tâm, cho biết KBC có kế hoạch phát hành riêng lẻ khoảng 100 triệu cổ phiếu, và phát hành cổ phiếu trả cổ tức 30% hoặc chia khoảng 3:1, việc này chưa quyết nên hiện xin ý kiến cổ đông về mặt chủ trương sau đó phương án cụ thể sẽ tuỳ tình hình thực tế. KBC hiện nay có 6 dự án triển khai nên rất cần tiền.
Ông Tâm trả lời cổ đông, KBC sẽ không chỉ đứng đầu BĐS khu công nghiệp nữa mà sẽ tham gia vào BĐS nhà ở với các dự án khổng lồ. Khu đô thị Tràng Cát 581 ha đắc địa nhất tại Hải Phòng, KBC đã nộp 3.500 tỷ tiền sử dụng đất, khu vực này đã đền bù giải phóng mặt bằng xong.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị