[LIVE] ĐHCĐ Vietnam Airlines: Cân nhắc phát hành thêm trái phiếu chuyển đổi, lập hãng hàng không hàng hoá ngay sau dịch bệnh
Kế hoạch kinh doanh Vietnam Airlines dựa trên các giả định chính: bán 11 tàu bay A321, Chính phủ cho phép mở cửa du lịch đến Phú Quốc; hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ với ngành hàng không và đặc biệt là điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí bảo dưỡng...
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kế hoạch lỗ hơn 14.500 tỷ đồng
Theo nội dung công bố tại tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), trong 6 tháng đầu năm, công ty mẹ ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất 10.788 tỷ đồng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Vietnam Airlines cho biết đã có sự chuẩn bị, đánh giá, xây dựng nhiều phương án kịch bản điều hành sản xuất kinh doanh tương ứng với các kịch bản thị trường và diễn biến dịch bệnh. Công ty thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, bổ sung nguồn thu, quản lý chặt dòng tiền để duy trì tính thanh khoản. Bên cạnh việc đàm bán với các đối tác trong lĩnh vực thuê tàu bay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu cắt giảm cho hoạt động quảng cáo… Các giải pháp tự nhân nhằm cắt giảm chi phí dự kiến tiết kiệm được 6.800 tỷ đồng trong năm nay.
Kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 14.526 tỷ đồng, nộp ngân sách hợp nhất 3.972 tỷ đồng.
Vietnam Airlines
Năm ngoái, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất 42.276 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 11.178 tỷ đồng. Năm 2020, hãng hàng không được phê duyệt điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng, làm giảm chi phí 3.145 tỷ đồng.
Kế hoạch năm 2021 được xây dựng trên các giả định: hoàn thành bán 11 tàu bay A321; Chính phủ cho phép triển khai mở cửa cho khách du lịch đến Phú Quốc, áp dụng thí điểm hộ chiếu vắc xin; cải thiện doanh thu trung bình trên các chuyến bay nội địa, khai thác chuyến bay hàng hoá, hồi hương, bán combo cách ly tự nguyện; hoàn thành mục tiêu đàm phán đối tác thuê mua tàu bay, cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, động cơ, các giải pháp cắt giảm chi phí tự thân năm 2021; các chính sách hỗ trợ của chính phủ về chi phí hạ cánh, thuế bảo vệ môi trường, điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng theo đề xuất, các loại thuế, phí khác; hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Năm nay, Vietnam Airlines dự kiến bán 11 tàu bay A321 cũ nhằm bổ sung dòng tiền và thu nhập. Công ty nhận định, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và thị trường vẫn đang phải đối mặt với việc dư thừa tàu bay khiến cho việc thanh lý 11 tàu bay A321 CEO trong năm 2021 có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Dự kiến chuyển giao quyền mua của nhà nước cho SCIC
Vietnam Airlines xin ý kiến cổ đông chào bán 800 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ, tương ứng tỷ lệ 56,4%. Giá chào bán 10.000 đồng/cp. Cổ đông hiện hữu được chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu cho các tổ chức, cá nhân trong nước. Quyền mua chỉ được chuyển nhượng một lần duy nhất trong thời gian quy định.
Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu của Vietnam Airlines có tên trong danh sách cổ đông tài ngày chốt quyền. Đối với cổ đông Nhà nước, Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines theo phương thức chuyển giao quyền mua.
Nếu phát hành thành công toàn bộ, vốn điều lệ của Vietnam Airlines tăng lên 22.182 tỷ đồng.
Số tiền thu được sẽ được Vietnam Airlines dùng bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong ngắn hạn.
Lập hãng hàng không hàng hoá ngay sau dịch bệnh
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines – ông Lê Hồng Hà, trong năm qua, Vietnam Airlines đã triển khai hình thức vận chuyển hàng hoá trên cabin, sau đó tháo ghế các tàu bay để tăng công suất vận chuyển. Hiện tại, Vietnam Airlines đã tháo ghế tổng cộng 7 tàu bay, là một trong những hãng bay đầu tiên đẩy mạnh khâu vận chuyển hàng hoá.
Việc nghiên cứu freighter (vận tải hàng hoá) đã được Vietnam Airlines tiến hành khá lâu, nhưng thực tế để hiệu quả phải đảm bảo được quy mô, khai thác các nguồn hàng và chân hàng từ các nước đến Việt Nam, và ngược lại. Trong những năm trước, việc tổ chức freighter của Vietnam Airlines chưa hiệu quả, nhưng dịch bệnh COVID-19 thúc đẩy mạnh khối hàng hoá của hãng. Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, sẽ xây dựng hãng hàng không hàng hoá ngay sau dịch bệnh.
Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà cho biết, hiện nay doanh thu hàng hoá của Vietnam Airlines chiếm tỷ trọng lớn. Khi chưa có COVID-19, thông thường doanh thu hàng hoá chỉ chiếm 10% so với doanh thu hành khách.
Tháng 6 vừa qua, doanh thu hàng hoá đã vượt doanh thu hành khách. Nguyên nhân cũng đến từ việc doanh thu hành khách thấp và Vietnam Airlines tăng năng lực vận chuyển hàng hoá.
Các giải pháp tự thân tiết kiệm 6.800 tỷ đồng là quan trọng nhất
Ban điều hành Vietnam Airlines đánh giá năm 2021 ảnh hưởng của đại dịch còn nghiêm trọng và kéo dài hơn so với năm 2020. Kế hoạch kinh doanh được xây dựng trên kịch bản xấu nhất.
Hai mùa cao điểm của ngành hàng không là Tết Nguyên Đán và mùa hè đều gặp phải làn sóng dịch bệnh. Thậm chí tình hình hiện tại đang rất phức tạp. Hiện nay, Vietnam Airlines chỉ khai thác khoảng 40 chuyến bay mỗi ngày.
Bên cạnh các biện pháp cải thiện nguồn thu, việc cắt giảm chi phí và tái cơ cấu của Vietnam Airlines cũng đóng vai trò quan trọng.
Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines nói rằng ngay từ đầu năm 2020, hãng hàng không đã xây dựng các giải pháp cắt giảm chi phí, đàm phán với đối tác, giãn hoãn tiến độ thanh toán…
Ông Hiền đánh giá, dư địa cắt giảm chi phí trong năm 2021 vẫn còn lớn, trong đó quan trọng nhất là các giải pháp cắt giảm tự thân có thể tiết kiệm tới 6.800 tỷ đồng. Riêng việc giảm giá, hoãn giãn tiến độ thanh toán, đặc biệt là thuê tàu bay và sửa chữa bảo dưỡng tàu bay có thể tiết kiệm khoảng 5.300 tỷ đồng.
Vietnam Airlines có thể sẽ tăng thêm vốn, phát hành trái phiếu chuyển đổi
Dù cho tình hình hiện tại đang hết sức khó khăn, Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà nói rằng Vietnam Airlines đang hy vọng vào chiến lược vắc xin của Chính phủ, dự kiến cuối quý 3 và quý 4 năm nay Việt Nam sẽ tiêm được vắc xin cho số lượng lớn người dân, qua đó hàng không có thể hoạt động trở lại.
Hiện nay thị trường Mỹ và châu Âu đã dần hồi phục, thậm chí một số hãng hàng không còn không đủ nhân lực do trước đó đã tái cơ cấu mạnh.
Vietnam Airlines đang tìm mọi giải pháp tận thu, thị trường nội địa tăng thông thương tối đa. Thị trường quốc tế đang kỳ vọng vào hộ chiếu vắc xin, dự kiến cuối tháng 7 – đầu tháng 8 sẽ triển khai, tuy nhiên việc mở cửa thận trọng.
Doanh thu quốc tế của Vietnam Airlines đang chỉ chiếm 1% tổng doanh thu so với điều kiện bình thường chiếm tới 65%. Nguồn thu quốc tế vẫn chủ yếu đến từ các chuyến bay hồi hương, vận chuyển hàng hoá.
Ông Đặng Ngọc Hoà nói rằng, thực tế gói tín dụng 12.000 tỷ đồng (bao gồm tăng vốn 8.000 tỷ) là giải pháp hỗ trợ đảm bảo kinh doanh trong năm 2020. Vietnam Airlines cũng đang xem xét tăng vốn tiếp và phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Hiện nay, Vietnam Airlines và các hãng hàng không nói chung vẫn cần hỗ trợ các loại thuế, phí từ Chính phủ.
Riêng hãng hàng không quốc gia tổ chức lại cơ cấu tiền lương, đội bay và các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Chủ tịch Vietnam Airlines nói rằng sẽ thoái vốn một số khoản đầu tư để có thêm nguồn lực tài chính phục hồi hoạt động.
Ông Đặng Ngọc Hoà cũng kỳ vọng vào chính sách vĩ mô của Chính phủ đối với ngành hàng không để các hãng có thể hồi phục, đủ nguồn lực cạnh tranh với hàng không quốc tế khi dịch bệnh kết thúc.