MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Livestream dẫn dắt xu hướng mua sắm

16-07-2023 - 16:30 PM | Kinh tế số

Những năm gần đây, bán hàng qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng phổ biến và thu hút đông đảo người tiêu dùng. Mỗi buổi livestream người bán, doanh nghiệp có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng. Khi xu hướng mua sắm đang biến đổi, khách hàng cần chú trọng điều gì để trở thành người tiêu dùng thông minh?

Livestream dẫn dắt xu hướng mua sắm - Ảnh 1.

Cẩn trọng với những lời mời chào mua sắm hấp dẫn từ livestream.

Livestream shopping hay còn được gọi là mua sắm qua video trực tiếp đã trở thành một hình thức trao đổi, mua bán nổi bật trong thời đại công nghệ 4.0. Kết hợp với thương mại điện tử, hình thức bán hàng qua livestream đang mang đến cho các nhà bán lẻ, doanh nghiệp và thậm chí cả người nông dân một kênh bán hàng rộng khắp, dễ tiếp cận, mang lại giá trị vượt trội. Hình thức kinh doanh này đang làm thay đổi ngành bán lẻ và trở thành một trong những xu hướng bán hàng chính trong tương lai. Livestream trên các nền tảng xã hội Facebook, TikTok, Instagram... hay các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada... đều mang tính giải trí cao, đánh thẳng vào cảm xúc của khách hàng, vì thế giúp tăng tốc độ bán hàng cũng như tạo ra độ hấp dẫn và sự khác biệt cho sản phẩm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiệu quả bán hàng qua thương mại trực tiếp có thể cao gấp 10 lần so với thương mại điện tử thông thường.

Ngày 9/7 vừa qua, bất chấp thời tiết "nắng như đổ lửa", chương trình livestream của hai nghệ sĩ Xuân Bắc - Tự Long giới thiệu, quảng bá sản phẩm Bí xanh thơm tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn vẫn đem về cho người nông dân gần 10.000 đơn hàng, có đơn hàng lên đến 5 tấn quả.

Hay trước đó, ngày 24/6, hơn 40 người có tầm ảnh hưởng (KOL) trên nền tảng mạng xã hội TikTok đã cùng quy tụ về xã Hồng Giang (thuộc huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) để thực hiện các chương trình livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh như: Vải thiều, mì Chũ, tương La, đông trùng hạ thảo… Theo thống kê, trong 4 giờ đồng hồ, các nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream, thu hút được 1,7 triệu lượt người xem; hơn 5.000 đơn hàng đã được chốt với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, trong đó bao gồm 23 tấn vải thiều. Thậm chí, hai sản phẩm là mì Chũ và thịt gác bếp đã hết hàng chỉ sau 10 phút. Sự bùng nổ của thương mại trực tiếp đang mang lại rất nhiều cơ hội cho người bán hàng.

Có thể thấy, livestream bán hàng đang thực sự bùng nổ mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội cùng các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, nhất là khi giới trẻ ngày càng dành nhiều thời gian để lướt mạng xã hội. Tại một sự kiện của ngành marketing diễn ra cuối năm 2022, đại diện TikTok Việt Nam cho biết ý tưởng của nền tảng này là bán hàng ngay cả cho những người không có nhu cầu, dựa vào con số người dùng trên TikTok ở Việt Nam rất đông, mỗi ngày có đến 50 triệu giờ xem video, chưa kể xem livestream. Điều này giống như việc mọi người đi dạo các trung tâm thương mại vào cuối tuần và phát sinh việc mua sắm khi dạo qua các gian hàng.

Việc mua sắm qua livestream còn được kích cầu bởi những tài năng dẫn dắt cùng khả năng đón đầu xu hướng của những nhà sáng tạo nội dung, những người tiêu dùng chủ chốt (KOC), người nổi tiếng... Cùng với những ưu đãi độc quyền từ các thương hiệu lớn nhỏ, các khuyến mãi giảm sâu và cơ hội miễn phí vận chuyển giúp mang đến trải nghiệm mua sắm thú vị cho người dùng.

Với sự tiện ích có thể xem livestream ở bất cứ đâu khi chỉ cần có một chiếc smartphone kết nối mạng internet, khiến nhiều người hình thành thói quen mua hàng qua livestream. Hàng đẹp, chất lượng tốt, giá rẻ, những lời mời chào tưởng chừng như phi lý nhưng lại khiến không ít người “sập bẫy”. Đã có những trường hợp lừa đảo qua livestream, muốn có đơn hàng thì người mua phải để lại địa chỉ, số điện thoại, yêu cầu chuyển tiền trước sau đó nhận hàng. Nhiều người đã từng bị lừa vì quá tin vào người bán hàng dẫn đến hậu quả tiền mất mà lại nhận về một cái hộp rỗng.

Xu hướng livestream nở rộ mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn, tuy nhiên cũng có mặt trái của nó. Người mua không thể cầm nắm sản phẩm vật lý dẫn đến việc có thể bị đánh lừa thị giác và sẵn sàng “chốt đơn” một cách nhanh chóng với tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ), nhưng món hàng thực tế nhận được đôi khi không giống như trên livestream. Thêm vào đó, khi mua hàng online, người mua cũng có thể mua nhầm phải hàng giả, hàng nhái vì không thể trực tiếp kiểm tra hàng trước khi thanh toán tiền. Bởi vậy người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ, cân nhắc cẩn thận trước khi “chốt đơn” để tránh mất tiền vô cớ.

Theo Hà Tuyên

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên