MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo cây trái mất năng suất vì nắng hạn

27-04-2016 - 09:33 AM | Thị trường

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, hầu hết các loại cây trồng chủ lực của VN như cà phê, hồ tiêu, điều... đều bị giảm năng suất và sản lượng do hạn hán kéo dài.

Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng lo ngại sẽ thiếu nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu trong thời gian sắp tới.

Sản lượng giảm 20-50%

Những ngày cuối tháng 4-2016, gia đình chị Nông Thị Liễu ở ấp Tân Hội, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp (Bình Phước) như “ngồi trên lửa” vì vườn tiêu hơn 400 gốc nay đã héo khô. Nếu như năm ngoái vườn tiêu này cho thu hoạch gần 5 tạ, năm nay thất thu hoàn toàn do nắng hạn kéo dài, vườn lại ở trên đỉnh đồi nên nước không còn từ vài tháng nay.

Gia đình chị Liễu đã khoan giếng sâu hàng trăm mét vẫn không có nước tưới.

“Nhìn vườn tiêu héo rũ từng ngày tôi xót lắm mà không còn cách nào khác. Trước đó tôi đã chủ động hái quả non để cây đỡ cần nước nhưng vẫn không cứu được. Giờ cả cây và lá héo khô, chỉ còn cách cắt ngang gốc với hi vọng rễ cây tươi được chừng nào hay chừng đó và mong mưa sớm đến, may ra cứu được một số cây” - chị 
Liễu giọng buồn rầu.

Cách đó không xa, chị Hoàng Thị Liên (43 tuổi), người dân tộc Nùng ở Cao Bằng di cư vào Bình Phước, cũng đang buồn bã đi lại giữa những trụ tiêu vừa được dựng lại sau đợt lốc xoáy cách đó mấy ngày.

Chị Liên kể năm ngoái dồn hết tiền tích góp và vay mượn được 300 triệu đồng trồng 1.500 gốc tiêu trên diện tích 1,2ha. Cây tiêu lên xanh tốt, nhưng bước sang năm 2016 trời nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới cho cây tiêu ngày càng cạn kiệt. Nước ở nhà hết, giếng khoan cũng không còn nên chị Liên lại vay mượn mua 25 cuộn dây và máy bơm để kéo nước cách đó hơn 2km về tưới cho cây.

Tuy nhiên, ngày 18-4 một cơn lốc xoáy tràn qua địa phương đã cuốn đổ 1.200/1.500 gốc tiêu của gia đình chị. Dù đã được bộ đội địa phương đến dựng lại cọc gỗ, buộc lại các dây tiêu nhưng khả năng cứu được vườn tiêu là rất khó. “Gốc tiêu giập rồi nên có buộc lại cũng không cứu được đâu” 
- chị Liên cho biết.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, tình hình hạn hán trên địa phương này đang diễn ra rất nghiêm trọng. Tính đến ngày 20-4 đã có trên 27.500ha cây trồng bị ảnh hưởng do thiếu nước, trong đó có 3.143ha mất trắng.

Tình hình hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây tiêu, mà còn ảnh hưởng các loại cây trồng chủ lực khác ở Tây nguyên và Đông Nam bộ.

Ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cũng cho rằng sản lượng tiêu vụ 2016 giảm tới 50% so với năm ngoái do nắng hạn bắt đầu kể từ khi cây ra hoa dẫn tới tỉ lệ đậu trái thấp, kích cỡ hạt nhỏ và dung trọng thấp.

Do đó trung bình các năm trước năng suất tiêu của Chư Sê đạt 5-6 tấn/ha thì nay chỉ còn 2,5-3 tấn/ha. “Diện tích tiêu héo đang rất nhiều, nếu nửa tháng nữa trời không có mưa thì sản lượng vụ tới còn giảm thê thảm nữa” 
- ông Bính cảnh báo.

Nắng hạn kéo dài cũng ảnh hưởng nặng nề đến năng suất và sản lượng của cây điều và cà phê.

Theo Cục Trồng trọt, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nắng nóng xuất hiện sớm trên diện rộng, lượng mưa từ đầu năm 2016 đến nay thiếu hụt 
15-30% trung bình các năm trước, trong đó nhiều nơi không có mưa như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa gây khô hạn nặng. Khu vực Tây nguyên hiện dung tích trữ các hồ chứa cũng chỉ đạt 50-60%, nhiều hồ thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Diện tích cây trồng bị hạn hán, thiếu nước tưới lên đến 150.000ha, trong đó 136.000ha là cà phê, hồ tiêu...

Cân nhắc 
khi ký hợp đồng

Ông Nguyễn Văn Quéo, giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Hùng Hưng (Chư Sê, Gia Lai), cho biết vừa đi khảo sát một vòng các vùng trồng tiêu trọng điểm về cho thấy tình hình mùa vụ rất đáng lo ngại. Diện tích vùng tiêu bị héo lá rất nhiều và ở nhiều nơi do thiếu nước.

“Vườn tiêu của gia đình tôi được chăm sóc rất kỹ nhưng năm nay cũng giảm tới 25% năng suất. Người trồng tiêu phải thu hoạch sớm vì sợ không đủ nước sẽ hại cây” - ông Quéo cho hay. Cũng theo ông Quéo, do người dân phải thu hoạch tiêu sớm để chống hạn, chất lượng hồ tiêu năm nay sẽ giảm nhiều. Với tình hình hiện tại, nhiều đơn hàng tiêu chất lượng cao sẽ bị thiếu hụt 
do không đủ hàng.

Hiệp hội Cà phê - ca cao VN (Vicofa) cũng đánh giá cà phê đang chịu ảnh hưởng nặng do hạn hán tồi tệ nhất suốt ba thập kỷ qua, với khoảng 165.000ha thiếu nước tưới và có 40.000ha bị chết. Với tình hình hiện tại, Vicofa dự kiến năm 2016 VN chỉ có khoảng 1 triệu tấn cà phê để xuất khẩu, giảm 25% so với năm trước.

Dù là cây trồng có khả năng chịu hạn tốt nhưng do hạn hán kéo dài, năng suất và sản lượng hạt điều vụ 2016 cũng được đánh giá giảm khá mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp thời gian tới.

Ông Đặng Hoàng Giang, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho biết qua khảo sát sơ bộ của Vinacas, tình hình mùa vụ điều của VN trong năm 2016 rất đáng lo ngại. Do nắng hạn kéo dài, sản lượng điều thu hoạch trong vụ 1 (chiếm gần 90% tổng sản lượng điều hằng năm) đã giảm tới 20% so với vụ trước.

Điều này càng làm trầm trọng thêm tình hình thiếu nguyên liệu điều cho các nhà máy chế biến, bởi những năm vừa qua VN thường phải nhập 50-70% điều từ châu Phi để chế biến do trong nước không đủ.

“Giá điều trong nước đã tăng liên tục kể từ đầu năm đến nay, trong khi giá xuất khẩu tăng không tương ứng. Vinacas khuyến cáo các doanh nghiệp cẩn thận khi ký kết các hợp đồng xuất khẩu bởi với tình hình nguyên liệu thiếu hụt như hiện nay, việc không tính toán kỹ trước khi xuất khẩu sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn” - ông Giang cho hay.

Vẫn chưa phải thời điểm khó khăn nhất của nắng hạn

Ngày 23-4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có chuyến công tác liên quan đến tình hình hạn hán tại Bình Phước. Sau khi khảo sát các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán, ông Cao Đức Phát đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước để tìm hướng hỗ trợ khó khăn cho địa phương do hạn hán, cũng như các chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp Bình Phước.

Ông Cao Đức Phát cho biết hạn hán đã gây thiệt hại rất lớn thời gian qua, nhưng vẫn chưa phải là đỉnh điểm. Thời điểm khó khăn nhất do hạn hán đang ở phía trước, do đó Bình Phước nói riêng và các địa phương nói chung cần hết sức lưu ý và tập trung cho công tác ứng phó với hạn hán.

Theo đó, các địa phương hướng dẫn và hỗ trợ người dân những biện pháp đối phó với hạn hán, đảm bảo mục tiêu không để người dân nào bị đói, bị thiếu nước sinh hoạt, không để bùng phát dịch bệnh và hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra.

Theo Trần Mạnh

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên