MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỡ chặt cây anh đào của cha, khi bị "hỏi tội", con trai nói 1 câu và nhiều năm sau trở thành Tổng thống Hoa Kỳ

10-10-2020 - 20:10 PM | Sống

Cậu bé đã nói câu gì mà lại có thể khiến người cha hết giận, còn cho rằng câu nói của cậu đáng giá gấp 1000 lần cây anh đào bị chặt?

Cậu bé 6 tuổi và câu nói "thú tội" sau khi chặt mất cây anh đào cha cậu yêu thích

Có câu chuyện như thế này:

Một cậu bé 6 tuổi rất hiếu động và nghịch ngợm. Một hôm, cậu được người ta tặng cho một chiếc rìu làm quà. Vô cùng thích thú với món quà là một chiếc rìu nhỏ sắc bén, cậu bé liền nảy ra một ý nghĩ, "Hay là mình thử chặt cây anh nào này đi xem thế nào". 

Không ngần ngại, cậu bé tinh nghịch đã cầm chiếc rìu, ra sức bổ xuống một cây anh đào đang ra quả. Chỉ sau vài nhát rìu, cái cây đã bị sứt mẻ không ít, chẳng mấy chốc nữa có lẽ sẽ đổ xuống.

Khi phát hiện ra sự việc, cha cậu bé đã rất tức giận, vì đây là cây anh đào mà ông vô cùng yêu thích.

Lỡ chặt cây anh đào của cha, khi bị hỏi tội, con trai nói 1 câu và nhiều năm sau trở thành Tổng thống Hoa Kỳ - Ảnh 1.

"Thưa cha, con không thể nói dối cha được, chính con đã chặt đấy ạ", cậu bé 6 tuổi thú nhận. (Ảnh minh họa)

Ông đi tới để đối chất với cậu con trai: "Ai đã làm việc này vậy, con trai?". 

Trước sự tức giận thể hiện rõ rệt trên gương mặt người cha, cậu bé 6 tuổi run lên vì sợ. Cậu ngước lên nhìn khuôn mặt của cha mình ngay lúc này, chỉ thấy sự nghiêm nghị và phẫn nộ ở trong đó, hoàn toàn không có sự dịu dàng như thường ngày.

Im lặng trong giây lát, rồi cậu dõng dạc trả lời: "Thưa cha, con không thể nói dối cha được, chính con đã chặt đấy ạ". 

Nghe thấy câu nói đầy bất ngờ từ cậu con trai, người cha hoàn toàn sững sờ. Ông không nghĩ một đứa trẻ 6 tuổi khi thấy cha mình tức giận như vậy lại không hề nghĩ cách chối tội, mà dũng cảm thừa nhận sai lầm của mình, còn khẳng định, "Con không thể nói dối cha được". 

Sự việc này cũng gây sốc cho ông không khác gì việc nghe tin cây anh đào mà ông yêu thích đang bị đốn hạ. Vì thế, ông đã đi đến bên cậu con trai của mình, ôm cậu bé vào lòng rồi nói: "Lại đây, con trai. Sự trung thực của con còn đáng giá gấp 1000 lần cây anh đào cơ".  

Có lẽ câu chuyện này sẽ không được ai biết tới, nếu như nhiều năm sau, cậu bé không lớn lên và trở thành 1 trong những vị Tổng thống vĩ đại nhất Hoa Kỳ, Tổng thống George Washington (1732 - 1799) - vị Tổng thống đầu tiên của quốc gia này.

Tại sao sự trung thực lại quan trọng đến thế?

Có rất nhiều giai thoại liên quan đến cố Tổng thống Hoa Kỳ George Washington, song nổi tiếng bậc nhất có lẽ là câu chuyện chặt cây anh đào nói trên.

Mặc dù còn một số ý kiến cho rằng, đó chỉ là câu chuyện hư cấu do những người viết sử sách tạo ra nhằm hình tượng hóa một vị Tổng thống được người dân Mỹ ngưỡng mộ, tuy nhiên, mục đích giáo dục tích cực của câu chuyện và việc nó được viết dựa trên những phẩm chất tốt đẹp có thật của George Washington thì là điều không cần phải bàn cãi.

Trong suốt những năm tháng phục vụ quân đội, tích lũy kinh nghiệm để trở thành một tư lệnh quân sự trong cuộc Cách mạng Mỹ, George Washington luôn được ca ngợi bởi sự can đảm, kiên cường và hết sức trung thực.

Chính điều này đã khiến ông được các binh sĩ vô cùng nể phục. Ông xuất hiện như một vị chỉ huy tự nhiên và họ tuyệt đối tuân lệnh ông mà không thắc mắc điều gì.

Lỡ chặt cây anh đào của cha, khi bị hỏi tội, con trai nói 1 câu và nhiều năm sau trở thành Tổng thống Hoa Kỳ - Ảnh 2.

Trung thực là thành thực với người khác và cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính.

Tính trung thực giúp con người trở nên đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ, giao dịch, đó là sức mạnh lớn nhất giúp thuyết phục người khác, giúp người khác toàn tâm toàn ý, dốc sức hỗ trợ bạn mà không cần phải suy nghĩ. Nó khiến bạn "đáng tiền" trong mắt của người khác. Nó sẽ đem lại những món quà tuyệt vời mà dù bạn có bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không thể mua được.

Nhà văn nổi tiếng của Mỹ Walter Anderson cho rằng: "Cuộc sống sẽ thay đổi khi chúng ta biết nắm bắt các cơ hội cho mình, nhưng cơ hội đầu tiên và khó khăn nhất lại là việc chúng ta phải thành thật với chính bản thân mình". Ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, ta vẫn cần phải sống trung thực, có thế, ta mới có thể ngẩng cao đầu mà sống và cảm thấy thanh thản trong lòng.

Nhà văn Anh Samuel Johnson cũng từng nói: "Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, còn hiểu biết mà không trung thực thì thật là nguy hiểm và đáng sợ. Còn những người trung thực và hiểu biết sẽ là những người viết nên lịch sử của chính mình". 

Có thể nói, George Washington là một người vừa trung thực, lại vừa hiểu biết, và rõ ràng là ông đã tự viết nên những trang sử tuyệt vời về mình.

Về sau, câu chuyện cậu bé 6 tuổi chặt cây anh đào của cha lấy cảm hứng từ vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đã xuất hiện trong rất nhiều cuốn sách thiếu nhi và trở thành câu chuyện kể cho con trước khi đi ngủ của những bậc phụ huynh không chỉ ở Mỹ mà còn là nhiều quốc gia khác mong muốn nuôi dạy nên những công dân trung thực cho xã hội.

Theo Mount Vernon

Theo Thanh Hương

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên