MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lộ chi tiết mật về tên lửa nhắm vào Nga trong "kế hoạch chiến thắng": Ông Zelensky nổi giận với Nhà Trắng

01-11-2024 - 08:11 AM | Tài chính quốc tế

Yêu cầu cung cấp tên lửa Tomahawk của Ukraine là "thông tin bí mật" giữa các đối tác, Tổng thống Zelensky phàn nàn vào ngày 30/10 sau khi tin tức bị rò rỉ trên truyền thông Mỹ.

Tờ New York Times hôm 29/10 đưa tin rằng, theo các quan chức Mỹ giấu tên, yêu cầu cung cấp tên lửa Tomahawk có tầm bắn 2.400 km là một phần của "gói răn đe phi hạt nhân" bí mật được đưa vào kế hoạch chiến thắng của Ukraine.

Các nguồn tin nói với tờ báo Mỹ rằng Washington không tin rằng Kyiv cần loại vũ khí đó và không muốn cung cấp chúng do số lượng có hạn.

"Đó là thông tin mật giữa Ukraine và Nhà Trắng. Làm sao để [mọi người] hiểu những thông điệp này?" ông Zelensky nói trong một cuộc họp báo với các nhà báo từ các nước Bắc Âu.

"Điều này có nghĩa là [giữa các đối tác] không có [bảo mật]", Tổng thống Ukraine tuyên bố.

Lộ chi tiết mật về tên lửa nhắm vào Nga trong "kế hoạch chiến thắng": Ông Zelensky nổi giận với Nhà Trắng- Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong một sự kiện có sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới ra Tuyên bố chung về Hỗ trợ Phục hồi và Tái thiết Ukraine bên lề Phiên họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York vào ngày 25/9/2024. Ảnh: Getty

Theo ông Zelensky, Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp tên lửa Tomahawk với điều kiện là họ sẽ chỉ triển khai chúng nếu Nga từ chối chấm dứt cuộc chiến và hạ nhiệt căng thẳng.

"Tôi đã nói rằng đây là một biện pháp phòng ngừa. [Nhưng] tôi đã được thông báo rằng đó là một sự leo thang", nhà lãnh đạo Ukraine nói.

Ông Zelensky tiếp tục đặt câu hỏi về phản ứng toàn cầu sẽ như thế nào nếu binh lính Triều Tiên đến Ukraine và tuyên bố rằng đã có "nhiều lời lẽ hoa mỹ" và "những bước đi yếu ớt" từ các nhà lãnh đạo.

Theo tờ Kyiv Independent, Ukraine đã cố gắng đảm bảo sự hỗ trợ bổ sung từ Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2025. Có những lo ngại rằng Washington có thể giảm bớt sự ủng hộ với Kyiv nếu ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump thắng cử vào ngày 5/11 tới.

Têu cầu cung cấp tên lửa Tomahawk là một phần của "gói răn đe phi hạt nhân" trong "kế hoạch chiến thắng" của ông Zelensky. Kyiv Independent đưa tin, đối mặt với những bước tiến quân sự của Nga và sự ủng hộ ngày càng không chắc chắn của phương Tây, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đưa ra kế hoạch chiến thắng có 5 điểm chính thức và 3 điểm bí mật chỉ được chia sẻ với một số đối tác nhất định, bao gồm các bước được cho là sẽ chấm dứt cuộc xung đột vào năm 2025.

Một số điểm trong kế hoạch đó đã nhận được phản ứng thờ ơ từ các đồng minh, với việc Nhà Trắng vẫn từ chối cho phép các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga và một số thành viên NATO phản đối lời mời của tổ chức này dành cho Ukraine.

Theo New York Times, tên lửa Tomahawk được có "tầm bắn xa hơn 7 lần so với hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS mà Ukraine đã nhận được trong năm nay".

Các quan chức Mỹ nói với tờ báo này rằng, Ukraine "chưa đưa ra lập luận thuyết phục với Washington về cách sử dụng vũ khí tầm xa" và ông Zelensky được cho là đã rất ngạc nhiên khi Tổng thống Mỹ Joe Biden không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ở Nga hồi tháng 9.

Lộ chi tiết mật về tên lửa nhắm vào Nga trong "kế hoạch chiến thắng": Ông Zelensky nổi giận với Nhà Trắng- Ảnh 2.

Tàu USS Chafee (DDG-90) của Hải quân Mỹ phóng tên lửa Tomahawk Block V trong đợt thử nghiệm hoạt động đầu tiên vào năm 2020. Ảnh: Getty

Tờ Newsweek (Mỹ) đưa tin, tên lửa hành trình Tomahawk là vũ khí do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Raytheon (Mỹ) sản xuất, được phóng từ tàu chiến, tàu ngầm và bệ phóng trên mặt đất, có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 1.600 km. Phiên bản mới nhất của loại tên lửa được GPS hỗ trợ này có thể thay đổi mục tiêu theo lệnh giữa hành trình và đã được hải quân Mỹ và Anh sử dụng.

Phân tích do công ty tư vấn về công nghiệp quốc phòng Defense Express (Ukraine) thực hiện xác định rằng Ukraine sẽ cần 1.000 tên lửa Tomahawk mang đầu đạn nặng 450 kg để tạo ra khả năng răn đe chiến lược phi hạt nhân đối với Nga, và sẽ tiêu tốn 4,25 tỷ USD.

Theo Newsweek, trước đây, chỉ có hai quốc gia là Nhật Bản và Australia được cấp phép mua tên lửa Tomahawk từ Mỹ.


Theo Hữu Hiển

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên