MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo chính sách cho Fintech

11-09-2019 - 13:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Để thu hút đầu tư các công ty Fintech cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân cần có những hành lang pháp lý cụ thể cho fintech hoạt động càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết...

Fintech tăng nhanh

Phát biểu tại Hội thảo “Nuôi dưỡng hệ sinh thái Fintech Việt Nam hướng tới phát triển bền vững” tổ chức hôm 10/9 tại TP. HCM, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN Việt Nam cho biết, Fintech một lĩnh vực rất rộng, bao gồm: các công ty làm trung gian thanh toán, blockchain, cho vay ngang hàng và các giải pháp liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, quản lý tài chính cá nhân… Fintech hoạt động theo Luật Đầu tư nhưng là một loại hình kinh doanh có điều kiện nên cần có thêm giấy phép do cơ quan quản lý tiền tệ cấp phép.

Theo thống kê của Vụ Thanh toán, tốc độ phát triển của các công ty Fintech đang tăng rất nhanh ở Việt Nam, nếu năm 2016 mới có khoảng 40 công ty, đến cuối tháng 6/2019 đã tăng lên đến hơn 150 công ty. Cho đến nay NHNN đã cấp phép đủ điều kiện kinh doanh cho 30 đơn vị làm trung gian thanh toán, trong số đó chủ yếu là các nhà cung ứng ví điện tử ra thị trường.

Việt Nam hiện là quốc gia được các nhà đầu tư đánh giá đang có môi trường rất tiềm năng cho hoạt động đầu tư của các công ty Fintech. Với dân số hơn 96 triệu người nhưng có đến 60% người dân đang sống ở khu vực nông thôn, đa phần khó khăn tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống. Trong khi đó tỷ lệ chi nhánh ngân hàng trên đầu người ở khu vực nông thôn hiện nay còn rất thấp, thống kê của NHNN cho thấy chỉ có khoảng 3,87 chi nhánh ngân hàng trên 100.000 người trưởng thành.

Để thu hút đầu tư các công ty Fintech cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân cần có những hành lang pháp lý cụ thể cho fintech hoạt động càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhất là trong bối cảnh Đề án tài chính toàn diện của Chính phủ, trong đó đặc biệt có ý nghĩa về vấn đề phổ cập tài chính và nâng cao khả năng thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.

Vào tháng 3/2017, Thống đốc NHNN đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo Fintech giao nhiệm vụ cho các vụ cục chức năng tham mưu và xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái fintech Việt Nam. Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, trong đó giao nhiệm vụ cho NHNN nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm (Sandbox) cho hoạt động Fintech và nghiên cứu cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng.

NHNN có kế hoạch nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới việc ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức.

Theo Vụ Thanh toán, trên thế giới thời gian thử nghiệm Sandbox cho Fintech thông thường 6 tháng, còn tại Việt Nam quá trình này có thể từ 1 đến 2 năm tùy theo từng trường hợp cụ thể, và để được tham gia Sandbox, các doanh nghiệp cần nộp đơn đăng ký xin được tham gia.

Tùy từng trường hợp, NHNN và doanh nghiệp sẽ thảo luận quyết định về phạm vi địa lý, hạn mức giao dịch, số lượng khách hàng tham gia dịch vụ và thời gian mong muốn thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo để Chính phủ giám sát để tới khi hết thời gian thử nghiệm, khi mô hình thành công sẽ được chính thức hóa, góp phần hạn chế triệt để những rủi ro do thiếu quy định quản lý gây ra.

Fintech và NHTM bổ trợ cho nhau

Cùng với tốc độ phát triển nhanh của các công ty Fintech, trong những năm qua dịch vụ ngân hàng điện tử cũng phát triển rất nhanh, hiện có 24 ngân hàng đã triển khai thanh toán bằng mã phản hồi nhanh (QR Code) với hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán, 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet, 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại. Đặc biệt các điểm chấp nhận thanh toán bằng QR Code đang phát triển từng ngày, cứ sau mỗi tuần, mỗi tháng lại ghi nhận có thêm nhiều điểm chấp nhận thanh toán bằng mã phản hồi nhanh.

Theo số liệu của Vụ Thanh toán, tính đến cuối tháng 6/2019 tổng số lượng giao dịch thông qua kênh internet đã lên đến 204,22 triệu giao dịch tăng hơn 60,64%, trong đó giá trị giao dịch đạt 9,5 triệu tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó tổng số lượng giao dịch thông qua kênh điện thoại di động đã lên đến 169,86 triệu giao dịch tăng hơn 109,48%, trong đó giá trị giao dịch đạt 1,761 triệu tỷ đồng tăng 160,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Vấn đề làm sao Fintech và các dịch vụ ngân hàng hiện đại có thể hợp tác với nhau để cung ứng dịch vụ tài chính tiện lợi với chi phí thấp cho người dân? Ông Arthur Leong - Phó chủ tịch cao cấp và Trưởng ban chiến lược các dự án đặc biệt và đầu tư Fintech của Ngân hàng UOB Singapore chia sẻ, giai đoạn mới xuất hiện Fintech và ngân hàng luôn cạnh tranh nhau, thậm chí có quan điểm ở các nước châu Âu và Mỹ còn cho rằng Fintech sẽ thay thế ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính trong tương lai.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay thì sự hợp tác với ngân hàng đang tăng lên rất nhiều trong lĩnh vực thanh toán và nhất là doanh thu của các công ty Fintech có phối hợp với ngân hàng tăng đều đặn hơn và ít gặp tổn thất về doanh thu hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, các ngân hàng ban đầu cũng rất e dè Fintech có thể lấy đi khách hàng của mình thì hiện nay ngân hàng kết hợp với Fintech đã cùng nhau cung cấp các dịch vụ bảo hiểm và hỗ trợ nhau về dịch vụ.

Ông Arthur Leong cho rằng, sự hợp tác giữa Fintech và NHTM sẽ bổ sung cho nhau những thiếu hụt của mỗi bên. Ví như Fintech có công nghệ, nhưng cần khách hàng của ngân hàng trải nghiệm người dùng dịch vụ thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại. Trong khi NHTM có niềm tin với khách hàng và thương hiệu, quy mô rộng lớn mà Fintech có thể sử dụng để tiếp cận nhanh chóng khách hàng. Theo đó, ngoài các hoạt động thanh toán điện tử hai bên còn hỗ trợ nhau triển khai các khoản vay điện tử, mở rộng mobile banking…

Thế nhưng, các chuyên gia cũng khuyên các Fintech hợp tác cần phải chú ý đến chiến lược và phân khúc khách hàng của từng ngân hàng khác nhau, nên khi Fintech đặt vấn đề hợp tác cần phải nêu rõ cụ thể sản phẩm của Fintech có lợi thế gì để cung cấp cho ngân hàng.

Ông Arthur Leong cho rằng, bên cạnh việc hợp tác với Fintech, các ngân hàng cũng cần dành ra một khoản đầu tư để phát triển công nghệ, đặc biệt là phải thay đổi tư duy của nhân viên ngân hàng trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ bằng công nghệ thay vì giữ thói quen cách làm truyền thống. Đơn cử trường hợp của UOB, việc hợp tác với Fintech đã tạo lợi thế cho ngân hàng có doanh thu chiến lược và UOB gần đây cũng đã có những khoản vốn đầu tư cho Fintech và đang có kế hoạch đầu tư cho Fintech ngoài Singapore.

Ông Arthur Leong cho rằng, cộng đồng Fintech Việt Nam hiện nay có thể tiếp cận vốn bằng nhiều nguồn khác nhau từ các quốc gia châu Âu, Mỹ và một số nước trong khu vực bên cạnh nguồn vốn trong nước. Bên cạnh đó, những dự án Fintech khả thi và có tính thương mại cao có thể tiếp cận vốn tín dụng của các NHTM để thực hiện phát triển.

Theo Đình Hải

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên