Lô củ cải muối Việt đầu tiên xuất Nhật, thu nhập nông dân tăng gấp 4 lần
18 tấn củ cải muối đầu tiên của Việt Nam vừa được xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản sau một thời gian thực hiện mô hình liên kết, giúp người dân tăng thu nhập gấp 4 lần so với cây trồng truyền thống đang canh tác.
- 16-01-2023Đằng sau món thịt bò đắt nhất thế giới: Bò được chăm sóc 'tận răng', nhất cử nhất động đều được theo dõi bằng app, cảnh báo ngay đến chủ nếu bị vấp ngã
- 16-01-2023Khổ sở tìm shipper giao hàng ngày cận Tết
- 16-01-2023Vé máy bay, vé xe Tết còn nhưng giá cao
Đây là kết quả từ việc liên kết chuỗi giá trị giữa Hà Giang với Công ty TNHH Việt Nam Misaki (Nhật Bản). Theo đó, để có những lô hàng củ cải muối xuất khẩu, doanh nghiệp đã liên kết chặt chẽ với bà con nông dân các vùng trồng huyện Xín Mần (Hà Giang), cơ sở đóng gói đã phải chuẩn bị sẵn sàng và trải qua rất nhiều khâu khảo sát, kiểm tra, đáp ứng yêu cầu về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã cung ứng giống, vật tư phân bón cho bà con nông dân. Sau đó, sản phẩm được bán lại cho công ty theo đúng cam kết. Việc thực hiện mô hình liên kết trồng củ cải giúp người dân Hà Giang tăng gấp 4 lần thu nhập (khoảng 133 triệu đồng/ha) so với cây ngô truyền thống vẫn canh tác.
Chương trình bao gồm các sản phẩm như: Củ cải, gừng trâu, các mô hình liên kết củ kiệu, tre Bát Độ. Phía doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã hoàn thiện xưởng sơ chế và chế biến sâu củ cải quy mô 1.000 tấn/năm.
Lô củ cải đầu tiên được bốc xếp chờ vận chuyển qua thị trường Nhật Bản
Sự kiện này là cơ hội để tổ chức phát triển sản phẩm nông sản tại Hà Giang theo hướng hàng hóa, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ.
Theo kế hoạch, lô hàng củ cải đầu tiên sẽ xuất bến cảng Việt Nam và cập cảng Nhật Bản trong khoảng 7 ngày tới.
Trước đó, lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu thành công sang Nhật. Đơn vị xuất khẩu lô hàng này là Công ty TNHH Hoàng Phát. Sau lô nhãn này, mỗi tháng Công ty TNHH Hoàng Phát sẽ cung ứng khoảng 70 - 100 tấn nhãn tươi bằng đường biển và đường hàng không sang Nhật Bản.
Theo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam mất 6 năm đàm phán để mở cửa thị trường Nhật Bản cho trái nhãn Việt. Nhật Bản là một thị trường rất khắt khe, minh bạch, yêu cầu chất lượng cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Nhật Bản là thị trường rất tiềm năng, mỗi năm nhập đến 20 tỷ USD rau quả các loại, trong khi đó Việt Nam chiếm chưa tới 3%.
Việc được Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu cho thấy trái nhãn Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có thể khai thác mạnh để tăng trưởng tốt trong những năm tới.
Hiện, Việt Nam có hơn 80.000 ha trồng nhãn, sản lượng đạt 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên, mới có khoảng 2.000ha và 3 nhà máy sơ chế đóng gói sản phẩm được cấp mã số trồng và xuất khẩu sang Nhật Bản. Với thành công bước đầu và kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đưa trái nhãn vào nhiều thị trường cao cấp, nâng cao giá trị và hiệu quả cho sản xuất trong nước.
Tiền Phong