Lộ danh tính một ông lớn ngoại với loạt thương vụ M&A bất động sản lớn trong năm 2023
“Giai đoạn 2020 – 2021, M&A không dễ dàng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng năm 2023 là năm thành công với chúng tôi khi đã hoàn tất 3 thương vụ", Chủ tịch Gamuda Land Việt Nam tiết lộ.
Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 lần thứ 15 với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng” do báo Đầu tư tổ chức, ông Angus Liew, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Gamuda Land Việt Nam nhấn mạnh: Tiềm năng bất động sản công nghiệp, nhà ở và cả khách sạn tại Việt Nam còn rất lớn.
Vị này chia sẻ, khi M&A, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn các dự án có kết quả nhanh vì mục tiêu của Gamuda Land sau khi bỏ tiền vào thì 7 năm sau đã giao được nhà và giao dịch hoàn thành. Việt Nam là quốc gia phù hợp với chiến lược này của doanh nghiệp. Đó là lý do Gamuda Land bắt đầu M&A tại Việt Nam từ năm 2020.
“Giai đoạn 2020 – 2021, M&A không dễ dàng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng năm 2023 là năm thành công với chúng tôi khi đã hoàn tất 3 thương vụ”, Chủ tịch Gamuda Land nhấn mạnh.
Ông Angus Liew cho hay, nguồn cung bất động sản của Việt Nam còn hạn chế, dân số trẻ. Sẽ có 50% dân số Việt Nam chuyển dịch lên mức sống trung lưu trong tương lai, kéo theo nhu cầu nhà ở tốt hơn. Cùng với đó, pháp lý cũng đang dần thuận lợi hơn. Đó là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài vào M&A bất động sản.
Sắp tới, Việt Nam sẽ rất hấp dẫn nhà đầu tư ngoại khi một số điểm trong luật mới được thông qua.
Về động thái với thị trường bất động sản Việt Nam, ngoài tự phát triển các dự án ở Hà Nội và Tp.HCM, Gamuda Land bắt đầu M&A từ cuối năm 2021, sau đó đẩy mạnh vào nửa cuối năm 2022 - giai đoạn thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu “thấm đòn” sau hàng loạt các chính sách siết chặt thị trường trái phiếu.
Thương vụ M&A đầu tiên của doanh nghiệp này vào ngày 15/10/2021, Gamuda Land công bố đã thâu tóm lô đất 5.6ha thuộc dự án khu nhà ở thương mại dãy phố Ngân Hà (tên cũ là Uni Galaxy - giai đoạn 2 của dự án Uni Town) từ CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương với giá trị 53.88 triệu USD (tương đương 1,250 tỷ đồng). Dự án toạ lạc tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Sau khi về tay Gamuda Land, dự án được đổi tên thành Artisan Park với quy mô 349 căn nhà thấp tầng, chia làm 2 loại là nhà 4 tầng (diện tích sàn từ 275 - 444 m2) và 3 tầng (177 - 262 m2).
Chưa đầy 1 năm sau thương vụ này, Gamuda Land tiếp tục sáp nhập 1 công ty bất động sản nội địa khác là Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Trường Tín, vào tháng 7/2022, qua đó sở hữu khu phức hợp căn hộ cao tầng tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM. Dự án này có tên pháp lý là khu chung cư cao tầng tại phường Trường Thạnh, Tp.Thủ Đức (tên thương mại là Elysian), với diện tích đất khoảng 2.8ha. Giá trị thương vụ M&A không được tiết lộ, nhưng được biết dự án có tổng mức đầu tư gần 2,930 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư chiếm 20%.
Mới đây nhất, Gamuda Land đã khiến thị trường bất động sản bất ngờ với việc ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần để mua lại CTCP Bất động sản Tâm Lực với giá 315.8 triệu USD (khoảng gần 7,500 tỷ đồng) vào giữa tháng 7/2023.
Ông Angus Liew nhấn mạnh, tiềm năng bất động sản công nghiệp, nhà ở và cả khách sạn tại Việt Nam còn lớn. Bên cạnh đó, mảng bất động sản du lịch sẽ tích cực hơn khi lượt khách quốc tế đang tăng trưởng. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất chỉ được 50 năm, nhà đầu tư nước ngoài chưa quen chuyện này và cân nhắc nhiều. Cùng đó, với bộ Luật mới được thông qua sẽ có nhiều thay đổi nên nhà đầu tư cần thời gian để tìm hiểu sâu về Việt Nam.
Theo số liệu từ KPMG, tổng giá trị giao dịch M&A trong 10 tháng đầu năm 2023 là 4,4 tỷ USD với hơn 260 thương vụ, trong đó 80% giá trị giao dịch từ các ngành y tế, tài chính, và bất động sản. Giá trị trung bình các thương vụ là 54,5 triệu USD, giá trị thương vụ lớn nhất ghi nhận đến 1,45 tỷ USD. Mức độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,3% từ năm 2008.
Nhìn về phía trước, thị trường M&A Việt Nam được các chuyên gia phân tích đã sẵn sàng cho tăng trưởng vào năm 2024. Ngành bất động sản tiếp tục sôi nổi các thương vụ M&A nhờ nhu cầu về tài sản chất lượng cao.
"Việt Nam có đầy đủ nền tảng để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Thực tế, thời gian qua chúng ta cũng nhìn thấy sự gia tăng nhu cầu bất động sản công nghiệp do dòng vốn FDI đổ vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp sẽ vẫn phát triển tốt. Các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản cũng sẽ gia tăng", Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và Khối bất động sản nhà ở, Công ty Frasers Property Vietnam.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia cũng nhìn nhận, xu hướng chung thì M&A Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng và M&A đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của nhiều Tập đoàn lớn.
Nhịp sống thị trường