Lộ diện kho báu ẩn dưới các tầng băng tan, không ai rời mắt nhưng chưa dám 'động vào' vì lý do này
Lớp băng ở Nga đang tan dần, mở ra một con đường giao thương đầy tiềm năng, nhưng cũng hé lộ những kho báu quý giá ẩn mình dưới đáy đại dương. Tuy nhiên, khai thác chúng có thể đe doạ đến môi trường.
- 01-12-2021Lạm phát 'khủng' có thể khiến Fed tăng lãi suất 6 lần trước 2024
- 01-12-2021Một siêu thị chơi lớn khi bán áo khoác Gucci chính hãng 120 triệu đồng với giá 360.000 đồng
- 01-12-2021Ray Dalio: 'Tiền mặt không còn là khoản đầu tư an toàn!'
Nước cộng hoà lớn nhất thuộc Liên bang Nga là Yakutia, nơi mệnh danh là vùng đất lạnh nhất thế giới có người sinh sống. Yakutia trải rộng khắp vòng Bắc Cực và rộng tương đương với Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Phần Lan và Romania cộng lại. Tuy nhiên, Yakutia chỉ có vỏn vẹn 1 triệu dân.
Trong thập kỷ qua, tình trạng băng tan mở ra một tuyến đường hàng hải mới dọc theo bờ biển của khu vực này - Tuyến đường Biển Bắc (Northern Sea Route - NSR). Đây là tuyến đường ngắn nhất giữa các cảng ở Đông Á và Tây Âu. Không những thế, vùng nước băng giá còn hé lộ một thứ có giá trị hơn rất nhiều: những mỏ coban, thiếc và kim loại đất hiếm nằm sâu dưới đại đương.
Thời tiết khắc nghiệt và những trở ngại khác trong việc khai thác đã khiến cho việc tìm kiếm dọc Tuyến đường Biển Bắc trở thành một công việc đầy rủi ro. Tuy nhiên, hàng loạt các tổ chức nhà nước của Nga và các nhà đầu tư tư nhân đều đang để mắt đến những mỏ khoáng sản nằm sâu dưới nước, bên cạnh những khu vực dầu mỏ và khí đốt.
Việc phát hiện ra các mỏ khoáng sản trên đất liền mang đến hy vọng về khối lượng khoáng sản lớn hơn ngoài khơi. Các khối vật chất rắn là những quả cầu oxit nhỏ nằm rải rác khắp đáy đại dương, lần đầu tiên được phát hiện ở ngoài khơi Siberia, mang đến nhiều hứa hẹn. Chúng chứa những loại khoáng sản có thể dùng cho mọi thứ từ đồ điện tử đến pin sạc.
Nhưng có một vấn đề đang tồn tại. Các khối chất rắn được hình thành khi nước biển gặp các khoang magma dưới đáy biển. Nước này được làm nóng ở nhiệt độ cực cao trước khi chảy ngược lại bề mặt thông qua các miệng núi lửa dưới đáy biển như các lỗ ống khói.
Nước xung quanh các miệng núi lửa dưới biển cũng được làm ấm, duy trì hệ sinh thái đặc biệt của đáy đại dương. Tuy nhiên, môi trường sống này chưa được tìm hiểu chuyên sâu và sẽ phải mất nhiều thập kỷ để nghiên cứu đầy đủ.
Trong trường hợp không có các biện pháp kiểm soát môi trường phù hợp, các nhà sinh thái và hải dương học lo ngại rằng việc khai thác khoáng sản xung quanh miệng núi lửa có thể phá huỷ môi trường sống đặc biệt của sinh vật xung quanh.
Javier Escartin thuộc Laboratoire de Géologie, một học viện ở Paris, cho biết: "Đánh giá tác động trên đất liền sẽ dễ dàng hơn. Chúng tôi không có dữ liệu về đại dương, nơi mà các hệ sinh thái thường rất dễ bị tổn thương nên chúng không thể phục hồi theo mốc thời gian của con người".
Một cuộc đánh giá dọc theo Tuyến đường Biển Bắc sẽ sử dụng robot tinh vi để thu thập mẫu và lập bản đồ đáy biển. Những nỗ lực này sẽ tiêu tốn nhiều tiền đến nỗi sẽ khiến việc khai thác tài nguyên dưới biển trở nên khó khăn.
Hiện tại, các công ty khai thác của Nga còn đang dè dặt. Alrosa, nhà sản xuất kim cương lớn nhất của Nga, gọi Yakutia là "biên giới phía bắc để thăm dò ngắn hạn", mặc dù công ty không cung cấp thông tin chi tiết cụ thể.
Nornickel, một nhà sản xuất niken lớn ở ngoài khơi bán đảo Taimyr, nhấn mạnh sự cần thiết của các tiêu chuẩn xây dựng nhưng họ "sẽ không tiến hành khai thác dưới đáy biển sâu và hiện không có kế hoạch để thực hiện việc này".
Tuy nhiên, vào năm 2001, Nga đã đệ trình một yêu sách mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của mình ngoài 200 hải lý, ở một số nơi như Bắc Cực.
Yakutia từ một vùng cô lập hoàn toàn trong băng 20 năm trước, hiện đã trở thành khu vực mà tàu thuyền có thể qua lại bình thường xuyên suốt 4 tháng trong năm. Hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể tiếp tục mở rộng quãng thời gian này.
Khi tuyến đường trở nên bận rộn hơn, nhiều người nhận thấy những rủi ro đáng báo động. Bên cạnh việc nghiên cứu các tác động đến môi trường, những lời kêu gọi được đưa ra để bảo vệ người dân bản địa, hạn chế nạo vét, gây ô nhiễm, và yêu cầu hoạt động khai thác minh bạch.
Người sáng lập Viện Bắc Cực Malte Humpert, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết: "Quy định là không đủ, đặc biệt là hiện tại Bắc Cực đã mở cửa cho các hoạt động kinh doanh". Dường như Tuyến đường Biển Bắc là điểm nóng mới nổi về kinh tế và môi trường, cả trên đất liền và dưới đáy đại dương.
Theo The Economist