Lộ diện ngân hàng lãi 'khủng' từ bán bảo hiểm
Nhiều ngân hàng ghi nhận doanh thu tăng từ phí dịch vụ bảo hiểm. Đơn cử như KienlongBank trong quý III vừa qua thu từ bảo hiểm gần 40 tỷ đồng, tăng gần 73% cùng kỳ.
- 23-11-2024Đề xuất DNNN không được rót vốn vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm
- 14-11-2024Bảo hiểm Vietinbank tri ân khách hàng với siêu khuyến mãi lên tới 30% phí bảo hiểm
- 12-11-2024Người mua chứng chỉ tiền gửi lưu ý: Quy định về bảo hiểm an toàn cho loại hình đầu tư này
Báo cáo tài chính quý III của Techcombank cho thấy, thu từ phí dịch vụ bảo hiểm mang về 594 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Techcombank và Manulife Việt Nam có 8 năm hợp tác về bán bảo hiểm. Tuy nhiên, kể từ ngày 14/10 Techcombank và Manulife Việt Nam chấm dứt hợp tác. Sau đó ngân hàng này góp vốn thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ Techcom.
Một ngân hàng khác cũng ghi nhận tăng trưởng cao với mảng bảo hiểm, là KienlongBank. Theo đó, quý III, thu từ bảo hiểm mang về cho KienlongBank gần 40 tỷ đồng, tăng gần 73% cùng kỳ.
Tương tự, VPBank cũng có sự phục hồi đáng kể ở mảng bán chéo bảo hiểm. 9 tháng đầu năm nay, thu từ bảo hiểm mang cho VPBank 2.820 tỷ đồng, tăng gần 52%.
Tại SeABank, thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm mang về hơn 87 tỷ đồng, tăng hơn 14% cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, năm 2022 và 2023 các ngân hàng gặp "khủng hoảng" về bảo hiểm sau khi nhiều phản ánh liên quan đến việc hô biến tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm. Nhiều khách vay vốn ngân hàng cũng "tố" bị ép mua bảo hiểm...
Theo kết luận thanh tra Bộ Tài chính công bố năm 2023, tỷ lệ hủy hợp đồng qua kênh ngân hàng nhiều nhất. Tiêu biểu như tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực sau năm đầu tiên của BIDV Metlife ở mức 39,4%, của MB Ageas 32,4%, của Prudential 41%, AIA ở mức 57%, Sunlife từ 39-73% (tùy theo ngân hàng phát hành hợp đồng). Một số doanh nghiệp khác cũng có tỷ lệ hợp đồng mất hiệu lực tương tự mức trên.
Tuy nhiên, việc tăng nguồn thu từ bảo hiểm trở lại qua kênh ngân hàng khiến nhiều ngân hàng gia tăng việc sở hữu công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Cụ thể, VPBank, ngoài việc là đối tác độc quyền của AIA Việt Nam, tháng 11/2022, ngân hàng hoàn tất thâu tóm Bảo hiểm OPES (doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ) thông qua việc sở hữu 98% vốn điều lệ.
Ngân hàng LPBank chính thức tiếp nhận Bảo hiểm Xuân Thành từ tháng 2 năm nay và đổi tên thành Bảo hiểm LPBank.
Techcombank góp vốn 11% thành lập Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom. Ngoài ra, các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank,… đều sở hữu một công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 mới có hiệu lực nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán cho rằng, bán bảo hiểm qua ngân hàng là một trong các kênh phân phối, bán sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, đây là kênh bán hàng tận dụng được ưu thế của cả ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, tại Việt Nam thời gian qua xuất hiện biến tướng thị trường, gây ảnh hưởng tới lòng tin của khách hàng. Sau khi mất niềm tin, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ suy giảm khiến hợp tác này không còn mang lại kết quả tốt như trước.
“Việc các bộ, ngành đưa ra giải pháp triệt để, phối hợp giám sát sẽ giúp kênh phân phối ngân hàng phát triển lành mạnh. Đây cũng là cơ hội để ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ xem xét, điều chỉnh điều khoản phù hợp với tình hình mới. Khi hủy hợp tác, yếu tố quan trọng nhất, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải đảm bảo duy trì quyền lợi cho khách hàng như hợp đồng đã ký kết”, ông Đán nói.
Tiền phong