MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lộ diện ‘ngôi sao’ xuất khẩu giúp Việt Nam kiếm gần 100 tỷ USD trong 4 tháng 2023

Lộ diện ‘ngôi sao’ xuất khẩu giúp Việt Nam kiếm gần 100 tỷ USD trong 4 tháng 2023

Nhóm hàng xuất khẩu này ước đạt 96,1 tỷ USD, chiếm 88,5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023.

Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,39 tỷ USD.

Tháng 4/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 96,1 tỷ USD, chiếm 88,5%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,4 tỷ USD.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023 có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Lộ diện ‘ngôi sao’ xuất khẩu giúp Việt Nam kiếm gần 100 tỷ USD trong 4 tháng 2023 - Ảnh 1.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 96,1 tỷ USD, chiếm 88,5%.

Công nghiệp chế biến là gì?

Ngành công nghiệp chế biến bao gồm tất cả các xí nghiệp công nghiệp, các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp chuyên chế biến những sản phẩm của công nghiệp khai thác và sản phẩm của nông nghiệp. Ngoài ra công nghiệp chế biến còn bao gồm cả việc sửa chữa máy móc thiết bị và sửa chữa vật phẩm tiêu dùng.

Các hoạt động của ngành công nghiệp chế biến: Công nghiệp nhiệt điện, công nghiệp chế biến nhiên liệu, công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế tạo thiết bị máy móc, công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến gỗ, tre, nứa, lá, mây, song, cói… Công nghiệp sành, sứ, thủy tinh, đồ gốm, công nghiệp dệt, da, may, nhuộm, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp sản xuất sản phẩm phục vụ ngành y tế, văn hóa, giáo dục và các ngành công nghiệp chế biến khác.

Nghị quyết Đại hội đã đặt mục tiêu đến năm 2025 nước ta sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (GNI bình quân đầu người đạt trên 4.045USD), tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/3/2018 đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt 30%; tăng trưởng giá trị gia tăng ngành chế biến chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm; đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Lộ diện ‘ngôi sao’ xuất khẩu giúp Việt Nam kiếm gần 100 tỷ USD trong 4 tháng 2023 - Ảnh 2.

Trong năm 2022, 8 mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ lực đã đạt 255,67 tỷ USD.

Công nghiệp chế biến là “ngôi sao” của xuất khẩu Việt Nam

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2022, trị giá xuất khẩu là 371,3 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng 35,14 tỷ USD so với năm trước. Riêng 8 mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ lực đã đạt 255,67 tỷ USD, chiếm 68,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Đó là các nhóm hàng xuất khẩu điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, dệt may, da giày, thuỷ sản, đồ gỗ, sắt thép.

Trong đó, nhiều nhóm hàng tăng trưởng rất cao, như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, tính chung cả năm 2022 đạt 45,75 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm trước. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng này là: Hoa Kỳ đạt 20,18 tỷ USD, tăng 13,3%; EU đạt 5,76 tỷ USD, tăng 32,2%; Trung Quốc đạt 3,68 tỷ USD, tăng 28,3%; Nhật Bản đạt 2,76 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 2,73 tỷ USD, tăng 7%... so với năm 2021.

Hay hàng dệt may, kim ngạch xuất khẩu đạt 37,57 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2021. Xuất khẩu sang EU đạt 4,46 tỷ USD, tăng 34,7%; Nhật Bản đạt 4,07 tỷ USD, tăng 25,8%; Hàn Quốc đạt 3,31 tỷ USD, tăng 12,1%... so với năm 2021.

Tương tự là nhóm hàng giày dép các loại, xuất khẩu xấp xỉ 23,9 tỷ USD, tăng tới 34,6%. Như vậy, quy mô xuất khẩu giày dép các loại năm 2022 đã tăng tới 6,15 tỷ USD so với năm trước. Xuất khẩu giày dép các loại sang các thị trường chủ lực trong năm 2022 tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ đạt 9,62 tỷ USD, tăng 29,6%; EU đạt 5,91 tỷ USD, tăng 45,3%; Trung Quốc đạt 1,71 tỷ USD, tăng 7,3%... so với năm trước.

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên