MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Lộ diện" nhóm nhà băng sẵn sàng nhận 3 ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc

22-05-2024 - 07:39 AM | Tài chính - ngân hàng

"Lộ diện" nhóm nhà băng sẵn sàng nhận 3 ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc

Ba ngân hàng phải chuyển giao theo hình thức bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Đến thời điểm này, Chính phủ đã định giá xong 3 ngân hàng trên và dự kiến trình phê duyệt phương án trong tháng 5/2024 để hoàn tất việc bàn giao trong năm 2024.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á (DongABank), 3 ngân hàng Xây dựng (CBBank), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc.

Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 3 ngân hàng này và Ngân hàng Đông Á - nhà băng bị kiểm soát đặc biệt.

"Hiện nay, Chính phủ đã hoàn thành định giá 3 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao trong tháng 5/2024. Việc chuyển giao bắt buộc cũng sẽ hoàn thành trong năm nay", Phó thủ tướng cho biết.

Ngoài các ngân hàng yếu kém đang chờ phương án tái cơ cấu được duyệt, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã triển khai cơ cấu lại. Tính đến cuối tháng 4, lỗ lũy kế của ngân hàng này giảm 20%; nợ xấu hạ 37,7% (tương đương 15.000 tỷ).

Tuy vậy, khi thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đáng lo ngại. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng gặp nhiều khó khăn.

Theo Ủy ban Kinh tế, thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán) tồn tại nhiều vấn đề, làm gia tăng áp lực và tiềm ẩn rủi ro với hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, năm ngoái nhiều ngân hàng thương mại ghi nhận lãi lớn, như Vietcombank là 33.054 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022. BIDV lãi 22.027 tỷ, tăng 20%, hay MB đạt 21.053 tỷ đồng, tăng 16%.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân, mức độ tác động của tăng trưởng tín dụng đến phát triển kinh tế - xã hội. "Cần làm rõ việc các ngân hàng thương mại lãi lớn năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn", cơ quan thẩm tra đề nghị.

Lộ diện các nhà băng sẵn sàng nhận bàn giao các ngân hàng chuyển giao bắt buộc

Đến thời điểm hiện tại, dù chưa công bố chính thức, nhưng tại một số ngân hàng đã lên phương án nhận chuyển giao một ngân hàng khác.

Ví dụ như tại Vietcombank, để chuẩn bị cho kế hoạch này, ông Nguyễn Thanh Hùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã hoàn thiện phương án, đang trình NHNN phê duyệt (ngân hàng nhận chuyển giao là CBBank). Ngoài ra, VCB đã thành lập tiểu ban nghiệp vụ, rà soát quy định nội bộ.

Ngoài Vietcombank, còn có 3 ngân hàng khác công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là MB, VPBank và HDBank. Theo bà Phạm Thị Nhung, Phó tổng giám đốc VPBank, ngân hàng này đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc và sẽ bắt tay vào tái cơ cấu ngân hàng đó ngay khi được chuyển giao.

Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông trước đây của VPBank. Nhưng phải tới kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo cấp cao ngân hàng này mới lên tiếng khẳng định rằng, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Đối với MB cũng đã hoàn thiện đề án trình Chính phủ, NHNN. MB kỳ vọng, chương trình này có thể hoàn thành trong năm 2024 hoặc năm 2025. Khi đó, MB sẽ có không gian để phát triển trong 5 năm tới. Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, "phía ngân hàng này đã sẵn sàng với nhiệm vụ được giao".

Tuy nhiên, MB không sáp nhập ngân hàng, mà dự kiến nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng. Sau khi được nhận về, ngân hàng này vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Hết thời gian cơ cấu, MB mới tính đến việc có thực hiện sáp nhập, thoái vốn hay không.

Đối với HDBank liệu có tham gia tái cơ cấu một ngân hàng khác hay không? Trả lời tại Đại hội cổ đông, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho hay: "Khoảng 6-7 năm trước, khi HDBank nhận được lời đề nghị từ phía NHNN, chúng tôi đã sắp xếp và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc. Đây là vinh dự, trách nhiệm của HDBank", bà Thảo nói.

Theo Đinh Tịnh - Đức Trí

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên