Lộ diện Top 10 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam 2023: Tập đoàn Dầu khí dẫn đầu, VinFast tăng trưởng ấn tượng nhất
Ngày 6/10/2023 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đồng phối hợp chủ trì tổ chức sự kiện kỷ niệm 20 năm Chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam (2003-2023), công bố và vinh danh TOP 10 – TOP 50 Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022-2023.
Ngày 6/10/2023 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đồng phối hợp chủ trì tổ chức Diễn đàn Vietnam New Economy Forum 2023 với chủ đề "Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững"; đồng thời, tổ chức sự kiện kỷ niệm 20 năm Chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam (2003-2023), công bố và vinh danh TOP 10 – TOP 50 Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022-2023.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực, tạo động lực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho các nền kinh tế trên thế giới.
"Việt Nam cũng đặt mục tiêu trọng tâm và chiến lược trong giai đoạn 2021-2030 là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy động lực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", ông Hiển cho hay.
Theo ông Hiển, Việt Nam đã có nhiều định hướng về kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới. Thời gian qua, đặc biệt trong và sau đại dịch covid-19, kinh tế số đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể, là cơ sở đảm bảo đạt được mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Phát triển Kinh tế số và Xã hội số giai đoạn 2021-2030 là 30% GDP.
Với mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là mô hình trọng tâm và cần được thúc đẩy ứng dụng trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án Phát triển Kinh tế Tuần hoàn với các quan điểm, mục tiêu và cách tiếp cận cụ thể. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng Nghị định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án đã được phê duyệt.
"Đây là những vấn đề mà Việt Nam đang rất quan tâm nhằm tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới", ông Hiển nhấn mạnh.
Top 10 Thương hiệu Mạnh Việt Nam năm 2023
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, khoảng 50 doanh nghiệp đã được công bố và vinh danh TOP 10 – TOP 50 Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022-2023. Năm 2023, chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam triển khai khảo sát doanh nghiệp ở các nhóm ngành kinh tế, tiến hành bình xét và công bố các hạng mục:
- TOP 10 Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022-2023
- TOP 10 Thương hiệu Mạnh - Kinh doanh Xuất sắc 2022-2023
- TOP 10 Thương hiệu Mạnh - Tăng trưởng Ấn tượng 2022-2023
- TOP 10 Thương hiệu Mạnh - Tiên phong Đổi mới sáng tạo 2022-2023
- TOP 10 Thương hiệu Mạnh - Tăng trưởng xanh 2022-2023
- TOP Thương hiệu Mạnh - Phát triển bền vững 2022-2023
Theo đó, các thương hiệu mạnh được khảo sát, công bố và vinh danh hàng năm là các thương hiệu doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất sắc, ấn tượng; các thương hiệu tiên phong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhất, tạo ra hiệu quả đột phá mới trong chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh và thương mại sản phẩm/dịch vụ; các thương hiệu tiên phong cam kết và triển khai các kế hoạch hành động về phát triển bền vững, cải thiện môi trường, biến đổi khí hậu, hướng tới thực thi cam kết net-zero của Việt Nam đồng thời tăng cường các chính sách hướng tới người lao động và cộng đồng; các doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao, được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đánh giá, định giá.
Theo đó, dẫn đầu Top 10 Thương hiệu Mạnh Việt Nam năm 2023 là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo sau lần lượt là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Trường Hải, Tập đoàn FPT.
Ở hạng mục top 10 thương hiệu mạnh – tăng trưởng ấn tượng, CTCP Sản xuất và Kinh doanh VinFast dẫn đầu trong số 10 thương hiệu. Tiếp theo lần lượt là: Công ty TNHH MTV Thương mại và Tiếp vận Bảo Tín; Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; CTCP Hàng không Vietjet; CTCP Thang máy Thiên Nam; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam; CTCP Tập đoàn Tân Long; CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT; Ngân hàng TMCP Nam Á; Công ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam, Ban tổ chức cũng vinh danh 5 doanh nhân xuất sắc với các dấu ấn thành công nổi bật gồm: Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG; Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO; Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam; Bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu.
Chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam là sự kiện thường niên lớn nhất của Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times, được khởi xướng từ năm 2003 và duy trì liên tục tới nay. Bền bỉ trong suốt 20 năm, chương trình đã kiến tạo và phát triển một cộng đồng doanh nghiệp thương hiệu mạnh Việt Nam với hàng nghìn thương hiệu ở tất cả các ngành, các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế.
Nhịp sống kinh tế