MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo doanh nghiệp nhỏ quá sức nếu tăng lương tối thiểu

Dù DN còn nhiều khó khăn, nhưng sau 2 năm chưa tăng lương tối thiểu, đã tới lúc cần tăng lương để bù đắp ít nhất phần lạm phát tác động lên lương người lao động.

Dù DN còn nhiều khó khăn, nhưng sau 2 năm chưa tăng lương tối thiểu, đã tới lúc cần tăng lương để bù đắp ít nhất phần lạm phát tác động lên lương người lao động.

Sau 2 năm chịu tác động bởi dịch COVID-19, cả người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp đều đối mặt nhiều khó khăn, kinh tế phục hồi cũng là lúc câu chuyện tăng lương tối thiểu được đặt lên bàn Hội đồng tiền lương quốc gia. Nhiều khả năng lương tối thiểu có thể được tăng trong năm tới, doanh nghiệp (DN) sẽ đối mặt không ít sức ép về chi phí.

Hội đồng tiền lương quốc gia vừa họp phiên đầu tiên của năm 2022 để bàn về tăng lương tối thiểu vùng, tại phiên họp, phía Tổng Liên đoàn LĐ đề xuất tăng từ 1/7 tới.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh – Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, phiên họp đầu tiên chủ yếu để thăm dò ý kiến các thành viên. Điều quan trọng phải chốt có tăng lương tối thiểu vùng hay không, thời điểm tăng, sau đó mới bàn tới mức tăng bao nhiêu, việc này sẽ được bàn ở phiên họp thứ 2. Ở phiên họp thứ nhất của hội đồng, theo ông Thanh, phía Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam đề xuất tăng từ 1/7 tới, nhưng các thành viên khác vẫn chưa đồng thuận tăng.

Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay, hai năm qua, vì lý do khách quan do dịch bệnh nên chưa tăng lương tối thiểu, cuộc sống NLĐ cũng đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, về phía DN, dù đã phần nào phục hồi, nhưng trong quý 1 vừa qua, đặc biệt sau Tết Nguyên đán, dịch bùng phát mạnh tại nhiều địa phương, nên cũng chịu tác động không ít.

“Đứng về phía bên nào lập luận cũng có lý. Do đó, nếu tăng lương, lần này chỉ nên tăng bằng mức bù đắp lạm phát 2 năm qua, chưa tính tới các yếu tố tăng trưởng kinh tế, cải thiện cuộc sống NLĐ, các yếu tố đó sẽ cộng vào các lần tăng sau. Vì nếu mức tăng quá cao các DN nhỏ khó chịu được, khi thời gian qua đã phải thu hẹp sản xuất, thậm chí dừng sản xuất vì dịch bệnh. Thời điểm tăng nên lùi lại vào năm 2023, để phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm của DN”, ông Long nói.

Tương tự, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện người sử dụng LĐ tại Hội đồng tiền lương) cho biết: Phiên họp đầu tiên của Hội đồng tiền lương mới mang tính thăm dò ý kiến các bên, chưa bàn gì cụ thể. Dự kiến, phiên họp thứ 2 diễn ra ngày 12/4, các bên sẽ đưa ra đề xuất của mình.

Về đề xuất của Tổng Liên đoàn LĐ là tăng lương tối thiểu thêm khoảng 7% từ ngày 1/7/2022, ông Phòng từ chối bình luận. “Giờ cần chốt có tăng lương tối thiểu hay không. Tới lúc này, tôi thấy việc tăng lương tối thiểu là phù hợp sau gần 2 năm chưa tăng. Còn tăng khi nào, mức bao nhiêu cần tiếp tục thảo luận, đánh giá tác động tới DN, chỉ tiêu lạm phát, khả năng chi trả của DN...”, ông Phòng nói.

Cũng theo đại diện người sử dụng LĐ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, giá thành sản phẩm của DN được tính theo năm trên cơ sở tiền lương cố định, nên việc tăng lương giữa năm (ngày 1/7 - PV) không phù hợp, tăng vào đầu năm sẽ hợp lý hơn.

Lương tối thiểu vùng hiện hành được áp dụng từ năm 2020 tới nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên 2 năm qua chưa điều chỉnh. Cụ thể, vùng 1 áp dụng mức lương tối thiểu 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2 mức 3,92 đồng/tháng; vùng 3 mức 3,43 triệu đồng/tháng; vùng 4 mức 3,07 triệu đồng/tháng.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên