Lỡ hẹn 8 lần, Bộ GTVT lại hứa tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Thay vì đưa ra thời gian cụ thể, Bộ GTVT lại đưa ra cam kết chung chung sẽ hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 2019.
- 27-05-2019Video: Lái tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đào tạo như thế nào?
- 23-05-2019Cận cảnh học nghề của lái tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông
- 18-03-2019Đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn vướng gì trước ngày khai thác?
- 12-03-2019Ảnh: 'Người nhện' đu dây lau rửa ga tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước ngày hoạt động
Sau 8 lần lỡ hẹn, đến nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể hoàn thành. Lần gần nhất Bộ GTVT "hứa" đưa dự án vào khai thác trong tháng 4 nhưng bất thành. Mới đây Bộ GTVT lại vừa đưa ra tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2019.
Cụ thể, trong báo cáo mới nhất gửi QH, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp.
Riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị. Dự án đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.
Bộ GTVT lại đưa ra tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2019
Bộ trưởng GTVT nói rõ, dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết.
Những vướng mắc tại dự án được Bộ trưởng GTVT nêu ra như: Tổng thầu Trung Quốc chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công công trình; chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn; chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng…
Ông Thể cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan thực hiện.
Báo cáo của Bộ GTVT cũng nói rõ, các dự án đường sắt đô thị như: tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi; Dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương hiện đều chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.
Nguyên nhân do đây là các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nên chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện.
"Năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện của Chủ đầu tư đối với các dự án lớn về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới và còn hạn chế. Cùng đó do thiếu kinh nghiệm nên tính toán tổng mức đầu tư không sát thực tế, phải thay đổi quy mô. Các tư vấn, nhà thầu thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý và quy trình thủ tục ở Việt Nam…", Bộ trưởng Thể cho biết
Về trách nhiệm, Bộ GTVT nhìn nhận, để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án, trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư, tư vấn. Việc chậm giải phóng mặt bằng, thay đổi quy hoạch thuộc trách nhiệm địa phương, chủ đầu tư.
Vietnamnet